Anh Hoàng Minh Châu, sếp cũ của tôi ở FPT, có lần nói: "Ở bên Nhật, nếu giáo viên mà vi phạm luật giao thông, ngoài việc bị phạt như người thường, họ còn bị buộc ra khỏi ngành. Lập tức chứ không cần chờ đến lần vi phạm thứ tư.
Có lần học trò đến đón tôi mà không mang theo mũ bảo hiểm. Tôi không chịu đi. Cậu ấy bảo: "Gần mà thầy, ở đây không có công an đâu". Tôi vẫn không đi và cậu ấy phải mượn mũ bảo hiểm của bảo vệ. Thực ra tôi chẳng sợ công an bắt. Tôi sợ học trò hay phụ huynh nhìn thấy.
Hồi học ở bên Nga, tôi có học môn Đạo đức học. Tiếng Nga còn loáng thoáng nên cũng không hiểu nhiều (dù đã là sinh viên năm 4). Nhưng tôi cũng nghe được những vấn đề cơ bản về đạo đức của người làm khoa học. Trung thực phải xếp lên hàng đầu. Và đạo văn có hệ thống là không thể chấp nhận.
Người Nhật họ có lý khi đưa ra một tiêu chuẩn khắt khe cho thầy giáo. Nếu bản thân anh còn vi phạm, sao anh dạy được học sinh đừng vi phạm. Người Nga có lý khi đề cao sự trung thực. Vì trái với trung thực là dối trá, là ngụy khoa học, là đạo văn có hệ thống. Những dối lừa của Lysenko và những người cùng phe nhóm đã kéo nền sinh học Nga thụt lùi xa so với Mỹ.
Quan điểm của tôi có thể hơi gắt. Nhưng cứ chia sẻ.
Theo tôi, chúng ta cần phải đưa ra khỏi ngành giáo dục những người như sau đây: gạ tình lấy điểm, gạ tiền lấy điểm, gian lận thi cử (như vụ thi THPT quốc gia năm rồi), ép học sinh học thêm với mình, đạo văn có hệ thống. Thà thiếu giáo viên, thà để học sinh thất học còn hơn để chúng học với những người thầy/cô như vậy.
Không thể lấy cuộc sống khó khăn để biện minh cho hành động. Thời bao cấp, cuộc sống còn khó gấp bao lần. Vậy mà các thầy cô giáo thà bỏ nghề chứ không làm những điều trái với lương tâm. Thầy Bính, thầy dạy toán của tôi năm lớp 6, đã phải đi làm xe thồ để kiếm sống và nuôi con. Thầy Tâm, thầy giáo dạy văn của tôi năm lớp 7, phải nuôi heo trong nhà. Hay như mẹ tôi cũng nuôi heo, đến lúc bán phải "phỉnh" ba đi làm sớm để bán chui cho chợ (thay vì bán cho HTX với giá bèo). Ba mà biết ba sẽ la. Nhưng thấy thật vô lý khi mất 2/3 số tiền nên mẹ đã phải làm vậy. Ai dám chê thầy Bính, thầy Tâm, mẹ tôi?
Làm thầy giáo phải có tác phong mẫu mực. Từ ăn mặc, đi đứng, nói năng. Chưa chuẩn là phải sửa.
Phải giữ gìn khoảng cách với học sinh, với đồng nghiệp khác giới. Có thể bông đùa, khôi hài, trêu trọc nhưng không được cợt nhả hay nặng hơn là sàm sỡ.
Nhà giáo phải công bằng, công tâm. Không thiên vị hay trù úm học trò. Nhưng thiên vị cho một nhóm học sinh lại khác. Lúc chấm bài tôi vẫn nương tay hơn đối với các bạn nữ, hay các bạn người Cam, người Lào.
Phải khiêm tốn, giản dị, không kiêu căng, tự phụ, phô trương. Bỏ đi cái tư tưởng mình là nhất thiên hạ, không ai có thể hơn mình. Tư tưởng đó sẽ cản đường người trẻ giỏi và hủy hoại chính bạn. Cô Huyền Yến, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 9, khi thấy tôi có biểu hiện kiêu căng, đã nói, "Không nên coi mình là tượng đài để người khác noi theo, hướng về. Vì đoàn người neo theo bạn đó sẽ có lúc vượt qua bạn và để bạn lại ở phía sau". Một lần thôi mà nhớ mãi đến hôm nay.
Phải học tập và trau dồi không ngừng. Nhân vô thập toàn. Chẳng có ai sinh ra đã hoàn hảo. Tất cả là một quá trình đấu tranh, xây dựng, gìn giữ. Cái tốt thì phát huy, cái xấu thì gắng sửa. Bền bỉ, kiên trì, không ngừng nghỉ. Thầy Lê Hoành Phò, thầy chủ nhiệm của tôi ở lớp 10 và lớp 11, cho tôi câu nói của một người nổi tiếng: "Mỗi bức tường là một cánh cửa. Mỗi cánh cửa là một bức tường". Ngẫm ra thật ý nghĩa.
Đạo đức là nền tảng của người quân tử. Cũng là nền tảng của người thầy. Người có đức sẽ giàu có, hạnh phúc. Có thể không quá giàu có về tiền bạc, địa vị. Nhưng sẽ giàu có trong sự yêu kính của nhân dân.
Như ba tôi là một người giàu có. Dù gia tài ông để lại cho chúng tôi chỉ là một căn nhà đầy sách được nhà nước cấp năm 1980 và sau đó được hóa giá. Nhưng gia tài của ông lớn lắm. Đó là 8 đứa con và dâu rể hiếu thảo, 12 đứa cháu và cháu dâu rể, 2 đứa chắt. Và hàng nghìn học trò các thế hệ ở khắp nơi trên hai dải đất Việt-Lào. Có đức mặc sức mà ăn, dân gian đã đúc kết như vậy.
Tôi kết bài này bằng đôi câu đối trên mộ ba tôi ở rìa làng An Thái: "Nghề giáo trao tình hai dải đất/Chữ tâm để phúc vạn đời con".
Nhân ngày 20/11 sắp đến gần, viết bài này để nhớ ba và tôn vinh những nhà giáo lấy đạo đức làm đầu.
Trần Nam Dũng
Ý kiến
()