Chúng ta

SMAC tạo cơ hội bình đẳng cho các quốc gia

Chủ nhật, 18/10/2015 | 17:10 GMT+7

"Thực tế, Việt Nam không cách biệt quá xa với các nước khác. Sự ra đời của công nghệ mới như SMAC đem lại lợi thế vô cùng lớn so với quá khứ mà FPT đã nắm bắt được, đó là được sống trong môi trường công nghệ để sáng tạo, và đón nhận cơ hội ngang nhau", Giám đốc Công nghệ FPT Software Lê Hồng Việt chia sẻ trong buổi tọa đàm SMAC Challenge Open Cam, diễn ra sáng ngày 18/10 tại ĐH FPT, Hòa Lạc.

Khép lại chương trình teambuilding ở Hà Nội với sự tham gia của 26 đội, BTC cuộc thi SMAC Challenge 2015 đã mời Phó Ban Công nghệ FPT (FTI) Nguyễn Ngọc Minh, anh Lê Hồng Việt và chuyên gia Nguyễn Minh Đức làm diễn giả cho buổi nói chuyện về SMAC.

Chia sẻ tại sự kiện, anh Việt chỉ ra vai trò và sự ảnh hưởng của CNTT đối với thế giới. Theo đó, nó đã mang đến cơ hội dẫn đầu cho nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hà Quốc, Ấn Độ... Sự nắm bắt xu hướng đúng thời điểm đã đưa những nước này giữ vị trí tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều kể từ khi phát triển công nghệ bán dẫn. Ấn Độ đã 'thâu tóm' nền IT của thế giới nhờ tận dụng cơ hội của Y2K. Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên với điện thoại Samsung hay LG, đến cả các sản phẩm của Apple, phần lớn linh kiện điện tử của hãng này cũng đến từ xứ sở Kim chi.

"Nắm bắt được những xu hướng công nghệ mới thì khả năng chúng ta trở thành tỷ phú như Bill Gates hay xây dựng được một đế chế như Samsung là điều hoàn toàn có thể xảy ra", anh Việt nhấn mạnh.

DSC-0505-JPG-1540-1445156741.jpg

CTO FPT Software chia sẻ về việc SMAC tạo cơ hội bình đẳng cho các quốc gia. 

"Làm sao để nắm bắt được các xu thế công nghệ mới?" - Việt Nam nói chung, FPT nói riêng hay nhiều doanh nghiệp toàn cầu cũng đã đi tìm đáp án cho câu hỏi lớn này.

Trên thế giới, CNTT đang có bước chuyển dịch lớn mạnh đến mức, mỗi cá nhân là một trung tâm. Do đó, định hướng chung của các doanh nghiệp là tập trung vào các mảng trọng yếu, gắn liền với thay đổi công nghệ, như smartphone, robot... Ba hướng đi cần khai thác triệt để trong thời đại này là tự động hóa, smart (thông minh) và cá nhân hóa. 

Hiện tại, FPT đang đi theo hai hướng chính là B2B (cùng sáng tạo, cùng làm với khách hàng) và B2C (cung cấp dịch vụ đến người dùng), nhằm cố gắng tạo ra một hệ sinh thái của riêng mình, mặc dù đây là việc không hề đơn giản, kể cả với những tên tuổi lớn trên thế giới.

"FPT sở hữu nhiều tài sản quan trọng như người dùng, cơ sở hạ tầng. Tập đoàn đang trong quá trình đưa những sản phẩm đó thành giá trị cốt lõi. Một hệ sinh thái quảng cáo, nội dung như FPT Play, Nhạc số... đã bắt đầu được hình thành. Vấn đề sẽ được công ty đẩy mạnh trong thời gian tới", Giám đốc công nghệ FPT Software chia sẻ.

Sự thay đổi của CNTT đã rút ngắn vòng đời của một công ty công nghệ. Chu kỳ hình thành và mất đi của một doanh nghiệp trong mảng này chỉ kéo dài từ 5 tới 10 năm. Do đó, để tồn tại và phát triển, FPT buộc phải sáng tạo và tìm cách kêu gọi các nguồn lực sáng tạo từ khắp mọi nơi cùng tham gia vào sân chơi này.

Tháng 5 năm nay, Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT (FPT Ventures) ra đời nhằm khuyến khích các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong xã hội. Giúp biến những ý tưởng thành sản phẩm, những sản phẩm thành hướng kinh doanh mới chính là nhiệm vụ của quỹ này.

Phó Ban FTI Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ nhiều về các chế độ đãi ngộ cho các sinh viên trẻ khi gia nhập FPT.

Phó Ban FTI Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ nhiều về chế độ đãi ngộ cho các sinh viên trẻ khi gia nhập FPT.

Theo  Phó Ban Công nghệ FPT (FTI) Nguyễn Ngọc Minh, FPT Ventures có nhiều chính sách hỗ trợ đối với sinh viên. Mục tiêu của quỹ là đầu tư vào những giải pháp tiềm năng, phù hợp với hệ thống cốt lõi (core-system) của FPT. Hiện, tập đoàn đã liên kết với Đại học Bách khoa trong việc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên từ cơ sở hạ tầng, vốn, tư vấn công nghệ... Nếu thành công, mô hình này sẽ được mở rộng ra các trường khác.

Anh Minh cho rằng, nếu không tham gia khởi nghiệp cùng FPT, một con đường khác dẫn đến thành công cho các bạn trẻ chính là trở thành cán bộ công nghệ của tập đoàn với mức thu nhập tối thiếu 500 triệu đồng/năm.

Trả lời câu hỏi của sinh viên về "lộ trình" từ một lập trình viên trở thành một cán bộ công nghệ được xếp hạng, anh Việt cho hay, ngoài những kiến thức chuyên môn vững vàng, cán bộ công nghệ còn phải là người có tầm nhìn rộng và chuyên sâu. Nhưng quan trọng nhất vẫn là trình độ của cá nhân so với mặt bằng xung quanh và mặt bằng thế giới.

DSC-0538-JPG-9419-1445156742.jpg

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức nói về bảo mật.

Liên quan đến việc ứng dụng SMAC vào triển khai các sản phẩm, anh Nguyễn Minh Đức, FTI, đã giới thiệu về giải pháp của FPT sử dụng Big Data để phát hiện mã độc. Theo anh, một trong những nghịch lý tồn tại nhiều năm nay là hacker chỉ mất vài ngày để tấn công, trong khi các doanh nghiệp mất nhiều thời gian để phát hiện. Các phần mềm diệt virus luôn đi sau, bởi vậy, bài toán phát triển giải pháp phát hiện sớm nhất các mã độc đã được FPT thực hiện và đang được ứng dụng thử nghiệm tại nhiều doanh nghiệp lớn.

Trong phần giao lưu, các diễn giả cũng đã giải đáp thắc mắc của sinh viên về vấn đề bảo mật, khởi nghiệp, cũng như cơ hội khi làm việc tại FPT. Dương Kim Ngọc, thành viên đội We are Closer, ĐH Công nghệ, nhận xét: "Phần chia sẻ của các diễn giả rất hay và nhiều kiến thức mới, giúp em định hình được cách triển khai ý tưởng thực tế. Ngoài những nội dung về SMAC, em thích phần chia sẻ về bảo mật thông tin vì có nhiều kiến thức khá mới mẻ".

Trước đó, các thí sinh đã được tham gia nhiều hoạt động teambuilding như giới thiệu về FPT, chơi trò chơi, biểu diễn thời trang...  nhằm giúp thí sinh hiểu rõ hơn về cuộc thi. Sau Hà Nội, tại TP HCM cũng sẽ có chương trình team building “Open SMAC Challenge Bắc Nam” tổ chức vào các 24-25/10, nhằm giúp thí sinh hiểu rõ hơn về cuộc thi. 

Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, SMAC Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt giá trị lớn, cuộc thi còn mang đến nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư cho các ứng viên.

Các thí sinh đánh giá cao chương trình ở khâu tổ chức và các hoạt động nhắm kết nối đồng đội.

Các thí sinh đánh giá cao chương trình ở khâu tổ chức và những hoạt động nhằm kết nối đồng đội.

SMAC Challenge là cuộc thi viết ứng dụng công nghệ thường niên, dành cho các bạn trẻ, do Tập đoàn FPT tổ chức. Sau 2 năm, cuộc thi thu hút được hàng nghìn thanh niên trên địa bàn Hà Nội tham gia. Năm 2015, FPT mở rộng phạm vi cuộc thi ra toàn quốc. Cuộc thi được tài trợ bởi Công ty HP Việt Nam (tài trợ Bạc) và Công ty Asus Việt Nam (tài trợ Đồng).

Năm 2014, đội FU-Agile (ĐH FPT) đã giành giải nhất SMAC Challenge. Trước đó, năm 2013, đội SRC PTIT đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông đã trở thành nhà vô địch của SMAC Challenge mùa đầu tiên.

Thanh Nga

Ý kiến

()