Theo Mashable, nước chủ nhà Hàn Quốc sử dụng công nghệ mạng 5G để kết nối với hệ thống tự vệ xịt khí gas, tạo tiếng hổ gầm và cảnh báo khác nhằm xua đuổi lợn rừng ngăn chúng bén mảng tới khu vực đồi núi nơi diễn ra các hoạt động tranh tài của Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018.
Lãnh đạo hãng KT Corp đang giới thiệu dịch vụ 5G tại Thế vận hội mùa đông. Ảnh: Yonhap. |
Còn tại sự kiện chính, 5G được dùng cho các chuyến tàu không chở người, camera 360 độ bên trên không trung nhằm chụp ảnh vận động viên trượt tuyết.
Olympic mùa Đông 2018 là Thế vận hội đầu tiên nước chủ nhà Hàn Quốc đưa công nghệ mạng di động 5G vào phủ sóng tại toàn bộ điểm thi đấu. Các kỹ sư nhà mạng KT Corp đã sử dụng công nghệ của Intel Ericsson AB và Samsung Electronics cho mạng 5G mà họ đang thử nghiệm.
Mạng 5G được phủ sóng từ sân bay đến trung tâm báo chí, các địa điểm thi đấu của Thế vận hội. Công nghệ này đã mang tới nhiều trải nghiệm thú vị cho khán giả và các vận động viên như: chụp ảnh ba chiều, trải nghiệm thực tế ảo. Ngoài ra, khán giả còn theo dõi được phần thi đấu của các vận động viên một cách sống động.
Ban tổ chức kỳ vọng các vận động viên cũng như người hâm mộ có thể tận hưởng Thế vận hội mùa Đông một cách trọn vẹn nhất với những trải nghiệm tuyệt vời về mặt công nghệ. Hơn thế nữa, đây cũng là một cách rất tốt để nước chủ nhà Hàn Quốc có thể giới thiệu sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật với bạn bè quốc tế.
Các vận động viện trượt tuyết sẽ không bị làm phiền bởi những chú lợn rừng nhờ công nghệ 5G. Ảnh: AFP. |
Sau sự kiện này, công nghệ sẽ được thu hồi để nhà phát triển phân tích số liệu nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu. Theo kế hoạch, 5G sẽ được các nhà mạng Hàn Quốc triển khai trong năm tới. SK Telecom Co., Ltd. và KT Corp đang cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp dịch vụ mạng 5G thương mại đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 2019.
5G có tốc độ thiết kế cao gấp 100 lần mạng 4G. Với tốc độ truyền dữ liệu tới 10 Gbps, 5G có thể gửi đi bộ phim FHD chỉ trong vài giây. Mạng di động thế hệ mới này cũng tạo tiền đề phát triển IoT giúp kết nối vạn vật, từ tủ lạnh tới đèn giao thông, xích chó… đều có thể “nói chuyện” với nhau.
Cạnh đó, 5G còn có nhiều khả năng khác đang được thử nghiệm, trong đó có phát triển trí tuệ nhân tạo, thiết bị bay không người lái, xe tự hành, robot và máy móc có thể truyền dữ liệu lớn theo thời gian thực.
Các dịch vụ mạng 5G được dự đoán thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc trong năm 2019 và dần mở rộng ra toàn cầu. Thị trường dịch vụ 5G toàn cầu được dự đoán đạt 791 tỷ USD vào năm 2025, so với mức 37,8 tỷ USD trong năm 2020.
Một số nhà sản xuất điện thoại thông minh đang chạy đua cho ra mắt sản phẩm gắn mác 5G vào năm 2019. Trong số đó bao gồm HTC, LG, Sony và Oppo,... những hãng đầu tiên áp dụng mô hình Snapdragon X50 cực nhanh của Qualcomm.
>> Gã khổng lồ viễn thông mở ngân hàng số đầu tiên tại Ấn Độ
Chi Vy
Ý kiến
()