“Tự vận hành là một trong những công nghệ còn khá mới mẻ ở Việt Nam và trên thế giới, nên với sinh viên là một thách thức lớn, vì chỉ có kỹ năng chứ chưa có kinh nghiệm. Nhưng với sự đam mê, sẵn sàng học hỏi và tinh thần lạc quan, các em nhanh chóng nắm bắt được công nghệ mới”, ông Quách Công Hoàng, giảng viên ĐH Công nghệ Hà Nội, hướng dẫn nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để dự thi Cuộc đua số vòng chung kết toàn quốc. |
Ông Hoàng cũng cho biết những sản phẩm này nếu được nghiên cứu sâu hơn và hoàn thiện có thể sẽ thay thế được nhiều công việc của con người như: tham gia giám sát việc bán hàng ở siêu thị, làm xe hàng tự động vận chuyển trong kho…
Chủ nhân của sản phẩm này là 4 bạn trẻ đều ở tuổi 21, gồm: Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Minh Tuấn, Trần Anh Dũng.
Nhóm sinh viên đã sử dụng các kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo để cho xe di chuyển với tốc độ cao nhất, xác định và tránh được vật cản xuất hiện trên đường; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái, rẽ phải…
Sản phẩm của nhóm đã vượt qua 14 đội thi khác trên toàn quốc để lọt vào chung kết cùng 3 đội, sẽ đua tài trong tháng 5 tới, với tên đội thi là UET Fastest.
Tùng cũng cho biết ngay từ nhỏ đã đam mê nghiên cứu, khám phá. Có lẽ, chính điều này đã giúp cậu được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về công nghệ. Đặc biệt, năm 2016, Tùng đại diện cho ĐH Công nghệ Hà Nội sang Nhật dự cuộc thi PROCON và đoạt giải nhất.
Các thành viên khác trong nhóm nghiên cứu cũng là những gương mặt sáng giá trong làng công nghệ: Nguyễn Minh Châu đoạt giải ba quốc gia môn tin học (năm 2015), giải nhì cuộc thi PROCON; Nguyễn Minh Tuấn đoạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tin học…
Nói về việc tham gia nghiên cứu sản phẩm này, Tùng chia sẻ: “Em được thỏa mãn niềm đam mê lập trình và đã học hỏi thêm nhiều kiến thức khác ngoài lập trình. Em mong muốn có thể làm được xe tự hành trong thực tế và những sản phẩm có ích cho xã hội”.
Còn Nguyễn Minh Tuấn cho biết mọi chặng đường đến với cuộc thi đều là những trải nghiệm quý giá đối với bản thân và mong muốn sau này sẽ làm ra những phần mềm tự động để phục vụ cuộc sống.
Chia sẻ về triển vọng của các sản phẩm, anh Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT, cho rằng tự vận hành là một trong những công nghệ trọng tâm mà FPT đang tập trung đầu tư phát triển. Hiện tại, tập đoàn đang triển khai một số dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và ngành thiết kế, phân tích cơ khí và cung cấp dịch vụ phần mềm liên quan tới ô tô (automotive) nói chung cho khoảng 40 khách hàng lớn trên toàn cầu.
"Đây là một lĩnh vực mới nên nguồn nhân lực cho mảng việc automotive nói chung và xe tự hành còn đang thiếu cả ở Việt Nam và trên thế giới. Trong năm 2018, chúng tôi đang cần tuyển khoảng 500 kỹ sư lập trình cho các công việc liên quan đến automotive. Thông qua Cuộc đua số, chúng tôi mong muốn không chỉ giúp sinh viên được nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tự hành mà còn đưa trí tuệ Việt Nam vào các sản phẩm tiên tiến nhất trên thế giới”, anh Việt nhấn mạnh.
>> Đà Nẵng toàn thắng tại bán kết Cuộc đua số
Vũ Thơ
Ý kiến
()