Chúng ta

Gặp nhóm SV lập trình ứng dụng dạy nấu ăn bằng giọng nói

Thứ tư, 25/11/2015 | 11:59 GMT+7

Ứng dụng này do nhóm sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông và Đại học Bách khoa phát triển.

Chỉ dẫn công thức nấu ăn, thống kê hàm lượng dinh dưỡng, tư vấn món ăn theo nguyên liệu, số tiền, và chế độ ăn uống cho từng thành viên, quản lý thiết bị nhà bếp… là những tính năng cơ bản của ứng dụng trợ lý nhà bếp iCook. Điều đặc biệt là người dùng có thể dùng giọng nói để điều khiển ứng dụng trên smartphone.

f1-9721-1448413126.jpg

Ứng dụng này do nhóm sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông và Đại học Bách khoa phát triển. Ảnh: NVCC.

“Hôm nay ăn gì” là câu hỏi luôn khiến các bà nội trợ đau đầu. Tuy nhiên, với khẩu lệnh đơn giản “iCook, hôm nay ăn gì?”, ngay lập tức ứng dụng trợ lý nhà bếp iCook sẽ gợi ý những món ăn và cách chế biến. Các món ăn đều được iCook tính toán dựa trên sở thích, nhu cầu, chỉ số cơ thể, tình trạng bệnh hoặc hoặc số tiền của người sử dụng.

Cha đẻ của ứng dụng iCook là 5 chàng trai trẻ (cùng sinh năm 1994): Đào Hoàng Tiến, Lê Văn Tuấn, Phạm Quang Chiến, Đỗ Trung Thành (Học viện Bưu chính viễn thông) và Ngô Quang Anh (Đại học Bách khoa Hà Nội). Họ đều là những sinh viên sống xa nhà và luôn phải đối mặt với câu hỏi “hôm nay ăn gì?”, từ đó họ đã nảy sinh ý tưởng về một ứng dụng giúp đỡ việc bếp núc trở nên đơn giản hơn và đem thi đấu tại cuộc thi Viết ứng dụng tương tác thông minh điều khiển bằng giọng nói (S.M.A.C Challenge 2015).

Được biết, đội trưởng Đào Hoàng Tiến chịu trách nhiệm phân chia công việc, lập trình ứng dụng người dùng cuối; Ngô Quang Anh lập trình máy chủ và thiết kế cơ sở dữ liệu; Lê Văn Tuấn phụ trách xử lý AIML; Phạm Quang Chiến có nhiệm vụ tổng hợp dữ liệu, và Đỗ Trung Thành xây dựng thuật toán tư vấn, dịch vụ cho ứng dụng người dùng cuối.

“Không chỉ có tụi em mà rất nhiều người như các bà, các mẹ ở nhà cũng luôn tự hỏi hôm nay ăn gì để đỡ chán mà lại đủ chất. Thông điệp của nhóm là mọi người hãy chú trọng đến việc ăn uống, cùng chia sẻ bữa ăn ngon và gắn kết tình cảm gia đình sau những ngày lao động vất vả”, đội trưởng Đào Hoàng Tiến chia sẻ.

Hiện iCook đã được đưa lên kho ứng dụng Google Play để người dùng tải về sử dụng miễn phí. Trong thời gian tới, Tiến và các bạn trong nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu công nghệ theo xu hướng Internet of Things, bổ sung thêm các tính năng để kết nối với các thiết bị trong nhà bếp như tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng,… và kết hợp với các chuyên gia dinh dưỡng để tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý.

f2-2331-1448413126.jpg

Giao diện ứng dụng iCook. Ảnh chụp từ video trải nghiệm.

Thực tế trên thị trường có nhiều website hướng dẫn nấu ăn. Ngược lại, ứng dụng trên thiết bị di động lại khá khiêm tốn và mới dừng lại ở khâu tư vấn cách nấu. Do đó, iCook được các chuyên gia công nghệ trong ban tổ chức S.M.A.C Challenge 2015 đánh giá cao.

Theo dõi phần trình bày và chạy thử ứng dụng iCook, ông Nguyễn Minh Đức (thành phần ban giám khảo), chuyên gia bảo mật tại FPT nhận định: "Đây là ý tưởng tốt, có khả năng triển khai thực tiễn".

Với những điểm nổi bật của ứng dụng iCook, đội Infinity đã lọt vào top 4 cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015. Dự kiến, trận chung kết S.M.A.C Challenge 2015 sẽ diễn ra vào ngày 19/12 tại TP HCM, và đội Infinity sẽ một lần nữa trình diễn lại iCook với những tính năng hứa hẹn hấp dẫn hơn nữa.

Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, SMAC Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật). Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cho thí sinh nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư.

24h

Ý kiến

()