Chúng ta

Bài học từ mẹ

Thứ sáu, 5/2/2016 | 09:40 GMT+7

Từ kinh nghiệm của mẹ tôi, tôi tin rằng, nếu một người hiểu biết sâu sắc nhân viên của mình, đồng thời có tinh thần trách nhiệm cao, hiển nhiên sẽ là người chỉ huy tốt.

Mẹ tôi không biết đọc, không biết viết. Nhưng cho đến phút cuối đời, trong gia đình tôi, mẹ luôn là người chỉ huy sáng suốt nhất. Chẳng phải chúng tôi là những đứa con ngoan, chỉ biết vâng lời cha mẹ. Cũng có khi tôi làm theo ý mình, nhưng sau đó bao giờ cũng hối hận vì đã không nghe theo lời khuyên sáng suốt của mẹ.

Tại sao mẹ có thể làm được như vậy?

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này và câu trả lời có thể là mẹ có hai phẩm chất rất quan trọng để trở thành một người chỉ huy xuất sắc: Mẹ biết rất rõ về các "nhân viên" của mình; và trong gia đình, chắc chắn mẹ là người có tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trong gia đình đông đúc của tôi, chỉ duy nhất mẹ là biết hết mọi người. Mẹ nhớ tên, tuổi của tất cả các con, cháu, đứa nào học lớp mấy, trường nào, khỏe mạnh hay ốm yếu, chăm chỉ hay lười biếng, có sở trường, sở đoản gì... Vì thế, sự phân công công việc trong gia đình luôn mạch lạc, đúng người đúng việc. Khi mẹ tôi ốm nặng, anh em chúng tôi có họp riêng, bàn chuyện lo hậu sự cho mẹ. Chúng tôi quyết định phân công vợ tôi lo phần đất nghĩa trang. Mẹ hoàn toàn không biết sự phân công này. Nhưng một ngày trước khi đi xa, mẹ gọi đích danh vợ tôi lại và hỏi "phần đất nghĩa trang con lo đến đâu rồi"? Dù mẹ không họp, không bàn, nhưng mẹ vẫn biết chính xác, việc đó giao cho vợ tôi là hợp lý nhất.

Đôi khi tôi nghe cháu này cháu kia bệnh tật hoặc có vấn đề gì đó, nhưng chỉ hôm sau là quên. Còn mẹ tôi thì nhớ và tìm mọi cách giúp các cháu vượt qua khó khăn. Đơn giản vì mẹ rất thương yêu các cháu và tự thấy mình có trách nhiệm cao nhất. Mẹ lo mọi chuyện cho chúng tôi. Trước khi mất, mẹ gọi từng người một vào để trăn trối. Rất cụ thể, chứ không chung chung. Mẹ dặn anh tôi lo chữa dứt cái chân đang bị chàm. Mẹ dặn tôi phải giúp đỡ anh chị em về kinh tế (vì trong gia đình tôi là người dư dả nhất). Cháu nào đang lười học, bà dặn phải cố gắng chăm hơn. Cháu nào ốm yếu, bà dặn phải ăn nhiều. Với cháu Sao Mai nhà tôi, bà nói "cháu vừa ngoan, vừa học giỏi, bà không cần dặn gì nữa". Bà dặn đứa cháu đích tôn, rằng, sau này chú Châu mất đi, cháu phải có trách nhiệm lo hương khói cho chú, vì chú không có con trai...

Chắc chắn có nhiều đức tính khác cũng cần thiết cho người chỉ huy. Nhưng từ kinh nghiệm của mẹ tôi, tôi tin rằng, nếu một người hiểu biết sâu sắc nhân viên của mình, đồng thời có tinh thần trách nhiệm cao, hiển nhiên sẽ là người chỉ huy tốt.

>> Con đường

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()