Nghe có vẻ hài hước, nền giáo dục chất lượng còn yếu kém, tư duy giáo dục lạc hậu. Mỗi năm người dân bỏ ra 3 tỷ mỹ kim cho con em đi du học, nhiều người còn gọi là “tỵ nạn giáo dục”. Lại đòi xuất khẩu?
Nhưng cứ thử phân tích một cách có hệ thống. Để một ngành kinh tế có thể xuất khẩu cần có điều kiện gì? Thị trường trong nước đủ lớn, có lợi thế về quy mô ngành, có giá thành thấp, đủ để cạnh tranh, lực lượng lao động lớn và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn.
Chúng ta xuất khẩu được gạo vì hơn 90 triệu dân ăn gạo, hàng triệu hộ nông dân trồng lúa. Xuất khẩu cà phê vì có hàng trăm ngàn quán cà phê ở khắp nước.
Giáo dục rõ ràng Việt Nam có ưu thế ở rất nhiều điểm. Vấn đề tồn tại lớn nhất chính là chất lượng thấp, hệ thống giáo dục lạc hậu, tiêu chí chất lượng chả theo chuẩn nào của thế giới. Nhưng vấn đề đó có thể giải quyết, nếu như đặt giáo dục trở thành nền kinh tế mũi nhọn.
Ngành nào muốn có chất lượng cao cũng phải nhập khẩu công nghệ, nhập khẩu máy móc, học hỏi quy trình quản lý, đào tạo hoặc tái đào tạo lực lượng lao động và tuân thủ các quy chuẩn quốc tế.
Giáo dục có thể làm những việc đó với đầu tư ít hơn phần lớn các ngành kinh tế khác. Tôi tin rằng trong vòng 10 năm, Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu giáo dục với thặng dư dương chứ không phải âm 3 tỷ mỹ kim như bây giờ.
Việc cần phải làm là coi giáo dục là ngành kinh tế, nhập khẩu công nghệ giáo dục, cổ phần hoá các cơ sở giáo dục, xoá bỏ những thứ đặc thù, làm lại bộ luật về giáo dục và khuyến khích đầu tư trong giáo dục. Quan trọng nhất là xoá bỏ bao cấp, xoá bỏ cơ chế độc quyền, hỗ trợ các vùng sâu vùng xa, các gia đình nghèo, gia đình chính sách thông qua quỹ hỗ trợ trực tiếp đến từng đối tượng.
Việc xoá bỏ hợp tác xã nông nghiệp biến Việt Nam từ nước đói ăn thành nước xuất khẩu gạo. Xoá bỏ độc quyền khiến ta không còn thiếu điện, thiếu xăng, đi máy bay không còn là xa xỉ... Giáo dục cũng vậy thôi.
Xuất khẩu giáo dục, tại sao không?
Khúc Trung Kiên
Ý kiến
()