Nay thấy phát ngôn đầy thâm thúy của JackMa, mai lại lấy câu nói của Steve Jobs làm động lực, kia lại nghiền ngẫm câu nói của Bill Gates làm mục tiêu sống. Chúng ta đang tôn sùng quá mức những con người như vậy. Vì theo bản thân tôi, lãnh đạo xuất sắc không cần thông minh, họ chỉ cần có một hệ thống thông minh nên những phát ngôn của họ hay không hẳn vì nó hay mà vì nó bị ảnh hưởng bởi ánh hào quang của họ.
Henry Ford - người sáng lập ra tập đoàn Ford, một trong 3 người giàu nhất thế giới (theo Wikipedia) sinh thời đã bị Chicago Tribune - một trong những tờ báo lớn nhất của Mỹ bôi bác trên mặt báo rằng: Henry Ford là một kẻ ngu dốt.
Henry Ford bèn kiện Chicago Tribune ra tòa. Trước tòa, luật sư của Chicago Tribune minh chứng sự ngu dốt của Henry Ford bằng một số câu hỏi kiến thức cơ bản kiểu như: Ai là tổng thống trẻ nhất nước Mỹ, Tổng thống đầu tiên của Mỹ... Henrry Ford không trả lời được. Luật sư hỏi: Các vị đã thấy Henry Ford ngu dốt thế nào chưa?
Henry Ford: Tôi cần gì phải nhớ những điều đó khi mà tôi có thể ngay lập tức cho anh một người có thể trả lời được tất cả câu hỏi của anh? Đó là trợ lý của tôi.
Theo “Rich Dad, Poor Dad”, sự nghiệp của mỗi chúng ta có thể gói gọn trong “ngã tư sự nghiệp này”.
Ở một góc của sự nghiệp thì cần những kỹ năng khác nhau. Và việc chuyển từ góc này sang góc khác cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Song ngẫm lại tại hầu hết các công ty và FPT cũng không ngoại lệ, quá trình thăng tiến của mỗi nhân viên cũng xuất phát từ vị trí nhân viên lên vị trí quản lý rồi “gia nhập tầng lớp lãnh đạo” và không phải ai cũng từ một nhân viên xuất sắc thành một lãnh đạo thành công. Bởi đơn giản vì nó yêu cầu những kỹ năng hoàn toàn khác.
Chúng ta đã từng nhận ra sai lầm khi đưa một người giỏi kỹ thuật lên làm quản trị dự án, kết quả ta vừa mất đi một nhân viên giỏi kỹ thuật vừa cộng thêm một nhà quản trị tồi.
Ấy thế mà chúng ta đôi lúc cũng lặp lại sai lầm đó khi lựa chọn người lên làm quản lý. Những người giỏi chuyên môn, năng động trong môi trường làm việc lại trở nên lúng túng khi được “thăng chức”, bởi họ quá giỏi chuyên môn nên họ luôn cảm thấy những người “dưới trướng” không ai làm được việc. Kết quả là họ thường ôm việc về làm một mình. Cũng có người nghĩ mình cực kỳ thông minh, bởi thế mọi ý kiến của cấp dưới đều thuộc dạng “bắp bơ” không cần quan tâm, dẫn đến duy ý chí, tự đào giếng chôn vùi sự nghiệp của mình.
Một trong những nguyên nhân khiến Gia Cát Lượng thất bại bởi vì ông tài năng quá, kỹ tính quá, chuyện gì cũng muốn làm, chuyện gì cũng muốn quản đến nỗi lao lực phải chết sớm, vẫn không thắng được... "mệnh trời".
Theo anh Đỗ Cao Bảo: “Tài sản quý nhất của bạn là gì? Là sự khôn ngoan". Tôi thì trộm nghĩ rằng: “Khôn ngoan không lại với đời nên sự khôn ngoan không bằng sự phù hợp". Mà đã nói đến sự phù hợp thì không có gì qua mặt được sự tự nhiên… Bởi thế, tôi cho rằng tài sản quý nhất của bạn là sự hòa hợp với tự nhiên… Khi tri kiến, tri thức thăng hoa thành sáng tạo thì robot dù có giỏi đến đâu cũng không thể bắt chước được.
Thế thì, suy cho cùng, thông minh chẳng phải là thứ quan trọng nhất, quan trọng nhất chính là sáng tạo. Bởi vậy, hãy thôi chọn những người giỏi làm lãnh đạo. Hãy chọn người sáng tạo làm người dẫn đường, tôi nghĩ vậy.
>> Chuyển giao công nghệ trong một câu nói
Lê Hoàng Quang Trung
Ý kiến
()