Chúng ta

Trò chuyện cùng cựu tù Côn Đảo

Thứ hai, 25/7/2016 | 08:38 GMT+7

Tôi chỉ tranh thủ trò chuyện được với ba cựu tù nhân Côn Đảo. Sau đó, tôi đã rất ngạc nhiên, khi phát hiện ra, ba cựu tù nhân này đang sống ở ba thì khác nhau: một ở thì quá khứ, một ở thì hiện tại và người còn lại ở thì tương lai.

Mấy năm rồi, tôi mới lại được theo chân Đoàn FPT, tham gia các hoạt động về nguồn. Năm nay Đoàn chọn đi Côn Đảo, dâng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã hi sinh tại đây, nhân ngày Giỗ chung, ngày 19-20/6.

Đoàn đã tham dự Lễ dâng hoa tại Đài tưởng niệm, dâng hương tại mộ Cô Sáu, Bác Lê Hồng Phong, Bác Nguyễn An Ninh. Các thành viên của Đoàn đã chia nhau đi tới các ngôi mộ trong nghĩa trang Hàng Dương, đặt hàng ngàn bông hồng trắng để thể hiện lòng biết ơn với những người đã hi sinh vì Đất nước.

Đoàn đóng góp hai tiết mục trong đêm Văn nghệ với chủ đề "Vì độc lập tự do, vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam", giao lưu với một đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ bảo vệ Côn Đảo. Nhưng tác phẩm gây ấn tượng nhất của Đoàn là Bản đồ Việt Nam được vẽ bằng hàng ngàn ngọn nến cháy sáng trên quảng trường trước Đài tưởng niệm.

Do cùng tham gia các hoạt động chung với Đoàn, nên thời gian trống còn lại rất ít; tôi chỉ tranh thủ trò chuyện được với ba cựu tù nhân Côn Đảo. Sau đó, tôi đã rất ngạc nhiên, khi phát hiện ra, ba cựu tù nhân này đang sống ở ba thì khác nhau: một ở thì quá khứ, một ở thì hiện tại và người còn lại ở thì tương lai.

Người thứ nhất là cô Đức. Khi tới mộ Bác Lê Hồng Phong dâng hương, chúng tôi thấy cô đang hát, một giọng hát nghẹn ngào. Giai điệu rất lạ, lời hát còn lạ hơn. Chúng tôi đứng im, xúc động nghe cô hát rất lâu. Đó là bài hát mà năm xưa cô và đồng đội đã hát nhiều trong tù. Quê cô ở Bình Định. Cô bị bắt ra Côn Đảo năm 17 tuổi. Năm 1973 cô được tự do trong đợt trao trả tù binh đầu tiên theo Hiệp định Paris. Cô nói, Côn Đảo là quê hương thứ hai của cô.

Mỗi khi có thời gian, cô lại ra đây, lang thang giữa các ngôi mộ trong nghĩa trang Hàng Dương. Cô cũng đã đến rất nhiều nghĩa trang từ Nam chí Bắc. Gặp Đoàn FPT, cô rất thích. Cô nói, vậy là những người nằm xuống sẽ không bị lãng quên. Xin cô địa chỉ liên hệ, cô có chút bối rối rồi nói "gặp các cháu hôm nay là đã có duyên, sau này nếu còn duyên thì sẽ gặp lại". Có vẻ cô không có email và điện thoại cá nhân.

Người thứ hai là bác Toản, trưởng Ban tổ chức Lễ tưởng niệm. Bác đang bị ung thư giai đoạn cuối. Bác nói, bác không còn nhiều thời gian, nên việc gì làm được thì cố gắng làm. Bác rất quý Đoàn FPT. Bác nói, nhờ có mấy đứa mà đêm nay mọi người có trứng vịt muối ăn với cháo trắng. Bác dặn, thấy việc gì tốt thì làm ngay đi, thời gian trôi qua nhanh lắm.

Người thứ ba là bác Thân, thành viên Ban tổ chức. Lúc đầu án tù của bác chỉ hai năm, nhưng do bác không chịu chào cờ giặc, không chịu hô đả đảo Bác Hồ, án đổi thành vô thời hạn. Bác không thích nhắc lại chuyện xưa. Bác nói, vì sao chủ đề Hội diễn văn nghệ đêm nay là "Vì độc lập tự do, vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam" mà không phải tố cáo tội ác của thực dân đế quốc? Là vì, chúng ta cần gác lại quá khứ, để còn tỉnh táo nhìn rõ ai là kẻ thù, ai là đồng minh trong tương lai.

Bác nói, những người đã hi sinh, đều đã ước mong, nước Việt Nam độc lập sau này sẽ giầu mạnh. Tại sao nhỏ như Singapore mà Trung Quốc vẫn phải tôn trọng? Vì họ mạnh. Tại sao Trung Quốc liên tục hù dọa ta? Vì ta yếu. Bác chỉ hy vọng vào thế hệ kế tiếp là những đoàn viên thanh niên hôm nay. Có lẽ vì thế mà bác dành cho Đoàn FPT một tình cảm ưu ái đặc biệt. Bác nói, hãy dũng cảm lên, tương lai đất nước trông chờ các cháu.

Chuyến đi về nguồn năm nay cho Đoàn FPT rất nhiều trải nghiệm thú vị. Nhưng thu hoạch lớn nhất có lẽ là, chúng ta đã được kết nối với thế hệ cha anh, được họ truyền cho tình yêu cuộc sống và hiểu rõ hơn trách nhiệm của tuổi trẻ với non sông đất nước.

Xin cám ơn những người đã nằm xuống. Xin cám ơn những cựu tù nhân còn sống đến hôm nay.

>> 40 người FPT về nguồn tại Côn Đảo

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()