Đội Sophia đến với Cuộc đua số gồm 4 thành viên Nguyễn Dương Hoàng Duy, Lê Thị Phương Ngân, Ngô Đức Quang cùng đến từ khoa Công nghệ phần mềm, Hồ Ngọc Vượng đến từ khoa Kỹ thuật máy tính, ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM.
Cùng là cộng tác viên Ban học tập của Khoa Công nghệ phần mềm nên 4 thành viên quen biết nhau. "Lý do chính tụi em biết nhau là do “hên xui”, nhưng sau đó thấy hợp nhau. Thiết nghĩ không gặp các bạn thì sẽ không phải khổ như bây giờ", Phương Ngân hài hước chia sẻ.
Các thành viên Sophia đều là sinh viên năm 2. |
Từ những ngày đầu Cuộc đua số chiêu mộ thí sinh, tuy mới là sinh viên năm 2 với lượng kiến thức chưa tích lũy được nhiều, các thành viên đội Sophia cũng đã không ngần ngại đăng ký tham gia. “FPT tạo cơ hội cho sinh viên được trải nghiệm công nghệ mới xe tự hành, hiện được rất nhiều hãng lớn trên thế giới như Tesla, Google, Uber… ứng dụng", Hồ Ngọc Vượng nói. Khi cuộc thi bắt đầu, đội Sophia được biết sẽ áp dụng những công nghệ mới nhất sử dụng cho xe tự hành. Đây là lĩnh vực khá mới lạ và nhóm muốn được thử sức với nó. “May mắn được vào chung kết Cuộc đua số, rất vui nhưng cũng cảm thấy áp lực”.
"Sophia là con robot cực kỳ thông minh. Tên đội thể hiện khát khao chinh phục những công nghệ mới", đội chia sẻ. Đoàn kết, hiểu rõ, nhường nhịn và lắng nghe ý kiến của nhau là nguyên tắc làm việc của nhóm. Trong nhóm, người mạnh về phần cứng, người mạnh phần mềm sẽ tương hỗ, bù đắp điểm yếu cho nhau.
Sophia trước giờ G bán kết Cuộc đua số tối ngày 31/3, diễn ra tại Nhà thi đấu ĐH Bách Khoa, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Nguyên Văn. |
Ở vòng sơ khảo, nhóm thừa nhận hoàn toàn không biết gì về công nghệ xe tự hành, nhưng đã đi thi rồi thì cũng quyết một phen. Sau khi lọt tiếp vào vòng trong, các thành viên hẹn nhau ra quán cà phê để học tập và thảo luận. Vừa học vừa tham gia Cuộc đua số, đội Sophia tận dụng mọi thời gian rảnh ngoài giờ lên lớp để cùng nhau ôn luyện, từ sáng đến tối, thứ Bảy hay Chủ nhật. Có những lần bất đồng ý kiến, muốn “giải tán” nhưng rồi lại cố gắng quay lại làm hòa.
Cả nhóm Sophia nhớ lại khoảng thời gian khó khăn nhất, là khi tập ở điều kiện ngoài trời không có mái che, dù có phơi nắng, đội vẫn miệt mài tập vì đã quyết định làm thì phải làm tới cùng. “Vượt qua được khoảng thời gian đó thật đáng quý”, đội trưởng Nguyễn Dương Hoàng Duy nói.
Cũng không thể quên giây phút sau bao nhiêu lần bế tắc, nhóm đã có thể lần đầu tiên biên dịch thành công mã nguồn để xe lăn bánh, niềm vui không thể tả xiết.
Hành trình của đội Sophia còn là những ngày đứng giữa cái nắng buổi trưa để cho xe chạy ở vòng số 8, cùng nhau làm thảm cho xe chạy từ tấm vải dù xanh bóng, là những lúc mải mê làm mà quên mất thời gian, quên cả bữa ăn nên dùng vội mì gói để làm tiếp, là những đêm thức cùng nhau để tập xe đến 2-3h sáng vào những ngày cuối cùng trước khi thi.
“Đội em đều là sinh viên năm 2, chủ yếu học về phần mềm nên gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp cận chiếc xe với nhiều trang bị module phần cứng”, nhóm chia sẻ về khó khăn gặp phải."Thời điểm khi chỉ còn một tuần nữa là đến ngày thi, trong khi xe chỉ mới chạy được đoạn đường thẳng, nhóm rất nản lòng. Vào lúc đó, những người bạn, người thầy bên cạnh đã có mặt để giúp đỡ chúng em, tiếp thêm động lực để đội tiếp tục cố gắng”, đội trưởng Sophia trải lòng.
Nhóm đánh giá cuộc thi đã mang đến cho đội Sophia rất nhiều giá trị. “Cuộc thi không chỉ giúp chúng em có cơ hội tìm hiểu kiến thức trong lĩnh vực mới này mà còn rèn luyện tính kiên nhẫn, tinh thần đồng đội, kỹ năng ứng xử và giải quyết tình huống”.
Với sức trẻ, sự chăm chỉ và nỗ lực, nhóm Sophia cùng 7 đội thi khác chuẩn bị bước vào chung kết Cuộc đua số diễn ra tại Nhà thi đấu Quận Tây Hồ, Hà Nội, từ 19h30 ngày 17/5.
Công nghệ xe tự hành là một trong những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay, thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn trên thế giới như Google, Tesla, Uber… đã được lựa chọn làm chủ đề của Cuộc đua số, do Tập đoàn FPT tổ chức, với sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tham dự Cuộc đua số, các thí sinh được cung cấp mô hình xe tự hành có tỷ lệ bằng 1/10 kích thước xe thật, các thuật toán cơ bản giúp xe chạy được trên địa hình đường cong, tránh được vật cản… để các đội tập luyện. Ngoài ra, các thí sinh cũng được các chuyên gia về công nghệ xử lý ảnh, robotic, tự động hóa của FPT đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết. Ngày 17/5 tại nhà thi đấu Quận Tây Hồ, Hà Nội, 8 đội thi đến từ 6 trường đại học trên cả nước (Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH FPT, ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH CNTT - ĐHQG TP HCM) sẽ bước vào thi đấu trận chung kết Cuộc đua số 2017-2018. |
Xuân Phương
Ý kiến
()