Chúng ta

Chung kết Cuộc đua số - cuộc thi của 8 đại học hàng đầu

Thứ tư, 10/5/2017 | 11:31 GMT+7

8 đội đại diện cho 8 trường đại học lớn trên cả nước sẽ thi tài lập trình điều khiển xe không người lái tại Hà Nội tối nay (10/5).

Techcolor - ĐH Công nghệ Hà Nội

Sở hữu đội hình từng đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi công nghệ của quốc tế và Việt Nam, TechColor được xem là một đối thủ “nặng ký”. Với các thành viên am hiểu cả phần cứng lẫn phần mềm, đội hướng tới chiến thuật đa dạng nguồn lực để tận dụng lợi thế của từng ngành nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả cho xe.

xe-khong-nguoi-lai-3-1-1223-1494387727.j
 

Để chuẩn bị cho trận chung kết, các thành viên trong đội cho biết họ chỉ dám ngủ mỗi ngày khoảng 4-5 tiếng và câu chuyện lúc nào cũng chỉ xoay quanh vấn đề tối ưu các thuật toán cho xe. Không chỉ vậy, cả nhóm phải vừa làm việc, vừa phải tự khắc phục vấn đề bài vở.

"Tôi kỳ vọng trong thời gian không xa, xe không người lái sẽ chạy trên đường phố Việt Nam", Nguyễn Duy Hưng, đội trưởng của Techcolor nói. Theo Hưng, xe không người lái là mô hình tuyệt vời cho cả xe bus và xe cá nhân, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và tình trạng tắc đường ở Việt Nam.

Tên Lửa - Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Từng hai lần nâng cúp SMAC Challenge (tiền thân của Cuộc đua số), đội thi của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) luôn được đánh giá là đối thủ đáng gờm trong mắt các đội còn lại do được thừa hưởng kinh nghiệm của các đàn anh đi trước. Tuy nhiên, lần đầu tiên được trao luôn cả thiết bị phần cứng, đội đã khá bối rối khi phải xử lý các vấn đề như xe chạy ở đâu, bảo quản thế nào, từng bộ phận trên xe có chức năng gì và đặc biệt là kiếm đâu ra làn đường mô phỏng giao thông cho xe lăn bánh.

url-1590-1494387727.png
 

Tại PTIT, những ngày đầu gian khó chưa có phần sân cố định để tập dượt cho xe, đồng thời phần giải thuật cũng còn khá sơ sài, các sinh viên đã nghĩ ra cách rẻ nhất và cơ động nhất là giấy vệ sinh. Hì hục dán giấy cả buổi để có được những đường cong "mềm mại" cho xe chạy, cả nhóm lại bị bảo vệ nhắc phải tháo bỏ hiện trường trước khi ra về, đề phòng trời mưa. "Thế rồi tụi em cũng xin phép được một góc nhỏ và dùng sơn vẽ cho xe chạy", sinh viên Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.

Thành viên này cũng cho rằng cuộc thi là cơ hội "vàng" để được tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm về những công nghệ mới nhất như xử lý ảnh, học máy, công nghệ nhúng; tham gia vào một dự án thật sự với cường độ làm việc cao và phần thưởng hấp dẫn. Tuy vậy, Tiến cũng thẳng thắn nhận định, xe không người lái khó đi vào đời sống ở Việt Nam do tình trạng giao thông hiện tại thì "người lái còn khó huống chi đến máy".

MTA Racer - Học viện Kỹ thuật quân sự

Đối thủ của MTA Racer đều xếp đội chơi đến từ Học viện Kỹ thuật quân sự vào top những đối thủ đáng gờm nhất bởi thể hiện xuất sắc trong vòng sơ khảo cũng như khả năng đa ngành của nhóm sinh viên cùng truyền thống của trường. Còn khi được hỏi về khả năng giành chiến thắng của đội nhà, các thành viên của MTA Racer vẫn khiêm tốn nhận 50/50.

MG-8958-1494239436-660x0-6206-1494387727
 

Qua các màn thể hiện trước, xe của nhóm có khả năng chạy mượt, xử lý vật cản tinh tế bằng cách giảm tốc, tránh mà không hề lẹm vào vạch làn đường. Kết quả này không phải quá trình ngày một ngày hai của nhóm sinh viên áo lính.

Luyện tập hăng say, năm chàng trai cũng từng gặp những chuyện "hết hồn" như xe bị vỡ gãy tứ tung, phải cầu cứu ban tổ chức hay bị nhốt lại trong trường do mải làm, quá giờ mà quên không báo với bảo vệ.

SeBoys - Đại học Công nghệ thông tin - ĐHQG TP HCM

Các sinh viên năm hai của Seboys đến với "Cuộc đua số" với rất nhiều lần đầu tiên. Do đều học về phần mềm, các em phải hoàn toàn tìm hiểu rốt ráo từ đầu tới đuôi của chiếc xe mô hình, công năng của từng bộ phận, khả năng xử lý của hai bảng mạch.

UIT-1-JPG-7084-1494387727.jpg
 

"Tụi em nhờ các thầy, các anh khóa trên giảng giải về board mạch vi xử lý Adruino, Jetson TK1. Ngay cả cảm biến siêu âm Sonar cũng chưa hiểu biết gì luôn, động tới cái gì là lại phải học về cái đó", sinh viên Trần Minh Phúc nói.

Quá trình tập luyện khá gian nan. Cả đội bàn thảo, viết code tại phòng giảng viên ở tầng 7, sau đó bê thiết bị xuống nhà để xe của trường, lúc này đã vắng tanh chỉ còn bác bảo vệ trông coi. Hành lý mang theo còn có một túi đựng đầy vải. Đó là những dải làn đường được các sinh viên tự chế để dải xuống sàn khi cho xe chạy.

"Ngán nhất là do ở nhà để xe không có màn hình, ổ điện nên mỗi lần không 'thuộc bài' từng dòng lệnh phải gõ qua bàn phím xách theo là tụi em lại chạy lên phòng thầy giáo để ngó rồi xuống làm tiếp. Mỗi lần xe chạy không đúng ý cũng vậy, cả đội lại kéo nhau lên phòng. Đi tập xe đua mà còn hơn đi tập thể hình", sinh viên Lê Phương Khanh nói.

CDIO - Đại học Bách Khoa TP HCM

Đến từ khoa Cơ khí, bốn chàng trai của đội CDIO tự nhận mình rất "lờ mờ" về phần xử lý ảnh, một trong những tiêu chí quan trọng nhất của "Cuộc đua số" lần này. Con xe mô hình được trao có nhiệm vụ phải nhận ra dải phân cách màu trắng để luôn đi đúng phần đường của mình cùng việc phải biết xác định vật cản để tránh hoặc dừng lại.

Bach-Khoa-HCM-1-JPG-2926-1494387727.jpg
 

Vì vậy, CDIO đã tìm tòi sâu về mảng giải thuật cùng việc tận dụng ưu thế phần cứng của đội để tối ưu cho xe đua. Xe đua của đội chạy với tốc độ cao mà vẫn mượt mà khi bẻ lái ở những khúc cua, một trong những ưu điểm vượt trội so với các đội thi khác.

Tự tin về phần cứng nhưng CDIO lại là đội "tàn phá" xe nhất. Chiếc xe mô hình đã vài lần "tanh bành khói lửa" khi các thành viên liều mình cho xe chạy với tốc độ cao, thử với vật cản. "Ba trên bốn thanh cầu của xe đã bị bể, cả đội phải đi mượn máy in 3D để in các chi tiết này và ráp lại xe", trưởng nhóm Võ Duy Công cho biết. Cũng nhờ bị gãy xe, tận dụng máy in 3D, các thành viên trong đội đã tự thiết kế thêm các chi tiết để giúp xe vững chắc hơn.

LHU Racing 304 - Đại học Lạc Hồng

Được nhà trường tạo điều kiện cho mượn hẳn nhà kho rộng hàng trăm mét vuông phía sau trường để làm đường đua cho xe mô hình, các thành viên của LHU Racing 304 đã lao động mệt nghỉ để thu dọn sắt thép, vật liệu tập kết cũ qua những lần sửa chữa trường. Thậm chí, họ đã phải bảo ban nhau "vượt qua sợ hãi" với những ngày ở lại xuyên đêm tại nhà kho của trường.

Lac-Hong-3-JPG-3802-1494387727.jpg
 

Một trong những chiến thuật của LHU Racing 304 là "bám càng" thật sát với Ban tổ chức. Bất kể điều gì được BTC tiết lộ cũng được cả đội săm soi và nghĩ cách biến thành mô hình để tập luyện. Đây là đội thi đầu tiên làm xong mô hình dốc cầu của BTC đưa ra để sớm cho xe tập luyện.

Đến nay, trên sa hình của tại trường, chiếc xe mô hình của đội chạy mượt và có khả năng tránh vật cản tuy chưa được chính xác tuyệt đối. Cả đội đang tích cực luyện tập leo dốc, chui hầm và tinh chỉnh phần code cho việc nhận biết vật cản.

BKAKid - Đại học Bách Khoa Hà Nội

bkakid-1989-1494296257-9499-1494387727.j
 

Hai tuần trước chung kết, xe của BKAKids vẫn di chuyển với vận tốc "rùa bò" dù tiêu chí xác định thắng thua của cuộc thi là tốc độ. Thế nhưng, đội thi này lại có một vũ khí bí mật mà chưa đội nào có, đó là sử dụng kỹ thuật học máy và trí tuệ nhân tạo trong giải thuật.

Vì năm thành viên học khác lớp, khác khoa, khác khóa, BKAKids gặp trở ngại lớn trong việc tập hợp. Cả nhóm chỉ có thể sắp xếp cùng làm việc vào cuối tuần mà đôi khi vẫn bị khuyết thành viên. Đại diện của BKAKids cho biết kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua là dịp hiếm có cả đội có thời gian chấn chỉnh. "Chúng em không dám về quê, nhốt nhau trong phòng để tập trung cho cuộc thi", một thành viên cho biết.

Tại vòng sơ khảo, xe của đội không tỏ ra nổi trội ngay ở phần thi đầu, khá lầm lì nhưng lại nhận được điểm số cao nhất từ Ban giám khảo và được đánh giá là đội có kiến thức tốt nhất.

Alpha One - Đại học FPT

fpt-5194-1494296257-8805-1494387727.jpg
 

Alpha One là đội thi để lại nhiều ấn tượng từ vòng Sơ khảo không chỉ bởi điểm số tốt, độ lệch chuẩn thấp nhất ở phần xử lý ảnh mà còn vì sự kiên định, quyết liệt của các sinh viên trong phần hỏi đáp và sự nhanh nhạy ở phần thi lập trình.

Hiện tại, "quái xế" không người lái của Alpha One đã chạy khá mượt mà ở mặt đường bằng phẳng nhưng thử thách vượt cầu và chui hầm vẫn còn nhiều lỗi.

Chính vì thế, cả đội đang dồn sức cho mấy ngày cuối ngày, nghiền ngẫm tài liệu để tìm thuật toán tối ưu. Đợt nghỉ lễ dài ngày vừa qua, dù nhiều sinh viên quê ở xa, sinh viên năm nhất nhớ nhà nhưng năm thành viên quyết tâm ở lại Hòa Lạc để chăm xe.

Cuộc thi “Cuộc đua số” với chủ đề “Xe không người lái” diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017. Là cuộc thi dành cho tất cả sinh viên đại học trên cả nước,  "Cuộc đua số" có tổng giá trị giải thưởng lên tới 700 triệu đồng. Ở vòng sơ loại, đã có 145 đội thi đến từ 26 trường đại học đăng ký tham dự chương trình. 8 đội xuất sắc nhất của 8 trường đại học trên toàn quốc đã lọt vào vòng chung kết. Trận chung kết Cuộc đua số sẽ diễn ra vào lúc 19h ngày 10/5 tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, Hà Nội. Trận đấu sẽ được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình FPT, Báo điện tử VNExpress và Fanpage cuộc thi Cuộc đua số.

VnExpress

Ý kiến

()