Chúng ta

Xe mô hình 'khủng' kích thích sinh viên công nghệ

Thứ năm, 16/2/2017 | 15:10 GMT+7

Tỷ lệ lớn, bằng 1/10 kích thước chiếc Jeep Crawler thật, được trang bị camera HD, hai bo mạch điều khiển, pin lipo dòng xả cao, chiếc xe mô hình của "Cuộc đua số" khiến các sinh viên công nghệ "ngây ngất" khi nhận tận tay sản phẩm này.  

Ban tổ chức cuộc thi "Cuộc đua số" vừa trao xe mô hình cho các đội lọt vào chung kết của 8 trường đại học trên toàn quốc. Các đội đua còn khoảng 2 tháng để phát triển sản phẩm trước khi bước vào vòng thi chung kết để giành vé đi Sillicon Valley, Mỹ. 

Anh Lâm Đức Khải, Phó khoa Kỹ thuật máy tính UIT dặn các sinh viên cố gắng "bảo toàn" cho chiếc xe không người lái, nhất là khi các em mang về và tập luyện tại ký túc xá, phòng trọ.

Anh Lâm Đức Khải, Phó khoa Kỹ thuật máy tính UIT dặn các sinh viên cố gắng "bảo toàn" cho chiếc xe không người lái, nhất là khi các em mang về và tập luyện tại ký túc xá, phòng trọ.

Không chỉ có động cơ mạnh mẽ, khả năng leo trèo bãi đất, leo dốc 45 độ, kết cấu truyền lực tác động từ động cơ xuống cả 4 bánh (4WD), vận tốc lên đến 25 km/h, chiếc xe còn được "độ" thêm nhiều chi tiết độc đáo giúp các đội có thể lên ý tưởng, lập trình, xử lý dữ liệu, ứng dụng kỹ thuật deep learning để xe có thể nhận dạng đường đi, di chuyển trên một sa hình chính xác và nhanh nhất.

Camera Astra có thể cho hình ảnh ở độ phân giải HD 1280x960 px kết hợp với cảm biến Sonar dùng sóng siêu âm để xác định vật cản được coi như "đôi mắt" của xe. Tiếp đến, "bộ não và con tim" của chiếc xe mô hình là hai board mạch vi xử lý gồm Arduino và Jetson TK1.

Anh Nguyễn Đức Linh, FPT Software, người hỗ trợ kỹ thuật xe mô hình cho các đội thi phía Nam, cho biết: "Jetson TK1 dùng để thực hiện xử lý hình ảnh từ camera Astra gửi về, ra tín hiệu điều khiển cho Arduino Uno. Arduino Uno đảm bảo xe chạy tốc độ đúng với yêu cầu mà Jetson gửi xuống, điều khiển động cơ DC cho xe chạy tiến hoặc lùi". 

TK1 là bộ xử lý di động tích hợp những tính năng tiên tiến và có kiến trúc như một GPU máy tính để bàn hiện đại trong khi vẫn sử dụng tiêu thụ điện năng thấp của một con chip điện thoại di động. 

Ngoài ra, Ban tổ chức còn cung cấp đủ phụ kiện như pin Lipo dòng xả cao chuyên dụng cho xe RC và pin cho các board. Chiếc xe giao cho sinh viên đã được chuẩn bị sẵn các thuật toán cơ bản (mã nguồn thuật toán đọc dữ liệu từ cảm biến siêu âm; tính tốc độ động cơ; điều khiển động cơ PID cơ bản cho vòng tốc độ và vị trí); một chương trình mã nguồn mở cho phép xe chạy được trên đường cong (địa hình đơn giản) và tránh được vật cản (thuật toán phát hiện biên của ảnh, từ đó làm cơ sở để xác định đường di chuyển của xe).

Anh Nguyễn Đức Linh, FPT Software chạy thử xe mô hình ngay tại buổi trao xe cho các sinh viên ĐH Lạc Hồng.

Anh Nguyễn Đức Linh (bìa trái), FPT Software, lắp đặt các phụ kiện và chạy thử xe mô hình ngay tại buổi trao xe cho các sinh viên ĐH Lạc Hồng.

Anh Lê Ngọc Tuấn, Quản lý nhóm công nghệ IoT, Tập đoàn FPT, cho rằng với chiếc xe được cấp, các sinh viên có thể bắt tay ngay vào việc tối ưu thuật toán cho "con cưng" của đội. "Các đội cần có những bạn có kỹ năng lập trình điều khiển, thuật toán PID cho xe phía dưới, kết hợp thuật toán nhận dạng đường, vật cản để xe có thể tối ưu về tốc độ", anh Tuấn chia sẻ. 

Các sinh viên đều tỏ ra hứng khởi và phấn khích với quãng thời gian phía trước cùng ăn ngủ và "huấn luyện" cho chiếc xe đầu đời. Sinh viên Trần Minh Phúc, trưởng nhóm Seboys của trường ĐH CNTT - ĐHQG TP HCM, cho biết: "Cả nhóm sẽ bắt tay vào việc làm bạn và chỉ bảo cho chiếc xe ngay từ hôm nay". 

Tại trường ĐH Lạc Hồng, các sinh viên rất tò mò muốn biết về sa hình sẽ được sử dụng trong ngày thi chung kết. Tuy nhiên, Ban tổ chức cuộc đua chỉ gợi ý sa hình được mô phỏng giao thông tại Việt Nam, vốn là một trong những mạng lưới giao thông rất phức tạp và khó đoán. Các sinh viên Lạc Hồng cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của thầy cô, đặc biệt là với quyết định cho sinh viên "mượn" một trong những nhà để xe để tập luyện với xe mô hình. 

Video buổi trao xe Cuộc đua số tại ĐH Lạc Hồng:

 Ngọc Dung

Ý kiến

()