Chúng ta

Infosys đẩy mạnh tuyển nhân lực CNTT Mỹ khi visa H-1B gặp khó

Thứ năm, 23/11/2017 | 15:03 GMT+7

Sự thay đổi về chính sách cấp và gia hạn thị thực H-1B đã làm thay đổi cục diện nguồn nhân lực đa quốc gia khi họ có mong muốn làm việc tại Mỹ. 

Infosys, hãng dịch vụ phần mềm thuộc hàng lớn nhất Ấn Độ có cơ sở tại Mỹ, cho hay, họ đã lên kế hoạch tuyển 10.000 nhân viên người Mỹ trong 2 năm tới để giải quyết nguồn nhân lực khi thị thực H-1B còn nhiều rào cản cho nhân lực quốc tế. 

920x1240-6832-1511422793.jpg

Theo AFP, rất nhiều công ty cung ứng lao động Ấn Độ luôn theo dõi sát sao việc cấp thị thực H-1B thuộc diện xét duyệt nhanh nhằm cung cấp kỹ sư cho các công ty ở Mỹ. Ảnh: sfchronicle.

Bên cạnh đó, họ cũng đang xem xét việc thiết lập các trung tâm đào tạo như một phần trong nỗ lực của họ để vượt qua các vấn đề liên quan đến visa H-1B. "Chúng tôi luôn theo dõi chặt chẽ tình hình chung về thị thực trong 24 tháng qua và Infosys đã tập trung vào việc tăng cường sự hiện diện tại Mỹ thông qua việc tận dụng nguồn lực địa phương nhiều hơn", CEO Infosys U.B. Pravin Rao chia sẻ trên Bloomberg.

Chương trình visa H-1B cho các doanh nghiệp của Mỹ được phép tuyển dụng nguồn nhân lực trình độ cao từ các quốc gia khác đến làm việc. Trong đó, các ngành nghề dành cho H-1B bao gồm khoa học, kỹ thuật và CNTT. Thời gian hiệu lực của thị thực là 3 năm và được phép gia hạn thêm từ một đến 3 năm. Thông thường, thời gian cấp visa H-1B sẽ dao động từ 3 đến 6 tháng.

Với chính sách cũ, đối với các cá nhân khi đã nhận visa H-1B, họ sẽ được phép miễn thực hiện một số giấy tờ sau khi đã hoàn tất ở lần đầu tiên. Tuy nhiên, ngày 23/10, Cơ quan Di trú và Quốc tịch Mỹ (USCIS) đã thông báo việc ngưng áp dụng chính sách này, thay vào đó USCIS yêu cầu các cán bộ chuyên trách bộ phận nhập cư phải áp dụng cùng mức độ giám sát cho việc xin gia hạn như quy trình xin cấp lần đầu. Cụ thể, với mỗi lần xin cấp lại visa, các cá nhân đã sở hữu thị thực sẽ một lần nữa phải đối mặt với những giám sát nghiêm ngặt như lần đầu xin phép. 

Hằng năm, khoảng 85.000 visa H-1B được cấp cho lao động từ các nước và khoảng 20.000 thị thực dành cho bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hay các học vị cao hơn. Trong đó, giới chuyên gia trong lĩnh vực di trú cho biết các chủ sở hữu thị thực H-1B đển từ Ấn Độ chiếm hơn 70% so với các nước khác. 

Tháng 4, chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện chiến lược “Dùng hàng Mỹ, thuê người Mỹ” (“Buy American, Hire American”), trong đó đề cập về việc hạn chế thị thực H-1B nhằm mở rộng cơ hội việc làm, ưu tiên nguồn nhân lực Mỹ làm việc tại quốc gia của họ. 

CEO Microsoft Satya Nadella chia sẻ: "Tôi nghĩ việc xem xét lại visa H-1B là một điều tốt bởi vì mỗi quốc gia nên tập trung vào chính sách di trú của họ và trong trường hợp của Mỹ, tất cả chỉ vì tăng khả năng cạnh tranh cho nhân lực Mỹ".

Ngoài việc các công ty đang hoạch định nhiều phương án hợp lý để duy trì tính ổn định cho doanh nghiệp khi lượng lao động sẽ bị thay đổi, chính sách mới này cũng có nhiều trở ngại không chỉ đối với các cá nhân có dự định làm việc tại Mỹ hay đã có thị thực H-1B mà các tập đoàn công nghệ lớn tại thung lũng Silicon và một số công ty khác trên đất Mỹ cũng đang ‘đau đầu’ vì các nhân viên tay nghề cao của họ đến từ các quốc gia khác sẽ gặp nhiều trở ngại để có thể tiếp tục làm việc tại đây.

Theo Bloomberg, những công ty này chi trả từ 65.000 đến 75.000 USD cho các ‘nhân viên đa quốc gia’, và có thể trả cao hơn đối với Google và Microsoft. 

>> FPT Software tìm kỹ sư ‘không ngại đi Mỹ’

Đình An

Ý kiến

()