Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ sẽ được FPT tổ chức thường niên. Chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi Cuộc đua số năm 2016 - 2017 diễn ra chiều ngày 2/11, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT cho biết, mục tiêu lớn nhất của các cuộc thi công nghệ của FPT là giúp cho các bạn trẻ Việt Nam xây dựng một nền tảng vững chắc để đón nhận cơ hội và thành công trong cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. “Chúng tôi cũng kỳ vọng cuộc thi sẽ giúp phát hiện những sinh viên tiềm năng cùng FPT tiên phong trong cuộc cách mạng số”, ông Bùi Quang Ngọc cho hay.
Cuộc thi công nghệ Cuộc đua số lần đầu tiên được FPT tổ chức. Các đội thi giành quyền vào vòng thi chung khảo sẽ được Ban tổ chức đào tạo, cung cấp xe ô tô mô hình và bộ mã nguồn mở để thi đấu. |
Chủ đề các cuộc thi công nghệ của FPT đều tập trung vào các công nghệ mới nhất trên thế giới như lập trình robot, điều khiển bằng giọng nói, trí tuệ nhân tạo… Công nghệ tự động, trong đó có xe không người lái là một trong những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay, thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn trên thế giới như Google, Tesla, Uber… đã được FPT lựa chọn làm chủ đề cuộc thi Cuộc đua số 2016 - 2017. Cuộc thi này được sự bảo trợ của Bộ KH&CN cùng sự đồng hành của 2 nhà tài trợ vàng HP, Lenovo.
Với chủ đề công nghệ đầu tiên “Xe không người lái” và diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017, cuộc thi Cuộc đua số 2016 - 2017 dành cho tất cả sinh viên đại học trên toàn quốc sẽ là cuộc tranh tài của các đội thi sinh viên các trường về lập trình cho xe không người lái, đồng thời các xe của các đội thi sẽ được chạy đua với nhau trên sa hình mô phỏng đường phố tại Việt Nam.
Lễ phát động cuộc thi Cuộc đua số 2016 - 2017 chủ đề "Xe không người lái" được FPT chính thức phát động vào chiều ngày 2/11 tại Hà Nội. |
Ban tổ chức cũng cho biết, cuộc thi Cuộc đua số 2016 - 2017 gồm có 2 vòng thi sơ khảo và chung khảo. Trong đó, Vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 1/11/2016 đến ngày 15/1/2017. Ban tổ chức nhận hồ sơ đăng ký qua website http://cuocduaso.fpt.com.vn / http://digitalrace.fpt.com.vn bắt đầu từ nay đến ngày 30/11/2016. Sau đó, Ban tổ chức sẽ tổ chức 8 trận sơ loại tại các trường để tìm kiếm ra các đội xuất sắc nhất đại diện cho từng trường vào vòng chung khảo.
Ở vòng chung khảo, diễn ra từ ngày 16/1 đến tháng 4/2017, các đội thi giành quyền vào vòng thi chung khảo sẽ được Ban tổ chức đào tạo, cung cấp xe ô tô mô hình và bộ mã nguồn mở để thi đấu. Các đội thi sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lí ảnh, trí tuệ nhân tạo để lập trình xử lý thuật toán nhận dạng đường đi, giúp xe có thể di chuyển với tốc độ cao nhất trên một sa hình mô phỏng một số đường phố thật. Dự kiến trận chung kết sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 4/2017.
Tham dự cuộc thi, ngoài cơ hội nhận được giải thưởng trong tổng giá trị 700 triệu đồng, các bạn sinh viên còn có cơ hội được thử thách các công nghệ mới nhất; đào tạo và thực hành các kỹ năng cần thiết cho quá trình làm việc như điều hành và làm việc nhóm, lập kế hoạch và quản trị dự án… Các bạn sinh viên cũng sẽ được học hỏi những chuyên gia công nghệ hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt là cơ hội gặp gỡ các chuyên gia công nghệ của Google tại thung lũng Silicon, Mỹ.
Về cơ cấu giải thưởng, cuộc thi Cuộc đua số 2016 - 2017 có 1 giải Nhất trị giá 450 triệu đồng gồm 1 chuyến thăm quan thung lũng Silicon (Mỹ) cho các thành viên đội thi và một số hiện vật; 1 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 2 giải Ba mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; và 8 giải thưởng cho các đội dành giải nhất trong vòng sơ loại, với trị giá 10 triệu đồng/giải thưởng. Ngoài ra, trường có đội thi đạt giải Nhất chung cuộc sẽ nhận được 50 triệu đồng tiền mặt và nhiều giải thưởng có giá trị khác.
Để tham gia cuộc thi Cuộc đua số 2016 - 2017, ngoài việc yêu thích công nghệ, các thí sinh cần có những kiến thức cơ bản về xử lí ảnh - ADAS, học máy thống kê, lập trình nhúng, trí tuệ nhân tạo, kiến thức về lập trình trên Linux, biết sử dụng ngôn ngữ lập trình C/ C++. Mỗi đội thi sẽ cần có từ 3 - 5 thành viên thuộc cùng một trường đại học. Các đội thi lọt vào vòng chung kết sẽ được ban tổ chức cung cấp mỗi đội 1 xe ô tô mô hình đã được thiết lập sẵn và bộ thư viện mã nguồn mở để tham gia thi đấu.
Đại diện Ban tổ chức cũng cho biết thêm, để tổ chức cuộc thi Cuộc đua số 2016 – 2017 chủ đề “Xe không người lái”, tập đoàn FPT phối hợp cùng 6 trường đại học lớn gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Là một doanh nghiệp hàng đầu về dịch vụ CNTT tại Việt Nam, trong những năm qua, không chỉ tiên phong nghiên cứu và cung cấp các giải pháp/ dịch vụ CNTT mới nhất cho khách hàng Việt Nam và trên thế giới, FPT cũng luôn quan tâm đến việc tạo môi trường và động lực cho các bạn trẻ đam mê theo đuổi công nghệ, giúp các bạn xây dựng những nền tảng vững chắc để thành công trong tương lai. Nhiều cuộc thi công nghệ đã được FPT tổ chức như Trí Tuệ Việt Nam (2000 - 2007), Mobile Lab (2008 - 2009), Mobile Robot Challenge (2013), S.M.A.C Challenge (2014 - 2015)… Nhiều tên tuổi trong ngành công nghệ Việt Nam hiện nay đã từng thành công trong các cuộc thi công nghệ này, tiêu biểu như ông Vương Vũ Thắng - Chủ tịch HĐQT VCCorp, ông Vương Quang Khải - Phó Tổng giám đốc VNG, ông Trần Hữu Đức - Giám đốc Quỹ FPT Ventures… |
>> 40 giờ đến ngôi Vô địch Hackathon của FTS
ICT News
Ý kiến
()