Người ta hay nói: báo chí, truyền hình... là quyền lực thứ tư. Điều này có lẽ không cần bàn, nhất là thời buổi chỉ xem giật tít đã có thể chết non chứ đừng nói là xem, nghe, đọc.
Rất nhiều người nhầm khi máy móc cho rằng ba quyền lực đầu là lập pháp, tư pháp, hành pháp - chuyện tam quyền phân lập là của Tây. Theo tôi, ba quyền lực đầu là chính quyền: là cả ba quyền nói trên; thần quyền: quyền lực của đức tin, tôn giáo, thực sự đây là quyền lực vừa thần bí, vừa hiển hiện trong cuộc sống; bạc quyền - tiền bạc - chả phải bàn.
Tôi vừa dự hội nghị về thông tin lớn nhất toàn cầu nên ý thức thêm hai quyền nữa: quyền lực thứ năm - social power tức quyền lực của mạng xã hội.
Nếu chỉ là mạng Internet, chỉ là smartphone thì chỉ làm quyền lực thứ tư mạnh hơn, nhưng khi xuất hiện mạng xã hội, khi ai cũng có quyền lên tiếng, ai cũng có chính kiến, ai cũng có lập trường... thì mọi chuyện đã khác.
Quyền lực thứ năm đã thách thức cả bốn quyền lực kia, đặc biệt làm cả chính quyền lẫn báo chí phải kinh ngại. Và đáng sợ hơn nữa, quyền này chỉ cần năng lực gõ bàn phím.
Và đang manh nha quyền lực thứ sáu: big data quyền - quyền của dữ liệu. Một ngày rất gần, sẽ có tổ chức - cá nhân (chính phủ, cơ quan tình báo, công ty...) sẽ biết mọi thứ về từng cá nhân: không chỉ làm gì, xem nghe nói gì, quan hệ với ai, như thế nào... mà cả bạn thích gì, nghĩ gì cũng biết (khả năng đọc sóng não là hiện thực trong tương lai gần).
Thậm chí, dựa vào những gì bạn đã từng (làm, nghe, nói, viết, nghĩ, cảm xúc...) sẽ đoán gần như chính xác những gì bạn sẽ nghĩ, sẽ thích, sẽ làm. Điều này thật kinh khủng nhưng hiện thực
(ví dụ nhỏ, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, biết về các quan hệ thầm kín của facebooker hơn bất kỳ người nào).
Nhưng theo tôi, còn quyền lực nữa, quyền lực này có trước cả sáu quyền lực kia, nhờ nó mà trái đất này còn tồn tại, con người vẫn sống dù xung quanh toàn thứ chết người: quyền-lực-của-yêu-thương.
Hoàng Nam Tiến
Ý kiến
()