Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của thành phố.
Công tác phối hợp và chia sẻ CSDL dân cư với các Sở, ban, ngành của thành phố cũng đã được triển khai tích cực. Đến nay, Công an Hà Nội đã nghiên cứu việc kết nối, khai thác CSDL dân cư để chia sẻ thông tin với Bảo hiểm xã hội thành phố, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục & Đào tạo, Cục Thuế, Sở Kế hoạch & Đầu tư. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng việc tăng cường liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, tổ chức, cá nhân người nộp thuế… trên địa bàn thủ đô. Trong năm nay, liên ngành Công an và Thông tin - Truyền thông Hà Nội đã ký kết quy chế khai thác CSDL dân cư với Cục Thuế, Sở Kế hoạch & Đầu tư.
Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội đang phối hợp với Công an thành phố, Sở Tài chính báo cáo UBND Thành phố về việc khai thác CSDL dân cư sang các lĩnh vực để phục vụ người dân và phục vụ công tác quản lý các điểm bán SIM, thẻ điện thoại của các doanh nghiệp viễn thông, kiểm tra xe chính chủ, đăng ký doanh nghiệp, tra cứu thông tin của ngân hàng và văn phòng công chứng.
Năm 2017, thành phố đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển khai các thành phần quan trọng xây dựng thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của thành phố; Hệ thống giao thông thông minh; Hệ thống du lịch thông minh.
Từ tháng 6, Hà Nội đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) trên hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm), với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Đến nay, có trên 130.000 lượt giao dịch đỗ xe và thanh toán thông qua ứng dụng iParking. Từ ngày 1/9, ứng dụng iParking đã được triển khai mở rộng tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và được sử dụng tại 89 điểm trông giữ phương tiện, phục vụ không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Dự kiến, đến ngày 31/12, FPT sẽ hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giao thông tích hợp, xây dựng bản đồ giao thông Hà Nội. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với FPT khảo sát lại tọa độ, danh mục cơ sở hạ tầng vận tải hành khách công cộng để thực hiện số hóa CSDL vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, xây dựng bản đồ số giao thông, cổng thông tin giao thông của thành phố.
Dự kiến, đến ngày 31/12 sẽ hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giao thông tích hợp, xây dựng bản đồ giao thông Hà Nội, cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng theo thời gian thực phục vụ công tác quản lý, điều hành, điều tiết giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước, người dân và du khách.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 484 về việc thống nhất và chỉ đạo triển khai thực hiện đề án giao thông thông minh sau buổi làm việc với Ban lãnh đạo FPT và FPT IS.
Cụ thể, để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả, đúng tiến độ và quy định đề ra, các đơn vị liên quan cần có đánh giá tổng thể hiện trạng hạ tầng hệ thống điều hành giao thông của thành phố, nêu rõ 4 nội dung: Giải pháp phần cứng; Giải pháp phần mềm; Giải pháp bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin; Đào tạo chuyển giao.
Yêu cầu của hệ thống mới là tích hợp, kế thừa hệ thống camera và thiết bị liên quan đến điều hành giao thông hiện có của Hà Nội. Ở giai đoạn 1, thành phố đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát (400 camerra tại 200 nút giao thông). Giai đoạn 2 đang chuẩn bị triển khai, tích hợp toàn bộ camera giám sát của các cơ quan Nhà nước và người dân trên địa bàn (sân bay, nhà ga, bến xe, các cơ quan hành chính, các tòa nhà trong và ngoài cơ quan hành chính...) để hỗ trợ công tác điều hành chung của thành phố.
Sau khi đưa vào vận hành, hệ thống này sẽ tích hợp 10 chức năng chính, gồm: Điều hành và giám sát giao thông; Xử lý các vụ việc liên quan tai nạn giao thông; Ghi lại hình ảnh xử lý vi phạm giao thông; Ghi lại hình ảnh tội phạm đường phố, tội phạm nơi công cộng, các hoạt động liên quan đến biểu tình và tập trung đông người; Quản lý các phương tiện giao thông công cộng như metro, xe buýt, taxi; Chức năng hướng dẫn giao thông; Tích hợp dịch vụ đỗ xe thông minh của toàn thành phố (iParking); Điều hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; Hệ thống quản lý thẻ, vé điện tử dùng chung; Hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô...
Theo anh Phạm Minh Tuấn, TGĐ FPT IS, trong số 9 thành phần, FPT đề xuất triển khai 4 hợp phần trong năm 2017, gồm: Hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông; Hệ thống thông tin giao thông; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Về phương án tài chính, FPT đề xuất, trong giai đoạn 1 (năm 2017), Hà Nội đầu tư theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin để có thể nhanh chóng hình thành nền tảng cơ bản của hệ thống giao thông thông minh. FPT chịu trách nhiệm từ đầu tư hệ thống, bảo đảm vận hành đến bảo trì, bảo dưỡng. Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến 2020, thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
>> FPT IS triển khai giải pháp Ngân hàng điện tử mới cho SHB
Hà Dương
Ý kiến
()