Chúng ta

Nhồi nhét

Thứ ba, 13/12/2016 | 17:59 GMT+7

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả đánh giá chu kỳ 2015. Và như thường lệ, học sinh Việt Nam được xếp thứ hạng rất cao, đứng trên cả học sinh Anh, Đức, Mỹ về năng lực khoa học.

Học sinh Việt Nam đang giữ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng về năng lực khoa học, thứ 22 về toán học và thứ 32 về đọc hiểu. Trong một bài trả lời gần đây khi được hỏi về đánh giá của mình về kết quả xếp hạng đánh giá PISA của Việt Nam, TS. Lê Bá Khánh Trình có nói đại ý: "Tôi không ngạc nhiên lắm về kết quả này, vì học sinh Việt Nam học rất nhiều. Nhưng đấy là kiểu học nhồi nhét".

Tôi rất thích cách dùng chữ "nhồi nhét" của anh. Hiện đang có hai con nhỏ học phổ thông, chắc bản thân anh cũng ngấm đòn dạy học nhồi nhét.

Ngày hôm qua ở nhà với hai thằng con, nhìn chúng ôn bài thi học kỳ mà ngán ngẩm. Tất cả đều quy về nhớ, học thuộc và làm theo mẫu. Đến thạc sĩ toán học nổi tiếng của Trường phổ thông năng khiếu, ĐHQG HCM Nguyễn Tăng Vũ còn đề xuất cho các em mang bảng công thức lượng giác vào phòng thi vì "chú trọng vào nhớ, học thuộc thì sẽ giảm tư duy khác". Thế nhưng thực tế thì không phải chỉ nhớ công thức lượng giác đâu nhé, phải nhớ cả những bài văn, bài sử, bài lý theo kiểu đến từng dấu chấm phẩy.

Văn - Toán - Sinh - Sử - Lý... môn gì cũng có sẵn đề cương để gạo bài. Không học thì thi rớt, đừng nói thông minh, sáng tạo gì nhé. Và thi điểm cao chủ yếu do "cày" khỏe, cũng chẳng cần thông minh sáng tạo gì.

Ngay cả ở mức độ luyện thi học sinh giỏi, nơi học sinh có tố chất tốt hơn, có động cơ tốt hơn, khả năng tư duy và tự học tốt hơn, tôi thấy vẫn có dấu hiệu nhồi nhét. Có thể là nhồi nhét như thế sẽ có những hiệu quả như thi điểm cao, học sinh đạt giải. Nhưng cuối cùng học sinh sẽ được những gì? Cách học, cách bạn tiếp nhận kiến thức mới và khai thác một cách sáng tạo mới là điều cần thiết cho học sinh, chứ không chỉ là kiến thức. Và suy cho cùng, với cách học nhồi nhét thì ngay cả kiến thức bạn cũng không có được đâu: kiến thức học nhồi nhét sẽ bị quên đi rất nhanh.

Có một lần đến một trường phổ thông, tôi hỏi thầy hiệu trưởng: "Làm thế nào mà với chất lượng đầu vào không phải là tốt mà trường vẫn có mức tốt nghiệp 95, 97%"? Thầy ấy trả lời: "Chúng tôi áp dụng phương pháp dạy quảng cáo". "Là như thế nào"? - mình hỏi lại. "Cứ tua đi tua lại nhiều lần là chúng nó nhớ"! 

Trần Nam Dũng

Ý kiến

()