Chúng ta

Không thể chạy mãi đường... 'một chiều'

Thứ hai, 2/7/2018 | 14:03 GMT+7

Nhìn lại Việt Nam, chỉ là một nước nghèo, nhưng lại là quốc gia có lượng người đi du học đông nổi bật. ĐH FPT là trường hiếm hoi 'ngược sóng'.

Kỳ vọng thụ hưởng nền giáo dục chất lượng tốt và tạo cơ hội cho con em mình được trải nghiệm môi trường quốc tế, thậm chí có cơ hội việc làm ở nước ngoài đang khiến nhiều bậc phụ huynh không tiếc tay chi tiền cho con đi học nước ngoài.

Dù vì lý do gì thì dịch chuyển sinh viên từ nước này sang nước khác đang là xu thế toàn cầu. Trong xu thế ấy, các nước đều có chính sách cụ thể cho sinh viên đi du học thế nào và đón sinh viên quốc tế đến học và trải nghiệm nước mình ra sao.

Nhìn lại Việt Nam, chỉ là một nước nghèo, nhưng lại là quốc gia có lượng người đi du học đông nổi bật. Dù vậy, quá trình quốc tế hóa giáo dục vẫn rất mờ nhạt, chỉ quanh quẩn trong việc xây dựng mấy trường đại học xuất sắc có sự tham gia của nước ngoài, rồi triển khai các chương trình tiên tiến, chương trình liên kết...

Khác biệt của Việt Nam chính là vậy. Chúng ta chấp nhận chạy theo đường "một chiều" nhập khẩu giáo dục, trả tiền cho nước ngoài để nhập khẩu công nghệ đào tạo, giảng viên... Còn "xuất khẩu giáo dục" theo nghĩa kéo sinh viên nước ngoài đến, thu được tiền từ sinh viên nước ngoài - như cách các nước đang làm - thì hoàn toàn không có chiến lược gì. 

Không nhìn đâu xa, cùng khu vực Đông Nam Á, Singapore đã coi đây là ngành dịch vụ lớn, Malaysia trong 10 năm qua cũng "lột xác"...

Trong khi đó, trên bản đồ du học thế giới, Việt Nam không có tên trong danh mục "đích đến". Vì vậy, một trường đại học muốn kéo sinh viên nước ngoài đến phải tự làm vai trò của quốc gia, tự quảng bá và giải thích vì sao đến Việt Nam du học có thể là lựa chọn tốt hơn một số nước khác... Điều này không dễ dàng. Tất nhiên, nếu chịu khó cũng sẽ tuyển được sinh viên nước ngoài, nhưng số lượng không nhiều.

Hướng có tiềm năng nhất là tuyển sinh viên nước ngoài sang Việt Nam học ngắn hạn. Sinh viên từ Mỹ sang Canada trải nghiệm chẳng khác gì nhau, nhưng nếu sang Việt Nam thì môi trường, văn hóa rất khác biệt và chi phí rất nhẹ nhàng.

Như trường ĐH FPT hiện đón 1.000 lượt sinh viên như vậy mỗi năm, chủ yếu đến từ Úc, Brunei, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Song hướng đi đầy lợi thế này cũng chưa được nắm bắt kịp thời. Có nhiều lý do, nhưng chắc chắn rào cản lớn là các trường chưa có môi trường tiếng Anh để sinh viên quốc tế đến trải nghiệm, học tập.

Giải pháp số 1 lúc này là Nhà nước cần có chính sách buộc một số trường dùng tiếng Anh trong giảng dạy. Ví như ngay năm học tới, một tỷ lệ nhất định sinh viên vừa trúng tuyển vào đại học sẽ phải dành năm thứ nhất học tiếng Anh, để nó trở thành công cụ, chứ không phải chỉ là môn học. Ở Malaysia, chính phủ yêu cầu trường tư muốn thành lập phải cam kết dạy bằng tiếng Anh.

Thực ra, nhiều nước đã giải quyết được "bài toán" tiếng Anh từ bậc phổ thông. Còn Việt Nam, học sinh học tiếng Anh cả chục năm cũng không dùng nổi. Nếu không đẩy tiếng Anh lên, Việt Nam sẽ trở thành vùng trũng của giáo dục. 

Ngay bên cạnh chúng ta, Singapore, Malaysia, Thái Lan, tiếng Anh đã "ngon lành", kể cả Campuchia, Lào cũng đang đẩy rất mạnh mẽ...

"Có bột mới gột nên hồ". Đất nước đã có những điều kiện thuận lợi đáp ứng đòi hỏi quốc tế hóa. Muốn "gột nên hồ" lúc này, cần có bàn tay nhào nặn, chiến lược quốc gia rõ ràng cho nền giáo dục hội nhập toàn cầu.

Lê Trường Tùng

Ý kiến

()