Theo đó, ngay từ năm 2012 tỉnh đã chủ động, triển khai xây dựng chính quyền điện tử và các Trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện với mục tiêu thực hiện cải cách hành chính là khâu then chốt để phát huy dân chủ, thực hiện pháp quyền, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước được Trung ương, các tỉnh bạn đánh giá cao và được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ.
Sau 5 năm thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng, các mục tiêu của Đề án đã hoàn thành, nhiều mục tiêu hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những giải pháp về Chính quyền điện tử và Chính phủ số của FPT. |
Đến nay, hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử, trung bình trên 1 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng hàng năm, tiết kiệm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính mỗi năm, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản một năm gần 15 tỷ đồng. Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600 nghìn hồ sơ được giải quyết mỗi năm giúp tiết kiệm chi phí xã hội trung bình một năm trên 70 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp địa phương này minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại tối thiểu một lần/giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Kê khai và nộp hồ sơ trực tuyến ngay tại nhà; đặt lịch hẹn trước qua mạng; hồ sơ được xử lý tập trung, tại chỗ với thủ tục đơn giản, thuận tiện… Kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Ninh cho thấy để triển khai thành công chính phủ điện tử cần sự quyết tâm từ phía lãnh đạo các cấp, đào tạo, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và lựa chọn đối tác triển khai có đủ năng lực.
Việc triển khai những công nghệ hiện đại trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… sẽ góp phần hiện đại hóa các chiến lược của Chính phủ nhằm tạo ra các giá trị công.
Tại Hội Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 diễn ra tại Hà Nội mới đây với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Văn phòng Chính phủ sẽ đồng hành với Quảng Ninh và nhấn mạnh mô hình ở Quảng Ninh sẽ là nền tảng để đánh giá xây dựng mô hình chính quyền điện tử quốc gia.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang hợp tác với Tập đoàn FPT khảo sát, đánh giá lại thực trạng mô hình chính quyền điện tử tỉnh, thông qua đó sẽ bổ sung những mặt còn hạn chế, tồn tại.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ cùng với Tập đoàn FPT xây dựng một trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng bộ, là nơi tập trung lưu giữ, xử lý thông tin, dữ liệu của toàn tỉnh gồm: phòng chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; giao thông, tài nguyên môi trường; dân cư; kinh tế xã hội… Đồng thời, xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh có khả năng tích hợp với Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
Hệ thống này sẽ cung cấp tất cả các dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cho người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào hệ thống này là có thể được cung cấp đầy đủ các dịch vụ hành chính của cơ quan Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, từ các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh đến thủ tục đăng ký, quản lý hộ tịch, thông tin khiếu nại tố cáo, cấp hộ chiếu ngoại giao và công vụ…
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết, Tập đoàn FPT sẽ nỗ lực hết sức cùng với tỉnh Quảng Ninh triển khai xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử của tỉnh, góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh đi đầu về hoạt động khoa học công nghệ.
Từ những thành công đã đạt được của Chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông phải hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả trong quản lý vận hành và cung cấp dịch vụ, trong khi vẫn bảo đảm yêu cầu về phát triển bền vững.
”Về công nghệ thông tin, chúng tôi luôn coi đó là công cụ hữu hiệu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công nghệ phải đạt tới ngưỡng hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả cho chính quyền trong việc phục vụ lợi ích của công chúng, khi đó những lợi ích của công nghệ thông tin mới tiếp cận được tới tất cả người dân”, ông Đặng Sỹ Nguyên nói.
Từ năm 2016 tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Đề án thành phố thông minh với mục tiêu: xây dựng thành phố thông minh lấy người dân làm trung tâm, người dân vừa là người thụ hưởng, cũng là người đóng góp, xây dựng, phát triển các dịch vụ, thông qua việc sử dụng, phản hồi, cung cấp thông tin cho thành phố thông minh.
Các ứng dụng công nghệ thông tin đã cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo môi trường, cuộc sống tươi đẹp; thúc đẩy đổi mới và thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch và chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Đặc biệt, với những thành công trong việc xây dựng chính quyền điện tử - được tỉnh Quảng Ninh xác định là yếu tố nền tảng cho việc tiếp tục xây dựng thành phố thông minh hoàn toàn có cơ sở, cũng như khả năng xây dựng thành phố thông minh trên các lĩnh vực phù hợp với các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Ông Đặng Sỹ Nguyên nhấn mạnh, xây dựng chính quyền điện tử làm thay đổi mô hình xử lý, thay đổi lề lối làm việc; trong đó có sự quyết tâm cao từ phía lãnh đạo tỉnh và sự đồng thuận cao của các cấp. Các yếu tố như tuyên truyền, đào tạo, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin… cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công chính quyền điện tử.
TTXVN
Ý kiến
()