Chúng ta

Người F thỏa đam mê nghiên cứu khoa học với FAIC 2021

Thứ sáu, 5/2/2021 | 15:38 GMT+7

FPT AI Conference (FAIC) quy tụ những gương mặt quen thuộc trong giới nghiên cứu khoa học FPT, hứa hẹn mang đến cho họ cơ hội giao lưu và góp phần thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu khoa học tại nhà F.

Theo dự kiến, chỉ còn đúng một tháng nữa, hội thảo chuyên sâu về AI đầu tiên của FPT sẽ diễn ra. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban tổ chức đã nhận được 57 bài nghiên cứu từ 7 đơn vị. Trong đó, FPT Education và FPT Software thể hiện tinh thần nghiên cứu khoa học (NCKH) mạnh mẽ khi dẫn đầu với lần lượt 25 và 23 bài.

Người đang giữ kỷ lục gửi nhiều bài khoa học nhất cho FAIC 2021 là anh Lương Hoàng Hướng (FPT Education). “Có bài mình thực hiện trong hai tuần, nhưng cũng có bài mình thực hiện trong hơn một tháng”, giảng viên IT tại Đại học FPT Cần Thơ chia sẻ. Anh Hướng tiết lộ, thời gian “biên” bài khoa học của anh phụ thuộc vào dữ liệu đang có. Ngoài ra, những phương pháp dự tính ban đầu đôi khi không đem đến kết quả tốt cũng lấy của anh Hướng kha khá thời gian khi buộc phải làm lại với phương pháp khác.

Các bài nghiên cứu mà anh gửi về FAIC tập trung vào ứng dụng AI trong xử lý ảnh qua vệ tinh, và chẩn đoán bệnh viêm ruột dựa trên dữ liệu về vi khuẩn đang có trong ruột. “Có nghiên cứu nằm trong dự án hợp tác giữa các đại học, cũng có nghiên cứu mình thấy nếu làm tốt và được sự hỗ trợ từ bệnh viện sẽ giúp ích rất nhiều trong cung cấp một kênh tham khảo để bác sĩ ra quyết định về chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân hoặc có thể giúp đẩy nhanh tiến độ của công tác này”, Lương Hoàng Hướng chia sẻ về lý do lựa chọn đề tài.

rsz-lhh-2462-1612513804.jpg

Lương Hoàng Hướng tâm sự, mỗi bài báo được ghi nhận là một lần anh được tiếp thêm động lực để NCKH.

Anh Hướng kể, những năm trước anh cũng thường “lai rai” mỗi năm gửi vài bài đến các hội thảo khoa học. Nhưng từ cuối năm 2019 khi về ĐH FPT Cần Thơ làm việc, được sự hỗ trợ từ lãnh đạo trường và bộ môn, anh đã gửi khá nhiều bài báo. Riêng trong năm 2020, Lương Hoàng Hướng và cộng sự đã có hơn 15 bài khoa học được đăng trên tạp chí hoặc hội thảo quốc tế ISI/Scopus. Lần “hào hứng” nhất, anh gửi cùng lúc tận 4 bài cho hội thảo ICMLSC 2020. 

Đến với FAIC 2021, anh Hướng đứng tên trong 5 bài nghiên cứu. Anh cho rằng hội thảo sẽ mang lại dịp gặp gỡ các nhà nghiên cứu khác để trao đổi cơ hội hợp tác với họ và mở rộng kiến thức. “Đặc biệt là các nhà nghiên cứu từ FPT Software, bởi họ trực tiếp làm nghiên cứu cho các dự án thực tế và hiểu rõ thị trường đang cần gì”, Trưởng môn An toàn an ninh thông tin ĐH FPT Cần Thơ nhấn mạnh.

Không “kém cạnh” Lương Hoàng Hướng, anh Phạm Trí Công (FPT Software) có 4 bài khoa học gửi về FAIC 2021. Đề tài mà anh Công theo đuổi tập trung ở cách thức sàng lọc và chẩn đoán ung thư càng sớm càng tốt, giúp người bệnh kéo dài sự sống. “Đây là vấn đề tôi cực kỳ quan tâm từ rất lâu, và các bài khoa học này cũng được đúc kết từ rất nhiều năm nghiên cứu”, anh cho biết.

Chủ sản phẩm akaMedic - sàng lọc sớm ung thư dựa vào ảnh siêu âm - đã “quen mặt” ở nhiều hội thảo trong nước và quốc tế. Anh chia sẻ mình đã quan tâm đến NCKH từ khi mới tốt nghiệp đại học, nhưng lúc đó “chưa nghĩ nghiên cứu sâu sẽ giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn”. 

Niềm cảm hứng thực sự đến với anh khi một người bạn phổ thông là Trần Đình Phong nhận được giải thưởng danh giá về NCKH và hiện trở thành một trong những nhà nghiên cứu xuất sắc, uy tín của cộng đồng khoa học. Đi theo con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, anh Công mong muốn sự tham gia của mình tại FAIC 2021 sẽ góp phần thúc đẩy việc NCKH trong FPT Software và trong toàn nhà F.

Chuyên gia AI - Tiến sĩ Phạm Ngọc Giao (FPT Software) cũng có 4 bài khoa học gửi về FAIC 2021. Đây đều là những nghiên cứu tâm huyết của anh thực hiện với các cộng sự Nguyễn Mạnh Tùng, Lý Công Thái ở đơn vị FHN.JITS và các sinh viên ở Đại học FPT. 

Tất cả đề tài nghiên cứu của anh Giao tại FAIC-2021 đều liên quan đến việc ứng dụng Học sâu (Deep Learning). Có công trình tốn đến 4 tháng mày mò nghiên cứu của anh cùng các chiến hữu.

rsz-20191022-173358-5896-1612513804.jpg

TS. Phạm Ngọc Giao cùng Giáo sư Ki-Ryong Kwon, Đại học quốc gia Pukyong (Hàn Quốc).

Thường xuyên gửi bài tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, anh từng đạt giải “Công trình khoa học xuất sắc nhất” khi tham gia MITA-2019 được tổ chức ở TP HCM với tư cách là thành viên của nhà Phần mềm. TS. Phạm Ngọc Giao cũng thường xuyên có bài báo trên các tạp chí quốc tế nằm trong danh sách ISI và Scopus. Trong năm 2020, anh đã xuất bản 8 công trình với tư cách là tác giả đầu. 

Giảng viên thỉnh giảng ĐH FPT thể hiện sự tin tưởng vào định hướng tương lai của FPT là chú trọng vào AI, mà FAIC-2021 là một sự kiện tiêu biểu. “Đây là xu hướng thế giới, xã hội, và FPT không đứng ngoài cuộc”, anh Giao khẳng định.

Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Bùi Thế Việt (FPT Education) cũng nằm trong số những người gửi nhiều nghiên cứu nhất về cho FAIC 2021 với 4 bài. Chàng trai sinh năm 1997 hiện vừa đi học vừa làm nghiên cứu phát triển sản phẩm cho FPT Smart Cloud.

“Việc có nhiều bài là do bản thân mình thích nghiên cứu và tìm hiểu”, Việt nói. Từ khi đồ án tại ĐH FPT của Việt trở thành bài nghiên cứu được công nhận tại một hội nghị tại Australia, Việt bắt đầu niềm đam mê với NCKH. Cậu cũng đã có nhiều bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.

Đánh giá FAIC 2021 là sân chơi quan trọng cho cộng đồng khoa học nhà F, Bùi Thế Việt chia sẻ đây là cơ hội rất tốt để người yêu NCKH được thỏa mong muốn của mình. “Đối với mỗi người làm khoa học, chuyên gia công nghệ, việc quan trọng nhất là công trình nghiên cứu của mình được công nhận bằng bài đăng trên các tạp chí khoa học; được lãnh đạo ghi nhận và được đồng nghiệp đóng góp ý kiến”.

>> Số hóa giấy tờ chỉ trong 1 giây với FPT.AI Reader

Hoa Hạ

Ảnh: NVCC 

Ý kiến

()