Với chủ đề "Sáng tạo để phát triển", Giám đốc Công nghệ (CTO) FPT Nguyễn Lâm Phương đã tập trung trình bày về xu hướng công nghệ thế giới cũng như hướng đi sắp tới của công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam này trong Ngày công nghệ FPT 2015.
Ngành công nghệ thông tin thế giới đang ở ngưỡng cửa nền tảng thứ 3 theo hướng số hóa. Tất cả đều phải chuyển mình theo xu hướng S.M.A.C (Social - Mobile - Analytics - Cloud). Theo đó, mô hình doanh nghiệp cần phải đổi mới, các nhà hoạch định chiến lược công nghệ cần phải bắt nhịp trong vai trò mới - "lãnh đạo số". Theo IDC, chi tiêu dành cho SMAC sẽ lên tới 5.000 tỷ USD. Hơn 100 tỷ thiết bị điện toán kết nối mạng, đòi hỏi các công ty phải đầu tư xử lý dữ liệu lớn (Big data). Theo tập đoàn tư vấn công nghệ Cognizant, xu hướng S.M.A.C chia làm 2 pha: Từ 2012-2015 sẽ được dẫn dắt bởi xu hướng Mobility và Analytics. Xu hướng “Internet of Things” sẽ thống trị từ 2015-2020. Hãng Gartner nhận định, nền kinh tế là sự kết hợp giữa thế giới thực và ảo (Internet of Things) được xây dựng trên sự phát triển công nghệ của nền tảng thứ ba (The 3rd Platform).
Theo ông Nguyễn Lâm Phương, FPT đang đứng trước thách thức lớn của làn sóng công nghệ mới. Nếu FPT không năng động, chuyển mình thì "FPT sẽ giống như chú khủng long dần bị bỏ đói và tự hủy diệt", ông Phương ví von. Chính vì vậy, FPT áp dụng chính sách mở cửa sẵn sàng đón nhận xu hướng mới "xã hội hóa". FPT sẽ cung cấp nền tảng, tài nguyên sẵn có dành cho các start-up.
"FPT muốn tham gia vào cuộc chơi cùng các startup, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp", ông Nguyễn Lâm Phương nói.
Ông Phương cũng nêu dẫn chứng, các ngân hàng trên thế giới đang chuyển mình hết sức tích cực trước làn sóng công nghệ mới như Barclays, Citibank, BBVA... Các ngân hàng đã và đang kết hợp với các startup nhằm tạo ra các loại hình dịch vụ mới chỉ trong thời gian ngắn. Đơn cử như Barclays chỉ trong vòng 10 tháng, ngân hàng này mở platform kết nối với 3000 startup ở 64 quốc gia trên thế giới. Một khi start-up thành công cũng đồng nghĩa với platform của nhà cung cấp ngày càng được mở rộng. Chuẩn nhắn tin SMS mất vài thập kỷ để phát triển và 10 năm để có thể phổ biến rộng rãi trong khi đó Viber chỉ mất 1 năm để có 100 triệu người dùng. Dropbox có thể phát hành sản phẩm 6 lần trong vòng một ngày. Những thay đổi đáng kinh ngạc như trên chính là nhờ sự sáng tạo. Chỉ có sáng tạo mới giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh chóng trong kỷ nguyên số.
CTO FPT Nguyễn Lâm Phương. |
Trong những năm qua, FPT vốn đã quá quen với mô hình truyền thống khi sự phát triển bền vững, ổn định được đặt lên hàng đầu nhưng ngược lại nó khiến một doanh nghiệp lớn như FPT có thể thích ứng chậm với thời cuộc. Ông Phương nhận định: "Cộng đồng startup ở Việt Nam hiện nay quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Israel, một quốc gia nhỏ bé với 7 triệu người nhưng có tới 36.000 start-up. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ vỏn vẹn có khoảng 1.000 startup. FPT muốn tham gia vào cuộc chơi cùng các startup, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp", vị Giám đốc công nghệ FPT chia sẻ.
Mục tiêu xa hơn là tạo dựng một "quốc gia khởi nghiệp" ngay tại Việt Nam. Ông Phương đưa ra ví dụ một quốc gia không nhiều người biết đến như Luxembourg cũng đã và đang thu hút được giới đầu tư công nghệ. "Quốc gia khởi nghiệp" này nổi lên trên bản đồ thế giới là nhờ startup nổi tiếng Skype. Việt Nam cũng cần có những câu chuyện startup thú vị như thế để tạo nguồn cảm hứng trở thành "quốc gia khởi nghiệp".
Ông Phương cho rằng, ngay bản thân FPT cũng là một công ty khởi nghiệp ở quy mô lớn. "Đây là cuộc chơi không phải chỉ riêng mình FPT mà là của tất cả. FPT sẵn sàng mời cộng đồng startup xây dựng phát triển trên platform mà FPT đã có sẵn", ông nhấn mạnh. "FPT luôn chào đón các startup có đam mê, có hoài bão và thực sự có tiềm năng phát triển". Như vậy, sau "One FPT" cùng tham vọng xây dựng FPT trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu Việt Nam, "FPT Open" - một FPT sẵn sàng hợp tác chia sẻ - sẽ là cánh cửa mở ra hướng phát triển mới của FPT trong tương lai.
Cũng trong buổi hội thảo chiều 21/5 về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của FPT, ông Nguyễn Lâm Phương cho biết: Không chỉ có ý tưởng mới quan trọng. Cái khó nhất của một startup là tìm và xây dựng được các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo ông, độ sẵn sàng để đầu tư của các công ty start-up trên thị trường Việt Nam hiện nay chưa cao.
Đối với cộng đồng startup, vị CTO này khẳng định: FPT sẽ trở thành nền tảng để giúp cho các start-up tăng xác xuất thành công và giảm bớt các rủi ro khi tham gia vào thị trường. FPT có mô hình sẵn sàng chia sẻ cả những rủi ro và thành công. Đồng thời khẳng định, FPT sẽ cam kết “đi đến tận cùng” với các starup mà mình lựa chọn chứ không hẳn chỉ là đầu tư ban đầu.
Về vấn đề chia sẻ tài nguyên của FPT, ông Vũ Anh Tú, CTO của FPT Telecom, cho biết: Quan trọng hơn cả đầu tư tài chính, FPT còn hỗ trợ những kinh nghiệm và đồng thời chia sẻ cả những tài nguyên FPT đã có để các startup trong và ngoài FPT có thể cùng khai thác khi xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc mở rộng tài nguyên cho cộng đồng cũng mang lại cho FPT nhiều lợi ích vì tiềm năng của cộng đồng startup bên ngoài là vô cùng lớn. Về phần FPT Telecom, các năng lực viễn thông khi được chuyển hóa và public (công bố) dưới dạng các telco hoặc API sẽ mang đến cơ hội lớn cho các startup Việt.
Một nội dung quan trọng được đa số các start-up tham dự hội thảo quan tâm là sự ra mắt và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures cũng như những tiêu chí lựa chọn các startup của Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên này của FPT.
GĐ FPT Ventures giải đáp thắc mắc tại FPT TechDay 2015. |
Chia sẻ về vấn đề này, anh Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ, nhấn mạnh, FPT Ventures được thành lập với vai trò là người hỗ trợ kết nối giá trị của FPT đến cộng đồng startup và mong muốn có thêm nhiều startup thành công hơn nữa ở Việt Nam. Và lần đầu tiên, qua Quỹ đầu tư mạo hiểm, FPT sẽ mang đến các tài nguyên cho cộng đồng để cùng với các startup kinh doanh.
Với mục đích muốn biến các startup thành các doanh nghiệp lớn, FPT Ventures cam kết đầu tư dài hạn cho các startup mà mình lựa chọn với tiêu chí sẽ tập trung đầu tư vào các nhóm startup dưới 1 triệu USD. Quỹ cam kết, cùng đồng hành với founder trong tối thiểu 5 năm cho đến khi khởi nghiệp thành công với kỳ vọng, sau 5 năm doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có lợi nhuận khoản 1 triệu USD.
Hiện tại, FPT đã có mặt trên 17 quốc gia trên thế giới. Đây là 1 trong những lợi thế để đưa các startup Việt ra thị trường thế giới. FPT sẽ hỗ trợ các startup khi muốn triển khai hoạt động ở nước ngoài.
ICT News
Ý kiến
()