Constructivism là một thuật ngữ đa nghĩa, wikipedia liệt kê gần chục khái niệm khác nhau mà người ta có thể ám chỉ dưới từ này. Trong giáo dục, nó có thể được hiểu là: cơ chế học (philosophy of education) - một triết thuyết, lý giải quá trình nhận thức của con người và các phương pháp sư phạm tận dụng cơ chế học nêu trên để có kết quả tốt nhất.
Về cơ chế học, theo thuyết kiến tạo, một người nhận thức về thế giới bằng cách dựng nên một mô hình tri thức (framework) trong đầu mình. Mô hình này liên tục được phát triển qua hai quá trình: Assimilate (đồng hóa) tiếp nhận thông tin và xếp vào mô hình sẵn có, không thay đổi mô hình và accommodate (điều tiết) thay đổi mô hình tri thức do có được những thông tin mới mà mô hình cũ không lý giải được (đồng hóa thất bại).
Cần lưu ý rằng, một khi đã là cơ chế thì nó không phụ thuộc vào phương pháp sư phạm, bất kể thầy giáo dạy theo kiểu gì thì học sinh vẫn cứ học theo cơ chế Constructivism. Cũng như cơ chế tiêu hóa thức ăn trong mọi trường hợp, dạ dày đều tiết dịch vị và co bóp bất kể bạn ăn thực phẩm sạch hay bẩn, tự xúc hay bị bóp mồm nhét vào.
Ở phương pháp dạy (Constructivist teaching methods), khi hiểu về cơ chế tiêu hóa thức ăn, người ta bắt đầu nghĩ ra các cách ăn uống lợi dụng nó. Chúng được gọi là các chế độ ăn uống hợp lý, khoa học... Thế nhưng, rốt cục cũng chẳng có chế độ ăn nào là hoàn toàn thắng thế.
Tương tự, các phương pháp dạy dựa trên thuyết kiến tạo cũng được giới thiệu khá nhiều nhưng kết quả thì gây tranh cãi. Có nghiên cứu về thực tế áp dụng các phương pháp này trong 50 năm đi đến kết luận là hiệu quả không rõ ràng. Thậm chí có người kêu gọi phải “chuyển dịch các chương trình cải cách giáo dục ra khỏi thế giới của những tư tưởng tù mù và phi hiệu quả núp dưới các loại khẩu hiệu của Constructivism”. Có vẻ người ta cũng đã hồ hởi áp dụng các phương pháp này nhưng sau một thời gian thì thấy chúng không phải là thần dược như kỳ vọng. Vậy các phương pháp dạy kiến tạo này nên và không nên dùng khi nào?
Phương pháp kiến tạo bám vào nguyên tắc người học tự xây dựng tri thức cho mình nên chỉ phát huy hiệu quả khi người học tự giác. "Ai cũng học được" là một nửa sự thật, câu đầy đủ phải là "ai cũng học được cái mà họ thực sự muốn". Nếu cái cần học là do bắt ép, là ý muốn của bố mẹ hay thầy cô thì phải dùng các biện pháp cưỡng ép. Cũng như bố mẹ ép trẻ ăn thứ mà nó không thích, hoặc lúc nó không muốn.
Tiếp theo, mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau và tốc độ học khác nhau. Phương pháp kiến tạo không áp dụng được cho những lớp học nhiều học viên và tất cả phải thi đỗ sau một thời gian như nhau. Nếu dạy bằng phương pháp kiến tạo, thầy giáo phải chấp nhận rủi ro là đến hết kỳ học sẽ có một tỷ lệ nhất định bị trượt (và bản thân bị đánh giá kém) hoặc sẽ phải bỏ thêm nhiều công sức phụ đạo để cứu chúng. Ví dụ, mô hình blended learning yêu cầu người học tự học trước khi lên lớp, dành thời gian trên lớp cho thảo luận hay thực hành. Nghe rất ổn nhưng nếu có vài học viên không chuẩn bị trước thì thầy giáo đành phải giảng lại từ đầu hoặc chấp nhận rằng những học viên đó sẽ chẳng học được gì trong buổi đó. Tại sao có chuyện bảo mẫu dùng vũ lực, thậm chí hành hung trẻ để bắt ăn? Bởi vì cô ta phải bảo đảm cả lớp ăn hết bữa trong một giờ. Tại sao thầy giáo bắt cả lớp học thuộc công thức toán thay vì để học sinh tự tìm ra? Bời vì như thế thì chúng mới kịp làm bài kiểm tra tuần sau.
Cuối cùng, mức đồng đều về trình độ của học viên trong lớp ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của phương pháp kiến tạo. Điều này được lý giải bởi khái niệm "vùng phát triển gần kề" (zone of proximal development) trong thuyết kiến tạo, ở đó, mỗi người chỉ học tốt nhất các tri thức hơi cao hơn trình độ hiện tại của mình. Cùng môn toán lớp 10, học sinh giỏi và dốt có mối quan tâm khác hẳn nhau. Chính thế mà học sinh một khối hay một lớp hay được chia thành các nhóm tương đồng về trình độ cho dễ dạy. Nhìn bề ngoài, lớp học theo phương pháp kiến tạo có vẻ tạo được hứng thú, nhưng thực tế là “mặc dù người học tham gia các hoạt động trên lớp, chưa chắc họ đã thực sự học”, vì chênh lệch trình độ.
Vì cơ chế kiến tạo là tự nhiên nên thực tế chỗ nào áp dụng được phương pháp kiến tạo người ta đều làm. Thứ nhất là dạy trẻ con. Bọn trẻ tò mò muốn học mọi thứ và không có sức ép về đầu ra - đứa nào học được đến đâu thì học. Thêm nữa, bọn trẻ con có xuất phát điểm gần nhau (mô hình tri thức giống nhau) nên có cùng mối quan tâm. Rất dễ thấy, nếu trong nhóm trẻ có đứa đã được học trước, thì nó tỏ ra buồn chán ngay, thậm chí chen ngang phá đám thầy giáo và các bạn.
Thứ hai, phương pháp kiến tạo rất nên dùng để dạy học sinh giỏi. Thực tế các nhóm luyện thi học sinh giỏi đều theo phương pháp kiến tạo. Tại sao lại như vậy? Bởi vì ở nhóm học sinh giỏi, tất cả đều tự giác. Trình độ của nhóm cũng tương đương nhau, ai không theo được sẽ bị đào thải. Và mục tiêu đầu ra hoàn toàn do người học tự quyết, không nhất thiết phải giống nhau: ai giỏi sẽ được giải, số còn lại thì không và điều đó được coi là bình thường.
Thứ ba, phương pháp kiến tạo nên dùng để chia sẻ kinh nghiệm trong công ty. Các TGB seminar thuộc nhóm này. Diễn giả chia sẻ những gì mình biết hầu như không chuẩn bị trước, phó mặc việc học cho người nghe. Người nghe cũng hết sức thoải mái, thu hoạch được gì thì tốt, làm việc riêng cũng chẳng sao. Thật ra các buổi này có thể làm sâu hơn nếu những người tham gia có "vùng phát triển gần kề" giống nhau. Hình thức này cũng có thể dùng để khơi gợi cảm hứng của người học, ví dụ giới thiệu để họ muốn theo học một chương trình nào đó.
Vì kiến tạo là cơ chế tự nhiên nên các mô hình học tập ban đầu đều là phương pháp kiến tạo, có thể kể đến Socrates, Khổng Tử hay Chu Văn An. Theo đó, người học tự giác, trình độ của nhóm tương đồng, ai học được đến đâu thì học. Mô hình này rất ổn nhưng có một nhược điểm không nhân rộng được. Cho nên, khi xã hội đòi hỏi nền giáo dục phải chuẩn bị một lực lượng lao động lớn trong một thời gian ngắn, cho nhu cầu công nghiệp hóa chẳng hạn, người ta buộc phải chuyển sang các hình thức ép buộc, nhồi nhét cho kịp tiến độ. Việc này cũng giống như nông trại phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi trái tự nhiên để bảo đảm sản lượng và thời hạn.
Ngày nay, nhờ công nghệ thông tin, nhược điểm trọng yếu của mô hình học tập xa xưa đã được khắc phục. Người ta có thể dễ dàng ngồi nhà và xem bài giảng của những siêu thầy giáo (kiểu Khổng Tử), tự xác định cho mình một lịch học riêng không phụ thuộc vào ai, và có thầy để giúp đỡ vào bất cứ lúc nào động lực học tập xuất hiện. Các phương pháp kiến tạo có đất mới để phát huy tác dụng, các trường học trực tuyến mà ĐH FUNiX là một ví dụ.
Phan Phương Đạt
Ý kiến
()