Viettel xác định sứ mệnh kiến tạo xã hội số ở Việt Nam
Hồi tháng 8 năm ngoái, Viettel đã công bố chiến lược giai đoạn đến năm 2030 trong đó xác định rõ Viettel phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm.
Đại diện Viettel cho biết, đến nay tập đoàn này đã xây dựng một hạ tầng mạng viễn thông di động băng rộng 4G phủ tới 95% dân số Việt Nam. |
Trong chia sẻ với ICTnews vào đầu năm mới 2019, đại diện lãnh đạo Viettel đã nhấn mạnh: “Với tư cách là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực viễn thông và CNTT, Viettel luôn nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc tạo ra hạ tầng và nền tảng cho cuộc Cách mạng 4.0 ở Việt Nam. Viettel có rất nhiều thế mạnh và chuyên môn của mình. Do đó, chúng ta phải tiên phong, dẫn đầu. Viettel đang nỗ lực đóng vai trò tiên phong. Năm 2019 cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập tập đoàn, Viettel xác định sứ mạng của mình là kiến tạo xã hội số ở Việt Nam”.
Hướng đến mục tiêu một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ số, Viettel đang phát triển mạnh mẽ các nền tảng cơ bản và quan trọng nhất của cuộc cách mạng này bao gồm: AI, Big Data, in 3D, Robot. Cùng với việc tạo ra hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để tạo ra các sản phẩm chuyển đổi số, Viettel còn xây dựng bộ công cụ và lực lượng an ninh mạng để bảo vệ an toàn trên không gian mạng, đảm bảo người dùng an tâm khi sống trong xã hội số.
Cũng theo đại diện Viettel, đến nay tập đoàn đã xây dựng một hạ tầng mạng viễn thông di động băng rộng 4G phủ tới 95% dân số Việt Nam. Hạ tầng mạng siêu băng rộng cố định của Viettel chỉ còn cách mỗi hộ gia đình nông thôn khoảng 50m, còn ở thành phố gần như đã đến tận cửa nhà. Nền tảng công nghệ điện toán đám mây được Viettel đầu tư chiều sâu hơn 10 năm qua đã khiến cho giá thành lưu trữ dữ liệu giảm tới 3-4 lần. Viettel cũng đã thử nghiệm thành công công nghệ NB-IoT tại Hà Nội để đưa các thiết bị nhỏ kết nối vào mạng viễn thông, chuẩn bị cho một xã hội số hóa; sẵn sàng triển khai công nghệ 5G để tạo ra kết nối băng rộng cho các ứng dụng kết nối vạn vật. “Với hạ tầng này, Viettel đảm bảo năng lực kết nối của Việt Nam đã tương đương các nước phát triển nhất”, đại diện Viettel khẳng định.
VNPT sẽ tập trung vào phát triển Hệ sinh thái số thông minh
Với VNPT, nói về những mục tiêu, định hướng chiến lược của tập đoàn mình trong tiến trình chuyển đổi số chung của nền kinh tế Việt Nam, đại diện lãnh đạo VNPT cho hay, bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi số tại chính doanh nghiệp mình, là một trong những doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực VT-CNTT, VNPT xác định thời gian tới phải nắm vai trò tiên phong, dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số của đất nước. VNPT sẽ tham gia vào chuyển đổi nền kinh tế số, vào các lĩnh vực Đô thị số, Chính quyền số, Doanh nghiệp số và Công dân số.
VNPT xác định sẽ tập trung vào phát triển Hệ sinh thái số thông minh Innovative Digital Ecosystem (VNPT IDE), dựa trên các công nghệ 4.0 - là hạt nhân của chuyển đổi số (Ảnh minh họa) |
Ngoài việc tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới theo hướng thông minh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm CNTT sử dụng công nghệ 4.0 phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực: chính phủ điện tử, du lịch thông minh, y tế điện tử, giáo dục điện tử, nông nghiệp thông minh…, VNPT sẽ tập trung vào phát triển Hệ sinh thái số thông minh Innovative Digital Ecosystem (VNPT IDE), dựa trên các công nghệ 4.0 - là hạt nhân của chuyển đổi số.
Cụ thể, theo đại diện VNPT, trong năm 2019, VNPT IDE sẽ thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu gồm: Xây dựng các platforms trên nền tảng công nghệ 4.0 để không chỉ VNPT mà cả các bên thứ 3 có thể tập trung vào việc phát triển ứng dụng, kinh doanh trên đó, không cần bận tâm đến các công nghệ cụ thể ở tầng dưới, ví dụ như IoT Platform CSP của VNPT; chuyển giao tri thức các công nghệ mới một cách hệ thống và bài bản, cùng trang bị cơ sở vật chất đúng chuẩn thế giới, ví dụ VR/AR Lab của VNPT hợp tác với EON.
FPT muốn trở thành “tấm gương tiên phong” truyền cảm hứng chuyển đổi số
Theo chia sẻ của ông Trần Huy Bảo Giang - Giám đốc Chuyển đổi số FPT, định hướng trong 10 năm tiếp theo của FPT là trở thành “tấm gương tiên phong” truyền cảm hứng chuyển đổi số, góp phần chuyển đổi nền kinh tế xã hội Việt Nam.
Cụ thể, với nội tại tập đoàn, FPT đang tích cực tăng tốc chuyển đổi số cho FPT cũng như các công ty thành viên. Với việc đi sâu tìm hiểu vấn đề nội tại ở tất cả các cấp, tăng cường sử dụng giải pháp số, công nghệ số như AI, Automation… để giải quyết các vấn đề này một cách đột phá, FPT sẽ sớm trở thành một trong số ít các doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực.
FPT đặt mục tiêu trở thành tập đoàn có năng lực và giải pháp chuyển đổi số tổng thể, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. |
Đại diện FPT cũng nhấn mạnh, từ trải nghiệm của doanh nghiệp mình, FPT sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam và xây dựng nền kinh tế số thế giới. FPT sẽ tích cực tham gia xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam hướng tới Chính phủ số, cung cấp các giải pháp công nghệ mới ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như y tế, giao thông, giáo dục, điện lực… góp phần tạo ra cuộc sống hiện đại và tiện nghi cho người dân. Để chuẩn bị nguồn lực toàn cầu trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, FPT cũng hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục với thế mạnh về đào tạo kỹ năng 4.0 cho hàng triệu người trẻ Việt.
FPT cũng sẽ tăng cường hợp tác song phương với hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới như Microsoft, Google, Amazon, Siemens, GE... để cùng chia sẻ phương pháp luận cũng như các nền tảng công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số.
Với sự ra đời của Ban chuyển đổi số FPT vào cuối năm 2018 nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số và cung cấp năng lực tư vấn số, cũng như sự ra đời Học viện số FPT để xây dựng mạng lưới những nhân tài công nghệ Việt để cùng đón làn sóng chuyển đổi số, FPT đặt mục tiêu trở thành tập đoàn có năng lực và giải pháp chuyển đổi số tổng thể, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
CMC sẽ ra mắt hệ sinh thái mở CMC OPE2N vào đầu năm 2019
Đối với CMC, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT diễn ra giữa tháng 1, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính đã cho biết, mục tiêu của CMC trong chặng đường sắp tới là tham gia xây dựng một nền tảng số cho tất cả tổ chức, doanh nghiệp: “Cũng như VNPT, Viettel, chúng tôi phải tự chuyển đổi minh thành công ty số. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chính thức công bố chiến lược số của doanh nghiệp mình, trong đó có việc chính thức xây dựng một hệ sinh thái mở CMC có tên “CMC OPE2N”, dự kiến được cho ra mắt ngay sau Tết nguyên đán 2019”.
Tiếp đó, cuối tháng 1/2019, định hướng xây dựng một hệ sinh thái nền tảng mở cho doanh nghiệp được người đứng đầu CMC chia sẻ rõ hơn với ICTnews. Theo ông Chính, trong thế giới phẳng và nền kinh tế tri thức ngày nay, không doanh nghiệp, tổ chức, con người nào có thể đứng riêng lẻ mà chỉ có thể tồn tại, phát triển nếu sống trong một hệ sinh thái cộng sinh tự cân bằng và cùng phát triển. Vì thế, CMC mong muốn xây dựng một hệ sinh thái nền tảng mở cho doanh nghiệp - CMC Open Platform Ecosystems for Enterprises (CMC OPE2N) - nơi tất cả khách hàng, đối tác của CMC có thể tìm thấy giải pháp công nghệ phù hợp, cùng chia sẻ giá trị và cùng phát triển. Để thực hiện được điều này cần có sức mạnh hợp lực của toàn tập đoàn từ cả 3 trụ cột: Tích hợp hệ thống, Phần mềm, Viễn thông.
CMC mong muốn xây dựng một hệ sinh thái nền tảng mở cho doanh nghiệp -CMC OPE2N- nơi tất cả khách hàng, đối tác của CMC có thể tìm thấy giải pháp công nghệ phù hợp, cùng chia sẻ giá trị và cùng phát triển (Ảnh minh họa) |
Theo mô tả của ông Chính, hệ sinh thái CMC OPE2N có hạ tầng viễn thông mở cho doanh nghiệp, tổ chức như Data Center kết nối mạng cáp quang GPON, là điểm kết nối mở và trung lập cho mọi đối tác khách hàng, ứng dụng môi trường mở điện toán đám mây Multi Cloud-Open Cloud, kết nối mở cho tất cả đối tác và doanh nghiệp hàng đầu thế giới và Việt Nam như Google, AWS, Microsoft, Facebook... song song với đó vẫn đảm bảo an ninh an toàn cho các cộng đồng trong hệ sinh thái, đảm bảo chuẩn kết nối API ứng dụng cho người dùng.
Hệ sinh thái CMC OPE2N cũng có lớp cung cấp dịch vụ dành cho khách hàng doanh nghiệp SMEs, hệ thống quản lý nhà nước, với sự tham gia của rất nhiều đối tác, khách hàng lớn của CMC trong ngành công nghệ.
>> Chủ tịch FPT Software: 'Chúng tôi làm những việc cả thế giới còn đang lúng túng'
ICT News
Ý kiến
()