Việt Nam là một trong những thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ước tính đến hết quý III/2013 có khoảng 61.000 công ty khởi nghiệp của Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức khác.
Trên thực tế, môi trường sáng tạo, đội ngũ nhân lực dày dạn kinh nghiệm trong các lĩnh vực, các chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... đều đã sẵn sàng hỗ trợ để người trẻ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Chìa khóa quan trọng hơn là vốn đến từ các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ngày một nhiều.
Điển hình là FPT Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của FPT, hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư và là nơi ươm mầm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. FPT Ventures tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá chưa tới 1 triệu USD ở các nhóm lĩnh vực: internet, di động (mobile), giải pháp doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế - giáo dục - giao thông...
Không chỉ đơn thuần cung cấp nguồn vốn, FPT còn hỗ trợ, tư vấn để các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư, nơi làm việc, ban cố vấn, kinh nghiệm mở rộng thị trường, khách hàng, hạ tầng kỹ thuật, năng lực marketing và truyền thông... để triển khai sản phẩm trong nước và từng bước mở rộng ra khu vực. Hiện tại, Sendo đang là một trong những dự án được đầu tư như thế.
Giai đoạn 2010 - 2012, dù thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng, các hình thức mua bán trên mạng nở rộ nhưng sàn thương mại điện tử được đầu tư quy mô bài bản, hướng đến giao dịch an toàn lại chưa nhiều, phát sinh nhiều hạn chế từ việc mua bán trên Facebook.
Chúng tôi, một nhóm gồm những người làm ở FPT lâu năm ở các mảng kinh doanh, kỹ thuật, điều hành..., quyết định phải thử sức với thương mại điện tử. Chúng tôi đã bỏ ra 6 tháng tìm hiểu thị trường trong nước cũng như các quốc gia có điều kiện tương đương như Trung Quốc, Ấn Độ..., cảm thấy mình có thể làm được và quyết tâm bắt tay nhau làm.
May mắn có được "bà đỡ” là tiềm lực từ Tập đoàn FPT nhưng áp lực phải đối mặt cũng rất đáng sợ bởi đã có không ít dự án thất bại từ trong lòng FPT. Chúng tôi thống nhất, phải có một đội ngũ tốt để nhanh chóng ổn định hệ thống, vượt qua khó khăn để làm quen thị trường, tiếp thị sản phẩm...
Chúng tôi xác định phải là sàn giao dịch thương mại điện tử an toàn, vì qua quá trình nghiên cứu, yếu tố an toàn vào thời điểm đó chưa được quan tâm. Tuy nhiên, đây cũng là rủi ro tiềm năng với Sendo, bởi xây dựng an toàn, tiện ích như thế nào cũng là cả vấn đề.
Những đòi hỏi đó khiến Sendo quyết định thực hiện chiến lược "Đưa sản phẩm nhanh ra thị trường, làm ra sản phẩm không cần hoàn hảo nhưng phải cải thiện liên tục, kiên định mục tiêu". Đây cũng chính là tư duy giúp Sendo vượt qua những ngày đầu.
Sau khi đưa sản phẩm ra thị trường, vấp phải những khó khăn, chúng tôi lập tức nhìn nhận lại, cải thiện liên tục, thay đổi nhanh chóng để thích nghi.
Chiến lược đưa ra là tập trung vào giao dịch đảm bảo, có chứng chỉ bảo mật cấp cao nhất PCI DSS để triển khai COD (mua hàng trả tiền mặt), đưa ra quy trình thanh toán thuận tiện, thân thiện với người dùng trực tuyến, phát triển dịch vụ chấp nhận khách hàng chỉ phải trả tiền khi đã nhận được sản phẩm ưng ý, có thể đổi trả sản phẩm... Bên cạnh nghiên cứu khách hàng, Sendo còn liên tục cải tiến, đưa ra các đề mục, thu hút các cửa hàng phù hợp nhu cầu...
Sendo cũng tự đặt ra mục tiêu sẽ có 2 năm để xây dựng và ổn định vận hành, từ năm thứ 3 phải đẩy mạnh tăng trưởng. Cũng may, ra đời đúng lúc, bắt kịp xu hướng và thừa hưởng lợi thế công nghệ từ tập đoàn nên Sendo hoàn thành các chỉ tiêu mà FPT đưa ra.
Năm 2015 sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Về mặt công nghệ, chúng ta sẽ chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương mại điện tử trên thiết bị di động. Hiện nay, hơn 50% lượng truy cập tới Sendo.vn là từ các thiết bị di động chứ không phải máy tính cá nhân, và tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng.
Về mặt thị trường, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ vào các công ty đang có mặt cũng như sự xuất hiện của các công ty mới. Do đó, hệ sinh thái các công ty hỗ trợ cho thương mại điện tử như hệ thống quảng cáo (adnetwork), affiliate (tiếp thị liên kết), tiếp thị truyền thông xã hội (social marketing), giao nhận... cũng đang và sẽ tiếp tục phát triển rất nhanh.
Thậm chí có những dịch vụ thương mại điện tử chỉ dành cho các thiết bị di động. Những con số trên cho thấy, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho những bạn trẻ thử sức mình.
Muốn khởi nghiệp, dù tự vận hành hay có sự giúp sức của một tập đoàn lớn, lúc nào cũng cần 2 vấn đề then chốt: đội ngũ nhân lực và tiền. Tôi nghĩ, các bạn hãy chọn đội ngũ cộng sự thật ăn ý và có kinh nghiệm. Vì khởi nghiệp không phải lúc nào bạn cũng là chủ nên muốn làm gì thì làm, mà đây là lúc những nguyên tắc nên được đặt ra phải cụ thể, rõ ràng và hợp lý.
Quy trình điều hành, kiểm soát thậm chí phải kỹ lưỡng hơn cả công ty lớn để tránh tổn thất ban đầu. Những cộng sự giàu kinh nghiệm sẽ giúp công ty đi qua nhiều vấn đề gặp phải trong quá trình khởi nghiệp (vốn rất nhiều).
Các bạn cũng cần nghiên cứu kỹ về thị trường, việc bạn sẽ làm để có lợi thế, càng kỹ càng tốt để tránh được rủi ro. Và điều quan trọng nhất là kiên trì với đam mê của mình, bởi con đường khởi nghiệp dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều không bằng phẳng.
Trần Hải Linh
Ý kiến
()