Chúng ta

Đường đến San Jose

Thứ tư, 22/7/2015 | 07:44 GMT+7

Điểm đến cuối cùng của chuyến đi chúng tôi là thành phố San Jose, trái tim của thung lũng Silicon, trụ sở của tất cả công ty hầu như đang chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng ta: Google, Facebook, Ebay.

Ai cũng hỏi, sao không đi máy bay khi biết tôi mua vé đi Amtrak từ Seattle đến San Jose. 24 tiếng chứ ít đâu!

Chẳng biết trả lời thế nào? Mình thích đi tàu hỏa từ bé, thích lắng nghe nhịp bánh xe đập xuống đường ray như những điệu nhạc bất tận, thích ngắm hàng cột điện vùn vụt vút quá, phóng tầm mắt qua những cánh đồng, thậm chí đã mơ ước lớn lên trở thành lái tàu…

Vả lại sao lúc nào cũng phải vội. Để cố sơn vẽ lên sự buồn tẻ của công việc?

Có gì hơn là ngồi giữa toa parlour đầy nắng của đoàn tàu Coast Starlight, tưởng tượng lại chặng đường hàng chục ngàn năm trước, những người Mông Cổ đã vượt Alaska sang đây và tràn xuống phía nam, xây dựng những nền văn minh hùng vĩ. Rồi trở thành vật hy sinh cho những tham vọng Tây tiến của dân di cư châu Âu, để xây dựng một đế chế hùng mạnh mới có tên là United States of America.

Khởi hành từ Seattle, thành phố mang tên của thủ lĩnh một bộ tộc da đỏ. Năm 1890, Seattle phất lên nhờ trở thành điểm tập kết của dân đi đãi vàng Alaska. Nay tuy không còn vàng, nhưng các tuyến du lịch Alaska vẫn bắt đầu từ đây. Thời thế thay đổi, nhưng Seattle luôn biết cách để dẫn đầu. Boeing là biểu tượng của cách mạng công nghiệp, Microsoft thành trì của thế hệ máy tính cá nhân và bây giờ là Amazon, hạ tầng của nền kinh tế kết nối.

Ra khỏi Seattle, tàu đến Tacoma, cũng tên theo tiếng thổ dân của ngọn núi băng tuyết Mount Rainier. Thành phố nổi tiếng với Tacoma dome, sân vận động có mái che bằng gỗ lớn nhất thế giới. Vịnh Commencement xanh ngắt thấp thoáng sau những rặng cây, cảnh đẹp mê hồn, tiễn chân hành khách đến tận Olympia, thủ phủ của bang Washington.

Cũng từ đây ngọn St Helen tuyệt đẹp bắt đầu ẩn hiện bên trái đoàn tàu. Không ai ngờ rằng ngọn núi bình yên này là núi lửa đang hoạt động và mới phun trào gần nhất là năm 1980.

Sau khi qua Winlock “thủ đô trứng của nước Mỹ” với biểu tượng quả trứng gà to đùng, tàu men theo sông Cowlitz, nơi cứ tháng giêng, tháng hai lại có triệu triệu cá suối bạc ngược dòng để đẻ trứng (cá này rán ăn ngon tuyệt).

Qua Vancouver, vượt sông Columbia (từng là biên giới giữa Mỹ và Canada đến năm 1812), tàu vào địa phận bang Oregon. Portland, mệnh danh là “Thành phố hoa hồng” được coi là thành phố xanh nhất nước Mỹ. Đây cũng là thành phố Mỹ đầu tiên mình và Hoàng Việt Anh đến làm việc, khởi đầu cho một mối quan hệ với biết bao kỷ niệm khó quên với bà Eileen và các đồng nghiệp ở ProDX, Cosource.

Rời Portland, chúng ta sẽ được thấy Mt Hood, ngọn núi cao nhất trong dãy Oregon Cascades trắng xóa ngạo nghễ chào đón và tiến vào thung lũng Willamette trù phú. Hai bên đường bạt ngàn những vườn nho, dâu, chery, hoa tulip và những cánh đồng lúa mì, nơi hơn 70% dân số Oregon sinh sống, đến với Salem, thủ phủ của Oregon. Biểu tượng người đàn ông cầm rìu sừng sững trên nóc tòa thị chính, gợi nhớ đến những người đã mở Oregon trail khám phá vùng đất này hơn 200 năm trước.

Sau Albany, thành phố nhỏ chuyên cung cấp hạt cỏ, và Eugene, nơi khởi đầu của thương hiệu Nike, tàu bắt đầu leo đèo, uốn lượn trong những cánh rừng thông cổ thụ, chui qua 22 hầm trước khi chạy dọc bờ hồ núi lửa Thượng Klamath. Không khí thơm mùi gỗ tươi của những xưởng cưa ở thành phố Thác Klamath.

Sừng sững trên nền trời biên giới 2 bang Oregon và California là Mt Shasta, ngọn núi cao nhất trong dãy Oregon. Vượt qua hồ Grass, tàu bắt đầu xuống dốc, đi vào hẻm núi với những vách đá dựng đứng của sông Sacramento, qua Chico (thành phố hẻo lánh mà cậu em rể mình đã chạy trốn đến, để khỏi trở thành bụi đời ở San Jose) tiến vào thành phố Sacramento, thủ phủ của bang California. Sau đó là UC Davis, campus lớn nhất của đại học California, được đánh giá là campus xanh nhất trong tất cả trường đại học Mỹ. Thay vì ô tô, sinh viên ở đây có thể sử dụng 22.000 xe đạp để di chuyển đến, đi và trong khuôn viên trường.

Sau khi qua thành phố Martinez (một trong những đối thủ cạnh tranh danh hiệu thành phố sáng chế ra cocktail martini), tàu tiến vào vịnh San Francisco. Xa xa là chiếc cầu Golden Gate nổi tiếng. Đâu đó có thể thấy biểu tượng chú cá Nemo, sản phẩm của Pixar, hãng phim hoạt hình nổi tiếng tại Emeryville.

Điểm đến cuối cùng của chuyến đi chúng tôi là thành phố San Jose, trái tim của thung lũng Silicon, trụ sở của tất cả công ty hầu như đang chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng ta: Google, Facebook, Ebay!

Vừa bước xuống tàu đã thấy Hà Giang và Mulan đón. Một chuyến đi thật thú vị!

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()