Ngoài du lịch ra thì ngành kinh tế nào sẽ là động lực chính cho sự tăng trường kinh tế Việt Nam? Năm 2016, tổng doanh thu dịch vụ chỉ chiếm có 40% GDP quốc gia, còn kém xa con số 65%-80% ở các nước phát triển. Như vậy muốn đảm bảo phát triển bền vững, chúng ta cần tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, ngành kinh tế cần ít vốn đầu tư nhất, phù hợp với người Việt Nam nhất.
Thế nhưng khi nhìn vào cấu trúc lao động của Việt Nam hiện tại, chúng ta sẽ thấy để CNTT, viễn thông trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn cần một chặng đường rất dài nữa, bởi đơn giản là Việt Nam chúng ta hiện không có đủ nhân lực ở quy mô lớn cho CNTT, viễn thông.
Hiện tại Việt Nam có gần 55 triệu lao động, trong đó chỉ có 35% có trình độ cao đẳng, đại học, còn 65% là trình độ trung cấp, sơ cấp nghề, công nhân và lao động phổ thông.
Trong 55 triệu lao động thì có 40% làm về nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, 34% làm về dịch vụ và 25% làm về công nghiệp và xây dựng. Như vậy chúng ta có 40% lao động thuộc lĩnh vực có năng xuất lao động thấp, chỉ đóng góp chưa đến 5% kim ngạch xuất khẩu.
Số lao động năng xuất thấp này, cần chuyển đổi sang lĩnh vực có năng xuất cao là dịch vụ và công nghiệp. Thế nhưng với trình độ thấp, số lao động nông-lâm-thuỷ sản chỉ có thể chuyển sang lĩnh vực công nghiệp là phù hợp nhất.
Chúng ta có thể làm được công nghiệp không?
Tôi cho rằng có ba lĩnh vực công nghiệp mà Việt Nam chúng ta có thể làm tốt ở qui mô lớn là công nghiệp phụ trợ, đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ, xây dựng và nội thất dân dụng.
Samsung Việt Nam là doanh nghiệp có qui mô 150.000 lao động, doanh thu 1,05 triệu tỷ đồng (46,25 tỷ USD). Năm 2017 tỷ lệ nội địa của Samsung Việt Nam đạt 57%, tức doanh thu của 50 doanh nghiệp phụ trợ cho Samsung đạt cỡ 25 tỷ USD. Theo tôi được biết thì phần lớn các doanh nghiệp phụ trợ cấp 1 cho Samsung là các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc và Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực để trở thành doanh nghiệp phụ trợ cấp 1, còn không trước mắt chấp nhận làm phụ trợ cấp 2, cấp 3.
Việc Samsung cùng các doanh nghiệp phụ trợ đã tạo ra 200.000 việc làm cho lao động Việt Nam và 50.000 chuyên gia nước ngoài và gia đình làm việc, sống và học tập ở Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo dự báo thì năm 2017 gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt con số 8 tỷ USD xuất khẩu, xấp xỉ bằng kim ngạch xuất khẩu của gạo, cafe, chè, hạt tiêu, hạt điều và cao su, vượt kim ngạch xuất khẩu thuỷ, hải sản.
Nhiều người sẽ lo lắng về nạn phá rừng, nếu đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ. Thế nhưng các thị trường xuất khẩu đồ gỗ chủ yếu của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc không chấp nhận gỗ có xuất xứ không rõ ràng, không phải là gỗ khai thác từ rừng già. Muốn được chấp nhận, các doanh nghiệp gỗ buộc phải chọn các loại gỗ trồng như gỗ tràm, gỗ cao su, gỗ mít, gỗ xoan đào và các loại gỗ nhập khẩu chính thống như: gỗ sồi, gỗ dẻ gai, gỗ óc chó, gỗ thông...
Trước đây các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam khó cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng một vài năm gần đây, giá thành đồ gỗ của Trung Quốc bắt đầu cao, đồ gỗ của Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá thành.
Theo quan điểm cá nhân tôi thì lĩnh vực chế tạo máy móc, máy tính, điện thoại di động, đồ điện tử, chúng ta hãy nỗ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, càng nhiều càng tốt, không nhất thiết phải chế tạo trực tiếp ra sản phẩm made in Việt Nam.
Đỗ Cao Bảo
Ý kiến
()