Ngày trước, có em gái hỏi tôi rằng "Anh sợ nhất là điều gì ?". Với sự "ngây thơ" và chưa hiểu đời, tôi chẳng bận tâm suy nghĩ mà trả lời rằng: "Anh chả sợ cóc khô cái gì cả". Nghe cũng hoành tá tràng đấy chứ. Nghe qua thì ai mà chả tưởng nói phét. Thế nhưng thú thật tôi cũng chẳng sợ cái quái gì ở cái thời điểm đó.
Ngày bé hồi đi học cấp 1, tôi chỉ sợ cô giáo bắt phạt đứng góc lớp úp mặt vào tường, vì tính tình sĩ diện. Sau rồi đến lúc bị cô phạt nhiều lần dần quen. Thế là cũng chẳng việc gì phải sợ việc úp mặt vào tường nữa. Chả giấu gì hồi bé tính tôi hung hăng lắm. Đi học động tý là lôi "nắm đấm" ra để nói chuyện.
Hồi cuối cấp 1, tôi ham mê đá bóng. Trưa nắng leo lên giường nằm một lúc chờ bố mẹ ngủ rồi bèn dậy trốn đi đá bóng. Lúc đó, tôi sợ bị bố mẹ đánh lắm chứ. Nhưng vì đam mê nên bị đánh rồi vẫn cứ trốn đi đá bóng. Và coi việc bố mẹ đánh đôi khi cũng như bữa cơm hàng ngày mà đến giờ lại phải ăn.
Lớn thêm tí nữa, trong khi bản thân học dốt, nhà nghèo nhưng tôi lại toàn chơi với bọn học giỏi, nhà có điều kiện. Nhà gần trường cấp 3 nên các bạn xã khác muốn đến trường phải đi qua khu nhà tôi. Đến lúc này tôi sợ một điều khá đặc biệt. Chả là hồi đó ngoài giờ học, tôi hay đi phụ giúp gia đình một số việc đồng áng. Sức khỏe cũng khá nên hay được "ưu tiên" những việc "nhẹ nhàng" như đi cày, bừa rồi là chuyên gánh gồng một số thứ khá là "nhạy cảm".
Làng hồi đó có hai cánh đồng chính là khu bên Đông và Tây. Thế là tôi nhất quyết không bảo giờ đi làm những việc đại loại như kể trên ở cánh đồng bên Tây. Đơn giản bởi vì đi làm đường đó rất dễ bị mấy bạn gái xinh xắn, học giỏi bắt gặp. Nhưng đến sau này nghĩ lại tôi thấy mình cũng chẳng việc gì phải ngại. Nhà nghèo nên phải làm cũng là điều bình thường. Mình cũng không trộm cắp gì mà cứ phải "chui lủi" lúc đi làm như thế thật chẳng ra sao.
Lên cấp 3, tôi chơi toàn với dân nghịch ngợm, anh em "trên bến, dưới thuyền" đã nghỉ học đi kiếm tiền. Cứ đợt hè là tối đến tụ tập ở đầu làng với khẩu hiệu "trai làng ta giữ gái làng mình". Có lần tôi góp mặt trong một nhóm "Cho xe tắm ao, cho người bắt cua dưới ngòi". Đau đớn ở chỗ là tôi không "nhúng tay" vào mà chỉ đứng cho "đẹp đội hình" nhưng lên trường thì bị một vài "côn thủ" hỏi thăm. Nên hồi đó lúc nào trong cặp tôi cũng có một đoạn côn hai khúc vì sợ bị "quây". Nhưng sau nhờ "quan hệ" tốt mà cũng được một lực lượng "thanh niên ngoan ngoãn" giống tôi bảo kê cho nên không sợ nữa. Cứ xác định đi học bình thường, nếu bị đánh (trường hợp đa đấu - nhiều đánh một) thì tôi vác cặp sách co cẳng lên và chạy. Còn trường hợp đơn đấu thì cũng không ngại là mấy.
Hết cấp 3 bắt đầu đến giai đoạn thi đại học. Cũng như các bạn bè cùng trang lứa, tôi nháo nhào ôn luyện. Nhưng trong khi các bạn khác thì tập trung cho mục tiêu đại học thì tôi coi việc học đại học cũng là bình thường. Trong lúc ôn thi vẫn tranh thủ thời gian thử sức ở một số lĩnh vực mới như bi-a, đánh bài.... Không phải không sợ trượt đại học mà là bị trượt rồi nên cũng thấy nó bình thường. Trượt đại học thì vẫn có thể học cao đẳng cơ mà.
Hằng ngày đạp xe gần 20 km đi học Cao đẳng Công nghiệp dưới Nhổn. Hồi đó mới giải tỏa nên dân ở đó có tiền, tệ nạn xã hội nhiều kinh khủng. Vậy là phải "sống chúng với giặc". Khổ nỗi một số bạn quê xa nhưng lại nghĩ tôi hiền nên bắt nạt. Vậy là lại phải dính đến mấy vụ đánh nhau.
Sau vụ đó thì nhờ giời, phúc đức tổ tiên mà tôi đỗ Đại học Quốc gia Hà Nội. Cũng từ đó, tôi ý thức được rằng việc đánh nhau, nghịch ngợm là việc của bọn trẻ trâu. Vì tôi cũng lớn rồi mà. Giờ ai còn đánh nhau nữa. 4 năm học đại học trôi qua thật là nhanh vì cũng không có quá nhiều cái để mà sợ nữa. Mọi thứ cứ êm ả trôi qua.
Đến bây giờ, sau khi đi làm được gần 5 năm, tôi mới chợt ngộ ra một điều. Rằng trong cuộc sống ai cũng sẽ sợ một cái gì đó. Và quan trọng là mình sợ cái gì nhiều nhất mà thôi. Đến lúc này, tôi mới nhận ra rằng điều mình sợ hãi nhất trong cuộc sống là "nỗi cô đơn" và sợ thứ nhì là "không có động lực". Nếu cô đơn thì chẳng làm được điều gì cả (với bản thân mình) hoặc làm gì cũng sẽ cho kết quả không tốt. Còn không có động lực thì thực sự quá nguy hiểm. Nói như vậy để thấy nếu tôi cô đơn thì tôi sẽ không còn động lực. Còn nếu không có động lực (không cô đơn) thì sớm muộn cũng sẽ có động lực mà thôi.
Và cũng sau gần 5 năm đi làm với đủ những trải nghiệm trong cuộc sống, giờ đây tôi cảm thấy đã đến lúc cần thay đổi. Thay đổi để tiếp tục sống có trách nhiệm hơn với gia đình, sống có ích hơn với xã hội. Mọi thứ sẽ không bao giờ là quá muộn để cho tôi thay đổi cả. Chỉ là thay đổi để phát triển, thay đổi để tốt hơn thôi. Mọi thành công đều phải trả giá bằng mồ hôi, công sức, nước mắt, thậm chí là máu. Không phải là người quá tham vọng nhưng bản thân tôi tin mình sẽ hiểu làm thế nào để tiếp tục "chiến đấu" với cuộc sống không chỉ có màu hồng này.
Hữu Biết
Ý kiến
()