Chúng ta

Các thế hệ - trước và sau

Thứ hai, 21/3/2016 | 17:08 GMT+7

Mỗi thế hệ người Việt đều có thói quen tự cho mình là trung tâm. Các thế hệ khác, cho dù là đến trước hay đến sau, chỉ là những kép phụ? Trong hầu hết các tổ chức ở Việt Nam, cán bộ trẻ thì thấy lãnh đạo đã già, đã lỗi thời. Lãnh đạo già thì thấy cán bộ trẻ chưa chín, chưa đủ tin cậy. 

Trong gia đình, chuyện tương tự cũng xảy ra. Các thế hệ cũng không thật sự tin cậy nhau. Khi còn sống, cha tôi là người rất từng trải, nhưng mỗi khi ông muốn dạy dỗ tôi điều gì thì tôi luôn nghĩ rằng, kinh nghiệm của ông đã lỗi thời, không còn phù hợp với thế hệ chúng tôi. Và bây giờ khi nói chuyện với mấy cô con gái sắp bước vào đời, tôi cũng thực sự tin rằng, kinh nghiệm của tôi sẽ rất tốt cho chúng, vì chúng chưa từng trải. Thế hệ trước đã lỗi thời. Thế hệ sau thì chưa đủ chín. Thế hệ chúng ta mới là trung tâm!

Bạn đừng vội nghĩ rằng, khi ta nhận thức được vấn đề này là ta sẽ biết cách đối xử đúng mực với các thế hệ trước và sau. Không đơn giản như thế, vì các thế hệ không cùng nhìn một hướng. Thế hệ già sẽ nhìn nhiều hơn về quá khứ. Thế hệ trẻ chỉ thích nhìn về tương lai. Và “ước muốn làm điều tốt” là chưa đủ. Cha tôi muốn dạy điều tốt cho tôi, nhưng lại làm tôi khó chịu. Đến lượt tôi muốn điều tốt cho con gái mình thì chỉ làm cho các cháu khó xử hơn.

Theo quy luật tiến hóa tự nhiên, khi các điều kiện sống không có sự thay đổi đặc biệt thì thế hệ sau nói chung hoàn thiện hơn thế hệ trước. Quy luật xã hội cũng thế. Berna Shaw từng nói một cách rất ý nhị rằng: “Con cháu chúng ta hát hay hơn ông bà chúng ta”. Chỉ cần điểm qua các kỷ lục thể thao Olympic, chúng ta cũng có thể thấy các thế hệ sau nhảy cao hơn, chạy nhanh hơn nhờ các phương pháp huấn luyện ngày càng hoàn mỹ và công nghệ ứng dụng trong thể thao ngày càng hiệu quả. Vì thế, nhiều người tin rằng thế hệ sau không nhất thiết phải theo khuôn mẫu của các thế hệ trước.

Nhưng cuộc sống không chỉ bao gồm một thế hệ đứng riêng lẻ mà là một quá trình nối tiếp. Nhân loại vẫn đi trên rất nhiều con đường cha ông đã mở, ở trong những ngôi nhà mà cha ông đã xây. Người Nhật, người Trung Quốc… vẫn theo những nề nếp văn hóa tổ tiên để lại. Họ không bắt buộc phải theo khuôn mẫu của quá khứ, nhưng họ vẫn theo. Vì thế, kiến trúc, trang phục, âm nhạc, hội họa… của họ mới mang đậm cá tính dân tộc. Mỗi người Nhật, người Trung Quốc… hôm nay đều học được rất nhiều từ truyền thống của tổ tiên mình, người sau kế thừa người trước, các thế hệ nối tiếp nhau, vun đắp cho cái văn hóa vốn rất có cá tính lại ngày càng trở nên giàu bản sắc.

Nhìn lại Việt Nam, chẳng còn thấy mấy thứ có bóng dáng truyền thống. Kiến trúc không giống Tàu thì giống Tây, trang phục không giống Tây thì giống Tàu, bây giờ còn giống thêm Hong Kong, Hàn Quốc… Chữ Nôm cũng bị xếp xó. Âm nhạc còn tệ hại hơn. Hầu hết nhạc cụ dân tộc đều được sửa dây để có thể chơi nhạc mới, chỉ còn hình dáng là “dân tộc”. Tổ tiên chúng ta bây giờ sống lại, chắc buồn lắm, vì cái gì để lại chúng ta cũng bỏ, cũng chê.

Phải chăng tổ tiên người Trung Quốc, Nhật Bản… để lại cho con cháu những di sản có giá trị, còn tổ tiên chúng ta thì không?

Tôi không tin như thế.

Tôi tin là di sản văn hóa của ông bà để lại, chúng ta đã bảo quản rất không tốt, vì không trân trọng. Ví dụ, đầu thế kỷ 20, chúng ta có hơn 50 vở chèo cổ; và bây giờ, chúng ta chỉ còn giữ được một vở Quan Âm Thị Kính và một nửa vở Súy Vân giả dại. Những vở khác thì hoặc kịch bản bị thất lạc, hoặc không còn nhớ bối cảnh dàn dựng và tất nhiên là không có diễn viên hát được chèo cổ...

Có lẽ, chúng ta là một đám người bất hiếu không thích đi theo con đường tổ tiên đã đi; và vì thế con cháu chúng ta chắc chắn sẽ đi theo con đường riêng của chúng. Lịch sử của Việt Nam bị cắt khúc thành các thế hệ, rất ít sự kế thừa.

Lỗi ở thế hệ nào, trước hay sau?

Khi ở trong quân ngũ, tôi từng hành quân và hiểu một điều: Chỉ cần người đi sau bám theo bước chân của người đi trước là hàng quân sẽ liên tục, không bị đứt đoạn. Bạn có thể không ngoái nhìn phía sau, nhưng nhất thiết phải bám sát người đi trước. Bạn không phải là trung tâm của hàng quân. Trước bạn có nhiều người và sau lưng cũng thế. Nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn là bám sát người đi trước.

Nếu nhìn cuộc sống là một quá trình thì chẳng có thế hệ nào là trung tâm. Thuyết phục thế hệ sau phải theo khuôn mẫu của chúng ta là không cần thiết. Càng không nên áp đặt chúng, vì thế hệ sau sẽ tiếp tục sống, ngay cả khi thế hệ chúng ta đã chết hết.

Điều cần thiết hơn với thế hệ chúng ta là: Hãy trân trọng di sản của thế hệ trước và đi tiếp con đường mà tổ tiên đã đi. Hãy có hiếu với ông bà và đi theo các đạo lý của tổ tiên. Bằng cách đó, cơ hội con cháu tiếp nối truyền thống sẽ cao hơn là chúng ta cố ép buộc chúng mà bản thân lại không phải là một tấm gương tốt. 

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()