Chúng ta

VTV 'bắt tay' FPT đồng tổ chức Cuộc đua số mùa 3

Thứ năm, 11/10/2018 | 17:22 GMT+7

Ở 2 mùa giải trước, VTV chỉ đóng vai trò đồng hành bảo trợ truyền thông cho cuộc thi. Trong mùa thứ ba, Cuộc đua số mở rộng quy mô châu Á.

Theo ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam, Cuộc đua số là cuộc thi trí tuệ về công nghệ thông tin, thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn sinh viên và hàng chục trường đại học lớn trên cả nước. Khi phát sóng trên VTV, chương trình đã được khán giả trong cả nước đón nhận và đã tạo được dấu ấn của một chương trình game show trí tuệ đầy chất công nghệ. Vì vậy, VTV đã quyết định hợp tác với FPT để đưa cuộc thi này trở thành một sự kiện chính thức trong kế hoạch sản xuất năm 2019.

“Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một sân chơi trí tuệ, hấp dẫn đến với sinh viên khắp cả nước, đồng thời tạo ra một môi trường thực hành đặc biệt hiệu quả cho các sinh viên thỏa trí sáng tạo, qua đó tạo tiền đề để xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ mới của Việt Nam trong tương lai", ông Khánh cho biết trong lễ khởi động Cuộc đua số mùa 3 tổ chức chiều 11/10 tại Hà Nội.

Đây là một trong nhiều điểm mới của Cuộc đua số 2018-2019. Năm nay, đội Vô địch ngoài phần thưởng máy tính và chuyến đi tham quan như hai năm trước sẽ được nhận thưởng tiền mặt 15 triệu đồng và một suất học bổng tiến sĩ ngành Trí tuệ nhân tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội giá 700 triệu đồng. Tổng giá trị giải thưởng toàn cuộc thi lên tới 1,5 tỷ đồng.

CHT-5023-9277-1539252564.png

Theo ông Đỗ Quốc Khánh, nhận thấy giá trị mà cuộc thi đem lại, lãnh đạo VTV đã nhanh chóng quyết định cùng với FPT tổ chức Cuộc đua số mùa 3.

Trong lần thứ 3 tổ chức, đề thi cũng được nâng cao hơn so với năm trước. Cụ thể, tại vòng chung kết, các đội thi sẽ phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông.

Để đáp ứng với các bài toán công nghệ ngày càng nâng cao đó, tại cuộc thi năm nay, FPT cũng nâng cấp phiên bản mô hình xe tự hành lên tỷ lệ 1/7 với động cơ mạnh mẽ hơn, khung xe chắc chắn tích hợp hệ thống giảm sóc. Điều này khiến chiếc xe đua có thể đạt tốc độ tối đa cao hơn nhưng cũng đặt ra các bài toán phức tạp hơn để điều khiển xe hoạt động chính xác. Bảng mạch chủ được nâng cấp chuyên để xử lý đồ họa và trí tuệ nhân tạo, camera có khả năng chuyển động và góc nhìn mở rộng…

Đặc biệt, tại trận chung kết, ngoài 6 đội xuất sắc của các trường đại học của Việt Nam còn có sự tham gia của 2 đến 4 đội thi đến từ các đại học trong khu vực châu Á. Top 4 đội xuất sắc sẽ được thực tập (với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng) và cùng giải quyết các bài toán công nghệ mới nhất tại Ban Công nghệ Tập đoàn FPT.

CHT-5078-5664-1539252564.png

Cuộc đua số 2018-2019 có nhiều sự thay đổi từ mẫu xe đua, bài thi đến cơ cấu giải thưởng. Ảnh Giám đốc Công nghệ FPT - anh Lê Hồng Việt đang giới thiệu xe mô hình mùa giải mới.

Anh Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT, cho biết mục tiêu của FPT khi tổ chức Cuộc đua số không chỉ là tạo sân chơi cho giới trẻ Việt Nam được tiếp cận, thực hành công nghệ mới nhất trên thế giới mà còn tạo ra một môi trường toàn cầu nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết cho các bạn trẻ tự tin và sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Sau 2 năm tổ chức, đến nay khi cuộc thi tạo đước sức lan tỏa rộng lớn thu hút hàng nghìn sinh viên tại hàng chục trường đại học lớn trên cả nước chúng tôi tự tin rằng Cuộc đua số đang thực sự đem lại giá trị thiết thực trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam”, anh Ngọc chia sẻ.

Là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, FPT đã sớm quan tâm thúc đẩy phát triển mảng công nghệ ô tô. Cụ thể, từ năm 2016, FPT đã thành lập một đơn vị với quy mô 700 người hoạt động trong lĩnh vực này. Giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ô tô mô hình. Tháng 10/2017, chiếc xe ô tô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã thử nghiệm thành công trong khuôn viên của công ty.

FPT đang chuẩn bị để chạy thử nghiệm chiếc xe này trong khuôn viên của khu Công nghệ cao ở quận 9, TP HCM; khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội và khu đô thị FPT City tại Đà Nẵng. FPT cũng đang triển khai các dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và công nghệ ô tô nói chung cho khoảng 40 tập đoàn lớn trên toàn cầu và có 2.000 nhân sự làm việc trong mảng công nghệ này. Trong đó, có nhiều khách hàng lớn là các tập đoàn hàng đầu tại Nhật Bản.

Với mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô tại Việt Nam theo xu hướng mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, từ năm 2016 FPT đã tổ chức cuộc thi Cuộc đua số với chủ đề Xe tự hành. Cuộc thi sẽ giúp sinh viên Việt Nam không chỉ được học hỏi các kiến thức về công nghệ mới mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào ngành công nghệ phần mềm xe tự hành. Sinh viên tham gia cuộc thi được rút ngắn thời gian thực hành và phát triển công nghệ xe tự hành do được thừa hưởng mã nguồn mở từ các thí sinh năm trước.

Cuộc đua số 2018-2019 sẽ được tổ chức ở cả 3 khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Các mốc quan trọng của Cuộc đua số 2018-2019:

  • Nhận hồ sơ đăng ký: từ 11/10-5/11/2018
  • Vòng sơ khảo (15/11-15/12/2018): BTC sẽ tổ chức 10 trận sơ loại để tìm kiếm ra tối đa 20 đội xuất sắc đại diện cho các trường vào vòng chung khảo.
  • Vòng bán kết (1/3/2019-31/3/2019): BTC sẽ tổ chức 2 trận thi đấu để tìm ra tối thiểu 6 đội xuất sắc nhất đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam vào trận chung kết.
  • Vòng chung kết (20/4/2019-25/5/2019):

Trận chung kết diễn ra trong thời gian trên yêu cầu các đội thi sẽ phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông.

Nguyễn Thắng

Ý kiến

()