Theo anh Linh, bí quyết là người Nhật có sự tập trung cao độ khi làm việc. “Đã vào văn phòng là chỉ có làm việc. Thậm chí họ không dùng điện thoại trong giờ làm”, anh Linh nói. “Người Nhật code (lập trình) xong có thể chạy luôn sản phẩm/ứng dụng chứ không chờ kiểm thử (test). Trong khi các lập trình viên Việt Nam có tâm lý ỷ lại đồng nghiệp test, nếu có lỗi (bug) mới sửa”.
Anh Trịnh Trúc Linh (giữa) cho rằng, lập trình viên Nhật Bản có khoảng cách rất xa so với các đồng nghiệp Việt Nam. |
Từng onsite cho một khách hàng lớn của Nhật rồi sau đó làm quản lý các đơn vị thực hiện dự án cho xứ xở hoa anh đào, anh Linh cho rằng để làm được khối lượng và chất lượng như thế các lập trình viên Nhật phải về rất muộn và luôn bị áp lực căng thẳng. “Chúng ta không thể theo nổi nhưng cần tìm cách cân bằng để nâng cao năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm nếu không muốn bỏ xa thêm nữa”.
PGĐ FSU17 cho rằng cơ hội làm cho thị trường Nhật luôn rộng mở. Để đảm bảo tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, Chính phủ Nhật Bản dự báo cần tăng số lượng nhân lực nước ngoài lên gấp hai lần so với năm 2014, nghĩa là cần khoảng 60.000 người cho các dự án nâng cấp công nghệ trong các lĩnh vực ngân hàng, điện lực, chuyển đổi công nghệ theo xu hướng công nghệ Mobility, Cloud... Nhật Bản cũng đang cần nhiều nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển phần mềm.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế công thương Nhật Bản (METI), đến năm 2020, Nhật Bản thiếu khoảng 50.000 nhân lực CNTT. Còn theo khảo sát của Cơ quan xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA), trong 5 năm gần đây, có trên 60% doanh nghiệp Nhật khẳng định thiếu và rất thiếu nhân lực CNTT. Đặc biệt là tình trạng "rất thiếu nhân lực" CNTT đang gia tăng mạnh mẽ, nếu trong năm 2009, chỉ có 5% các doanh nghiệp Nhật Bản trả lời "rất thiếu nhân lực" CNTT thì đến năm 2013, con số này là 19%, tăng gấp gần 4 lần.
“Chúng tôi đang triển khai phần mềm về tự do buôn bán điện cho một doanh nghiệp lớn của Nhật. Riêng lĩnh vực tự do hóa điện, con số dự tính đã là 1.100 tỷ USD. Hơn thế, công nghệ này có thể sẽ sớm được áp dụng tại Việt Nam”, anh Linh chia sẻ.
Theo anh Trần Hồng Minh, điểm quan trọng của người theo đuổi con đường xây dựng ứng dụng là "Làm được, trình bày được dù chưa hoàn thiện nhưng đó là cơ hội để mở ra những tiến triển mới". |
Phần chia sẻ có chủ đề giải pháp công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội, anh Trần Hồng Minh, PGĐ Công ty Giải pháp công nghệ FPT (FTS), cho biết năm 2015 thế giới có 8 tỷ điện thoại trong đó 2 tỷ là smartphone và tạo ra 1 trilion (1 nghìn tỷ) kết nối. “90% dữ liệu của thế giới được tạo ra trong vòng 2-3 năm gần đây”.
Tại Việt Nam, vài năm gần đây FTS cũng đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để giải bài toán giao thông như: bảng quang báo nhằm hướng dẫn người dân chọn hướng lưu thông phù hợp nhất để tránh kẹt xe. Trong đó, công nghệ VMS ITIS (Variable Message Signs Integrated Traffic Information System - Bảng quang báo tích hợp hệ thống thông tin giao thông) được các kỹ sư và chuyên gia của FTS nghiên cứu và phát triển dựa trên thực tế giao thông tại Việt Nam; quản lý lưu lượng giao thông bằng camera; vé tàu điện tử; hệ thống kiểm soát và thông tin xe buýt; và sắp tới là vé xe buýt điện tử.
“Doanh nghiệp sẽ trở nên cạnh tranh hơn nhờ những bài toán mới. Giao thông Việt Nam hoàn toàn khác các nước phát triển nên gần như không thể áp dụng công nghệ của nước ngoài mà cần phát triển riêng”, anh Minh khẳng định. “Chẳng hạn mới đây một sinh viên tại TP HCM đã có phần mềm rất hữu ích và được chính quyền thành phố đưa vào triển khai”.
Sinh viên công nghệ liên tiếp đặt câu hỏi cho các diễn giả. |
“Bằng cách nào mà sinh viên ấy có thể tiếp cận nguồn dữ liệu về giao thông của thành phố”, sinh viên Trần Văn Toàn, đội AWI, ĐH CNTT, đặt câu hỏi. “Có dữ liệu luôn là việc khó, kể cả sinh viên hay doanh nghiệp”, anh Minh giải đáp. “Bạn này đã biết tận dụng những dữ liệu có sẵn như lịch trình, mật độ, thời gian… để làm sản phẩm ban đầu và gửi lên cơ quan có trách nhiệm. Nhận thấy khả năng và tâm huyết, đơn vị quản lý sẽ cung cấp những “số liệu quý” như data tức thời”.
Đến với các sinh viên tham gia SMAC Challenge, diễn giả Nguyễn Minh Đức, Trưởng dự án bảo mật, Ban Công nghệ FPT, cập nhật những thông tin mới nhất về an ninh mạng: Thiết bị đeo tay của Fitbit mới bị tấn công đặt ra bài toán về an toàn cho IoT; virus lây lan qua Youtube; hacker có thể tắt xe điện Tesla đang chạy hay dùng Twitter để lợi dụng hệ thống… "Ngay cả hãng bảo mật Kaspersky cũng bị tấn công và 5-6 tháng sau mới phát hiện ra”, chuyên gia an ninh mạng thông tin.
Anh Nguyễn Minh Đức tiết lộ FPT đang có cách làm riêng và hoàn toàn mới trong lĩnh vực an ninh mạng. |
Đứng trước những bài toán mới, anh Đức tiết lộ FPT đã áp dụng Big Data và nhiều cách làm mới để phát hiện mã độc sớm. “Nghịch lý tồn tại trong lĩnh vực an ninh mạng là hacker chỉ cần vài ngày để tấn công trong khi các doanh nghiệp lại mất rất nhiều thời gian để phát hiện và tìm ra giải pháp. FPT đang xây dựng và thử nghiệm giải pháp phát hiện sớm nhất các mã độc và đang được ứng dụng thử nghiệm tại nhiều doanh nghiệp lớn. Kết quả ban đầu rất khả quan”, anh Đức cho hay.
“Nếu hacker tấn công qua khách hàng của FPT trước rồi hack lại hệ thống thì sao”, một sinh viên đặt câu hỏi. “Nhận biết không thể an toàn 100% nên chúng tôi đã xây dựng cơ chế tự bảo vệ. Hơn thế, hệ thống của chúng tôi đang ở chế độ trong suốt và hoạt động trên đường truyền nên hacker cũng không biết cấy ‘virus’ vào đâu”, anh Đức cung cấp thêm thông tin.
Trương Ngọc Sơn, đội Smart Travel, đặt câu hỏi về việc xây dựng ứng dụng dành cho nông dân, lực lượng chiếm đa số ở Việt Nam. Theo anh Trịnh Trúc Linh, hiện có vài doanh nghiệp đang sử dụng dữ liệu và hình ảnh vệ tinh để xây dựng ứng dụng dự báo dành cho nông dân. “FPT cũng đang bắt đầu thực hiện mảng sản phẩm trong lĩnh vực này”, anh Linh cho biết.
13h30 nhưng các thành viên tham gia SMAC Open Camp vẫn chăm chú theo dõi và ghi chép. |
Một câu hỏi được phần lớn sinh viên quan tâm là nên theo ngôn ngữ lập trình nào? “Xưa tôi học Toán rồi mày mò Pascal. Về sau tôi tự học thêm các ngôn ngữ mới”, anh Linh kể. “Hiện Nhật đang chuộng Java, .Net; Automotive - công nghệ về ô tô - dùng nhiều C và Mỹ thích Java… Bạn theo ngôn ngữ nào cũng có đất dụng võ. Chỉ yêu cầu phải giỏi”.
Buổi tọa đàm trong khuôn khổ SMAC Open Camp kéo dài đến 13h30 nhưng các sinh viên vẫn chăm chú theo dõi. “Sự kiện cung cấp nhiều thông tin và góc nhìn từ các chuyên gia. Các diễn giả đã gợi ý nhiều hướng đi cho các kỹ sư tương lai”, sinh viên Phan Thị Bích Trâm, ĐH KHTN, chia sẻ.
SMAC Open Camp, với các hoạt động nhóm (teambuilding) cùng tọa đàm “Công nghệ SMAC và ứng dụng”, dành cho 21 đội chơi đến từ các trường tại TP HCM như: ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Việt Đức, ĐH FPT, ĐH Công nghệ, ĐH Sư phạm Kỹ thuật… diễn ra ngày 24/10 tại F-Town, quận 9. Trước đó, chương trình tương tự diễn ra ở Hà Nội ngày 17/10 với sự tham dự của hơn 200 thí sinh.
>> Bí quyết tiết kiệm 90% lương của lập trình viên Google
SMAC Challenge là cuộc thi viết ứng dụng công nghệ thường niên, dành cho các bạn trẻ do FPT tổ chức. Sau 2 năm, cuộc thi thu hút được hàng nghìn thanh niên trên địa bàn Hà Nội tham gia. Năm 2015, FPT mở rộng phạm vi cuộc thi ra toàn quốc. Cuộc thi được tài trợ bởi Công ty HP Việt Nam (tài trợ Bạc) và Công ty Asus Việt Nam (tài trợ Đồng). Năm 2014, đội FU-Agile (ĐH FPT) đã giành giải nhất SMAC Challenge. Trước đó, năm 2013, đội SRC PTIT đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông đã trở thành nhà vô địch của SMAC Challenge mùa đầu tiên. |
Nguyên Văn
Ý kiến
()