Chúng ta

Tiến sĩ blockchain nhà F: Tay phải làm nghiên cứu, tay trái là giảng viên

Thứ sáu, 18/11/2022 | 14:54 GMT+7

"Giảng viên 3 không" Đặng Khánh Hưng, Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab, mang đến góc nhìn thú vị từ vai trò vừa là người nghiên cứu công nghệ, vừa giảng dạy nhân ngày 20/11.

DUYÊN SỚM VỚI NGHỀ GIÁO

Có bố mẹ là giáo viên (dạy Văn), từ bé Đặng Khánh Hưng đã được định hướng sẽ đi dạy. "Hồi đó mọi người ai cũng nghèo. Làm nghề giáo, muốn kiếm tiền được phải dạy thêm. Mà người ta thường chỉ học thêm môn Toán hoặc tiếng Anh nên tôi đã nghĩ mình sẽ là giáo viên tiếng Anh" - Hưng nhớ lại. Cấp 3, anh định chọn khối D để ra trường đi dạy nhưng rốt cuộc lại đi thi khối A. 

Khi lên đại học, qua giới thiệu của bố mẹ, Hưng lại được nhờ làm gia sư dạy thêm Toán. Vậy nên thay vì làm thêm ở những công ty công nghệ như bạn bè, công việc làm thêm của Hưng suốt 4 năm đại học là "gõ đầu trẻ".

Tốt nghiệp đại học, trước lựa chọn đi làm luôn hoặc du học, Hưng lựa chọn lên đường du học thẳng bậc tiến sĩ với suất học bổng giá trị. Anh tự sự lúc ấy mình chọn nghiệp nghiên cứu sinh nơi đất khách quê người không phải vì tấm bằng Tiến sĩ danh giá, hay khát vọng nghiên cứu, mà vì "học bổng nghiên cứu sinh sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt vẫn còn cao hơn lương sinh viên mới ra trường ở VN". Trong 4 năm làm nghiên cứu sinh, anh lại tiếp tục bén duyên với con đường dạy học qua những giờ trợ giảng tại ĐH Quốc gia Singapore.

"Nghề chọn người" - Hưng nói. Hiện, anh không chỉ là Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab mà còn tham gia giảng dạy tại Đại học Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, phân môn Communication Skills hoàn toàn bằng tiếng Anh cho sinh viên công nghệ, và giảng dạy về DeFi (tài chính phi tập trung) trong khuôn khổ chương trình của Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU).

THẦY GIÁO '3 KHÔNG':

KHÔNG ĐIỂM DANH, KHÔNG KIỂM TRA, KHÔNG GIÁO ÁN CỐ ĐỊNH

Khi giảng dạy, cách tiếp cận của Hưng với mọi đối tượng, dù học sinh, sinh viên hay đồng nghiệp FPT là "dạy cho người ta không phải vì tôi biết, anh chị không biết". Hưng cho rằng người học hoàn toàn có thể biết một kiến thức qua tự học, đọc sách, tìm hiểu trên mạng nhưng có thể không biết vai trò, tầm quan trọng của kiến thức ấy, ứng dụng của nó như thế nào, nơi tìm tài liệu nhanh và tổng quát nhất. Vì thế, anh tập trung nói về lý do nên học, tìm hiểu ở đâu, ứng dụng như thế nào. Khi người học hứng thú, họ sẽ theo hướng dẫn cơ bản và tự tìm tài liệu nâng cao.

Vị tiến sĩ chuyên nghiên cứu chuyên sâu blockchain làm giảng viên này còn có một quy tắc, là... không tuân theo quy tắc. Tuy FCU và Đại học Công nghệ Thông tin - nơi anh giảng dạy - đều yêu cầu điểm danh, anh thỏa thuận mình là người chịu trách nhiệm về lớp học và quyết định không có bài thi, không có điểm danh. "May mắn, hai môi trường đều chấp thuận" - anh nói. Thay vì kiểm tra, thi thố, anh lồng ghép bài tập cuối khóa là bài trình bày về kiến thức học viên gặt hái được trong quá trình học.

-6923-1668757058.jpg

Anh Đặng Khánh Hưng, Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab

Để có thể "làm mềm" kiến thức công nghệ chuyên sâu, phương pháp của anh Hưng là giải thích bằng nhiều ví dụ và sự liên hệ, "lấy Vân tả Kiều". Chẳng hạn, để nói về DeFi, anh chọn nói câu chuyện quen thuộc trước như ngân hàng, cho vay, gửi tiết kiệm, thế chấp. Sau đó anh mới giải thích điều gì tương đương với ngân hàng trong DeFi.

Việc chuẩn bị "giáo án" của chuyên gia công nghệ FPT được cho là không mất nhiều thời gian vì kiến thức đã được tích lũy nhiều năm qua và hằng ngày trong quá trình làm việc, chỉ mất thời gian khoảng 1 giờ chuẩn bị bản trình chiếu. Tuy nhiên anh cho biết, kể cả đi dạy thay thuyết trình, bản thân gần như chỉ chuẩn bị ý/luận điểm chính, còn luận cứ không được chuẩn bị cố định mà nói theo mạch suy nghĩ, không "vừa nói vừa nhìn máy nhắc chữ".

Khi giảng dạy cho những đồng nghiệp hơn tuổi, chuyên gia sinh năm 1991 chọn cách xưng hô "tôi - anh chị" nhưng "một lúc sau lại tự chuyển sang xưng em". Nếu dạy cho sinh viên thì chuyện xưng hô dễ hơn vì giảng dạy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, anh Hưng nhớ nhất một kỷ niệm vui khi một sinh viên đang trả lời thì khựng lại một lúc do chưa tìm được từ tiếng Anh mình cần, đã nói "Thầy ơi con xin lỗi…". Người đứng lớp đã ngỡ ngàng mất 5 giây vì không tưởng tượng một "người trưởng thành" lại có thể xưng "con" với mình.

"Tôi chỉ nhận vai trò của người chia sẻ. Người nghe vì lý do gì đấy họ chưa biết đến kiến thức mình biết, vì họ học chuyên sâu chủ đề khác mà mình không biết chẳng hạn. Nên không vì là người dạy mà mình hơn họ", anh Hưng quan niệm. 

NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY BỔ TRỢ CHO NHAU

Theo tiến sĩ nhà F, nghiên cứu và giảng dạy có sự tương quan lớn. Bản thân nghiên cứu là tìm ra kiến thức mới mà trước đây chưa có. Nhưng kiến thức mới được tìm tòi qua nỗ lực này phải hữu dụng, tức có người khác sử dụng được. Muốn thế, kiến thức này cần được làm cho người sử dụng hiểu. Vậy nên, nghiên cứu phải đi đôi với trình bày. Giảng dạy chính là quá trình trình bày.

Đồng thời, muốn giảng dạy hay, người nghiên cứu nên dạy thứ mà chính bản thân đúc kết, tìm ra, thay vì chỉ lặp lại kiến thức đã được tìm ra "hàng chục năm trước". "Lời dạy chỉ là lặp lại kiến thức của người khác là lời nói không có sức sống". Ngược lại, nghiên cứu mà không có giảng dạy cũng chỉ là kiến thức chết. Chính vì thế cần đan xen nghiên cứu và truyền đạt.

Riêng mảng công nghệ, giảng dạy và học càng có ý nghĩa hơn vì công nghệ thay đổi từng ngày, cần chủ động cập nhật để đi cùng cơn sóng. "Nếu không trau dồi kiến thức, kỹ năng qua quá trình học thì sẽ bị thay thế".

Chính vì thế, để giúp cho chính mình và đồng nghiệp vững vàng hơn trong thời đại số, Đặng Khánh Hưng, theo một cách đặc biệt và không lường trước, lại "nối nghiệp" bố mẹ mình.

Hà An

Ý kiến

()