Giám đốc Công nghệ (CTO) tập đoàn Lê Hồng Việt và Viện trưởng Công nghệ FPT Trần Thế Trung chia sẻ về cách thức để tạo nên sự đổi mới này.
- Theo Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2014, 89,1% hồ sơ đăng ký sáng chế tại Cục là người nước ngoài, chỉ có 10,9% (chưa đến 500 hồ sơ) thuộc người Việt. Anh đánh giá thế nào về tỷ lệ này?
- Lê Hồng Việt: Con số tương đối thất vọng, tuy nhiên không quá bất ngờ. Hội nhập kinh tế thế giới dẫn đến sự tham gia của các công ty công nghệ, sản xuất nước ngoài, và họ có ý thức rất cao trong việc bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình. Người Việt Nam do một phần là từ văn hoá Nho học (cho rằng kiến thức là của mọi người) và ý thức bảo vệ các quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ chưa cao, nhận thức về việc này cũng thấp.
Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt. Ảnh: Nguyên Anh. |
- Trần Thế Trung: Số liệu này có thể cho thấy doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam có chú trọng cạnh tranh bằng độc quyền sáng chế nhiều hơn, sử dụng công nghệ như là một trong các nguồn lực để tạo nên lợi thế cho sản phẩm dịch vụ.
- Chỉ số đăng ký sáng chế được coi là số đo phát triển của công ty công nghệ. Là tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam nhưng FPT có rất ít sáng chế đăng ký trong nước và chưa có sáng chế quốc tế. Theo các anh, đây là hồi chuông báo động đối với FPT?
- Lê Hồng Việt: Thực chất FPT đã và đang không ngừng sáng tạo. Chỉ là mấy năm gần đây mới bắt đầu chú trọng việc đăng ký bảo hộ. Tôi không coi việc này là báo động, chỉ khi mình đã phát động toàn bộ bộ máy đăng ký mà vẫn đi xuống thì mới là vấn đề.
- Trần Thế Trung: Độc quyền công nghệ là nguồn lực đang được xây dựng trong FPT, dù còn ít và chưa đưa vào sử dụng nhiều trong kinh doanh. Việc mở rộng thêm các mô hình kinh doanh có sử dụng độc quyền công nghệ như là một trong những nguồn lực duy trì phát triển và cạnh tranh của các đơn vị cần phải là một ưu tiên tại FPT. Chỉ khi có các hoạt động kinh doanh dựa vào độc quyền công nghệ, FPT mới có động lực mạnh để tích lũy tài sản trí tuệ về độc quyền công nghệ.
"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" đang diễn ra là một cơ hội cho FPT lướt sóng bằng công nghệ.
- Năm 2012, FPT ban hành chính sách trích 5% lợi nhuận trước thuế cho R&D. Các năm qua, chính sách này được thực hiện ra sao?
- Lê Hồng Việt: Hiện tại, các công ty thành viên đều có lực lượng R&D đông đảo, liên tục đưa ra các sản phẩm mới. Quỹ được sử dụng để đầu tư cho các dự án và khởi nghiệp (start-up) mới.
- Làm thế nào để thúc đẩy R&D trong thời gian tới?
- Lê Hồng Việt: Phát động tinh thần toàn dân sáng tạo, sử dụng hiệu quả các quỹ khởi nghiệp, mô hình Thành Cát Tư Hãn để đầu tư cho những sáng tạo đột phá về mô hình kinh doanh. Các công ty thành viên cần chú trọng hơn nữa đến quản lý Đề xuất cải tiến (Improvement Proposal - IP) nâng cao các hoạt động hiện tại. Sáng tạo không phải chỉ là đưa ra cái mới, làm cái mới, mà là cần cải tổ những thứ hiện hành theo xu hướng tích cực hơn.
- Trần Thế Trung: FPT đã và đang hỗ trợ các đơn vị trong việc đăng ký sáng chế cho các sáng tạo công nghệ nảy sinh trong quá trình hoạt động. Tôi mong muốn FPT sẽ tổ chức hoạt động đào tạo cho các chuyên gia về cách thức để sáng tạo hiệu quả ra các công nghệ có tiềm năng đăng ký độc quyền, cũng như chia sẻ mô hình thành công ở FPT Telecom để nhân rộng cho các đơn vị khác.
- FPT hay các đơn vị thành viên có cơ chế trao đổi nào để sử dụng hữu hiệu nhất những sáng tạo của đồng nghiệp?
- Lê Hồng Việt: Một số công ty thành viên có sử dụng mô hình này. FPT Software chạy chương trình IP nhiều năm nay, đã xây dựng các cơ chế, quy trình và ngân sách để thực hiện. Việc này có thể làm ở mức tập đoàn, có thể thông qua những chương trình như mỗi ngày một ý tưởng, từ lượng sẽ đổi thành chất.
- Trần Thế Trung: Các nhóm như "Ngành dọc Công nghệ" trong FPT Facebook at work là nơi giúp cán bộ công nghệ chia sẻ các sáng tạo. CTO đơn vị cũng luôn cập nhật về các sáng tạo trong đơn vị mình và chia sẻ cho công ty khác thông qua các buổi họp định kỳ của Hội đồng Công nghệ FPT.
- Anh Nguyễn Thành Nam (Hiệu trưởng ĐH FUNiX) cho rằng FPT cứ phải có thật nhiều sáng chế, còn việc sử dụng như thế nào tính sau. Quan điểm của anh về việc này thế nào?
- Lê Hồng Việt: Từ góc độ tạo xu hướng và ý thức, tôi hoàn toàn đồng ý với anh Nam. Tuy nhiên, từ góc độ người quản lý R&D, chúng tôi đang ưu tiên nguồn lực cho những sáng tạo (không chỉ là patent) liên quan đến các hướng đi chiến lược.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT Trần Thế Trung, người đã đăng ký thành công Bằng sáng chế đầu tiên của tập đoàn. Công trình mới nhất của anh Trung là 5 sáng chế độc quyền về máy in 3D. Ảnh: Lâm Thao. |
- Trần Thế Trung: Tôi cùng quan điểm với anh Nam. Chiến lược phát triển và sử dụng nguồn tài sản trí tuệ ở dạng độc quyền công nghệ theo tôi có hai bước. Một là, hình thành cơ chế để sản sinh ra độc quyền công nghệ một cách đều đặn thường xuyên, từ hoạt động kinh doanh và phát triển hằng ngày của đơn vị. Hai là, khi số lượng các độc quyền công nghệ đạt ngưỡng nhất định, khai thác chúng cho nhiều mục tiêu: Kinh doanh, mua bán và sáp nhập, đưa vào thành giá trị cốt lõi của các sản phẩm và dịch vụ, gây ảnh hưởng đến cộng đồng công nghệ.
Khi chưa tích lũy được độc quyền công nghệ, trước mắt tập trung vào bước một.
- Dường như FPT mới chỉ có KPI “kiếm tiền” chứ chưa có KPI sáng tạo. Tập đoàn cần hành động như thế nào để khuyến khích CBNV sáng tạo?
- Lê Hồng Việt: Thực ra KPI “kiếm tiền” cũng phản ánh khá nhiều việc sáng tạo. Hiện tại, chúng ta có KPI cho doanh thu từ những dịch vụ và sản phẩm mới, thực chất KPI này gián tiếp phản ánh bức tranh sáng tạo. Các công ty con đều có KPI liên quan đến sản phẩm và dịch vụ, thậm chí patent mới. Cái cần làm bây giờ là đưa ra được những chỉ tiêu phù hợp và phản ánh thực chất quá trình làm R&D tại các công ty thành viên.
- Trần Thế Trung: FPT đã áp dụng Thẻ điểm cân bằng (BSC). Tôi nghĩ đây là công cụ tốt để đưa các chỉ tiêu liên quan đến khuyến khích sáng tạo công nghệ trong cán bộ và tích lũy tài sản độc quyền công nghệ cho công ty, mở ra hướng sản phẩm dịch vụ mới, thị trường mới dựa trên độc quyền này.
FPT hiện có 7 Bằng độc quyền sáng chế, gồm: 5 sáng chế về máy in ba chiều; sáng chế “Chuỗi các cánh diều có cơ cấu bám dây tự động và hệ thống chuỗi diều thu năng lượng gió” và “Hệ thống nhận biết trạng thái các ngón tay di chuyển và nhấn trên vùng không gian ảo giới hạn”. |
Nguyên Văn thực hiện
Ý kiến
()