6 sáng tạo lọt vào chung khảo Giải thưởng Sáng tạo FPT - iKhiến số 6 gồm: Botchat FTEL’s Technical Assistant (FPT Telecom), FPT.eLearning (FPT IS), Chương trình văn hóa cho cán bộ nằm vùng (FPT Telecom), Tool Longform (FPT Online), Youtube get link tool Open Edx (ĐH trực tuyến kiểu FUNiX), Đào tạo nhạc cụ dân tộc (FPT Education).
Kỳ này, nhà Trực tuyến có hai sáng tạo đăng ký dự thi iKhiến, trong đó có sản phẩm Longform đã được lọt vào Chung khảo.
Năm 2016, một số đơn vị báo chí Việt Nam đưa ra một hình thức trình bày mới có sự kết hợp nhiều yếu tố đa phương tiện trong 1 bài báo có nội dung dài - tạm gọi là Longform.
Để hình thành một bài viết như vậy hầu hết các đơn vị sử dụng cách phối hợp giữa các bộ phần Nội dung, Hình ảnh, Đồ hoạ, Lập trình viên. Tốn nhân sự và thời gian là yếu tố đầu tiên để VnExpress quyết định xây dựng một cộng cụ đáp ứng nhu cầu thời sự của những dạng bài như vậy. Bước đầu, VnExpress sử dụng XBuilder - một mã nguồn mở giúp xây dựng bài theo hình thức kéo thả.
Anh Đặng Tiến Ngọc, tác giả Tool Longform. |
Tất cả hoạt động theo từng thành phần được định nghĩa, biên tập viên chỉ cần sử dụng theo hướng dẫn. Nhược điểm xuất hiện sau khi đưa vào sử dụng là bất tiện khi chỉnh sửa, kéo thả khó khăn, không có khả năng Undo, có khả năng mất dữ liệu khi đang soạn thảo, không tự động lưu, thời gian triển khai có khi lên tới 3 ngày...
Bài toán đưa ra nhằm giải quyết việc giảm thiểu thời gian soạn thảo của BTV xuống còn 60 phút. Muốn vậy, công cụ phải dễ dùng, thao tác đơn giản như Words, công cụ mạnh mẽ, có khả năng mở rộng theo nhu cầu không ngừng thay đổi.
Một nhóm được xây dựng bao gồm một sản phẩm, một thiết kế và ba lập trình viên để giải quyết vấn đề này. Triển khai trong vòng 3 tháng (từ cuối năm 2016) và tiếp tục phát triển, công cụ mới dù chưa thực sự hoàn hảo, vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa và tối ưu, nhưng đã giúp giảm thời gian triển khai một bài Longform xuống còn gần 60 phút. Đến nay, có gần 200 bài đã được xuất bản.
Botchat giúp giảm thời gian nhận nguyên nhân sự cố từ 10-15 phút xuống còn 1-2 phút. |
Mỗi ngày có hàng chục sự cố liên quan đến các thiết bị trong hạ tầng FPT Telecom. Tuy nhiên, đội kỹ thuật lại khá bị động khi phải đợi thông tin từ trung tâm monitor báo lỗi để tiến hành sửa chữa và kiểm tra thông tin các thiết bị đã được xử lý. Đội kỹ thuật monitor trực 24/24h nhưng nhân sự mỏng và chưa hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời, khiến anh em kỹ thuật hiện trường gặp khó khăn khi làm việc ngoài giờ hành chính bởi pop đặt tại nhà dân.
Anh Nguyễn Đình Lãm và Trịnh Minh Tiến, FPT Telecom, trăn trở phải xây dựng Botchat tự động kiểm tra thông tin và phản hồi về cho phòng ban liên quan đang xử lý sự cố, nhằm chủ động hỗ trợ và tức thời cho các đơn vị. Ý tưởng tạo Botchat xuất hiện từ cuối năm 2016. Đến tháng 3/2017, sau khi lựa chọn Telegram để xây dựng, botchat được hoàn thiện và sử dụng tại các chi nhánh phía nam của FPT Telecom. Botchat được xây trên API của Telegram - ứng dụng chat OTT mở, gọn nhẹ, dễ dàng cài đặt trên điện thoại, máy tính - để kết nối và cung cấp thông tin kiểm tra đến botchat.
Ứng dụng được nối với các hệ thống khác trong FPT Telecom và khi có yêu cầu sẽ “gọi” đến các trung tâm này để lấy thông tin port up hay down; công suất và suy hao cáp, kiểm tra tình trạng nguồn của POP, lỗi liên quan đến IPTV, internet.
Để nói chuyện với Botchat, kỹ thuật viên phải điền account mail, điền chi nhánh đã được phân quyền, nhập mã code xác thực do hệ thống gửi nhằm đảm bảo tính bảo mật. Sau khi thực hiện kết nối với Botchat và cung cấp thông tin đầu vào, Botchat tự động phản hồi thông tin cho các đơn vị cần hỗ trợ.
Khi cung cấp địa chỉ IP, Botchat có thể khai thác thông tin bản đồ kết nối thiết bị có trong hạ tầng, phát hiện ra nguyên nhân gây ảnh hưởng dịch vụ của khách hàng.
Nhờ Botchat, thời gian để nhận nguyên nhân sự cố giảm từ 10-15 phút xuống còn 1-2 phút. Trung tâm monitor giảm số lượng yêu cầu xử lý tiếp nhận từ 200 yêu cầu/tuần xuống khoảng 15-20%.
Hiện tại sản phẩm đã được ứng dụng nội bộ cho 4 trung tâm khu vực phía Nam với khoảng 45-50 người sử dụng. Dự kiến Botchat sẽ sớm áp dụng cho toàn bộ các chi nhánh FPT Telecom toàn quốc.
Môn học nhạc cụ dân tộc được áp dụng cho sinh viên Khóa 10, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Thu Thủy. |
Xuất phát từ mong muốn của Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Khắc Thành đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy tạo nên nét riêng biệt của FPT trong quá trình toàn cầu hóa và biến mỗi cá nhân thành những người biết thụ hưởng những giá trị đúng của âm nhạc. Chị Nguyễn Thu Thủy được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình học cho sinh viên và tìm kiếm giảng viên.
Sau một tháng triển khai, đến tháng 10/2014, môn học nhạc cụ dân tộc được áp dụng cho sinh viên Khóa 10, với nội dung: Đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu, đàn nguyệt và đàn nhị. Giáo trình cho sinh viên ĐH FPT được viết tỉ mỉ, chi tiết và lựa chọn các bài phù hợp bởi vì các em đều quá tuổi học so với thông thường là 9-13 tuổi.
Chương trình học gồm 30 tiết, kéo dài trong 1,5 giờ. Mỗi lớp gồm 15 sinh viên, gấp đôi so với lớp học nhạc thông thường, vì vậy, giảng viên phải phân các nhóm sinh viên để luyện tập và sửa lỗi kỹ thuật tay, lỗi tiết tấu. Yêu cầu hoàn thành môn học là sinh viên phải chơi được 3 bài đàn trực tiếp (hai bài nước ngoài và một bài Việt Nam).
Được áp dụng từ K10, đến nay, trường đã có 2.100 sinh viên học nhạc cụ. Trong đó, đàn tranh có số lượng sinh viên học đông nhất 826 em, sáo trúc - 508 em, 271 em học đàn bầu và 271 học đàn nguyệt, 243 học đàn nhị và 29 em học đàn Tỳ bà.
Trường cũng thành lập câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống FTIC (FPT Traditional Instruments Club) nhằm duy trì niềm yêu thích nhạc cụ dân tộc cho các sinh viên.
Phan Nhật được coi là một đại diện sinh động của văn hóa FPT, người truyền lửa văn hóa họ nhà F đến cộng đồng. |
Tham gia công tác phong trào từ năm 2013, Top 13 FPT Under 35 2016 Phan Phước Nhật nhận thấy hoạt động văn hóa FPT Telecom có tính lan tỏa kém, do văn phòng chi nhánh trải dài ở khắp các tỉnh thành. Hoạt động và điểm nóng thường tập trung ở hai đầu Hà Nội, TP HCM.
Năm 2016, FPT Telecom kỷ niệm 20 năm thành lập với nhiều sự kiện nhưng mỗi lần huy động người, BTC phải liên hệ với các hạt nhân văn hóa ở địa phương, trong khi họ chưa đủ kỹ năng để kích dậy tinh thần anh em. Anh Nhật nảy ra ý tưởng xây dựng Chương trình đào tạo văn hóa cho các bộ nằm vùng để có thể huy động được người ngay khi cần. Tháng 7/2016, khóa đào tạo đầu tiên được tổ chức ở hai đầu Hà Nội và Sài Gòn, kéo dài trong 2 ngày với gần 80 học viên, là các hạt nhân do Giám đốc chi nhánh đề cử.
Trong chương trình, các thành viên tìm hiểu kỹ về đặc điểm của từng chi nhánh, thảo luận và đào tạo các kỹ năng. Khóa học gồm 3 phần: Chia sẻ của đại diện văn hóa FPT như anh Hoàng Minh Châu, Lê Đình Lộc; Trải nghiệm, thực hành kỹ năng teambuilding, rèn luyện cách trở thành người thủ lĩnh, kiểm soát đám đông; Đào tạo về quy trình thực hiện các sự kiện ở chi nhánh từ lên kế hoạch, đề xuất kinh phí, truyền thông nội bộ, thanh toán...
Ngoài khóa học offline, chương trình còn tổ chức lớp học online cho những cán bộ này với các khóa như bí kíp dẫn chương trình, tự làm video bằng điện thoại, cách tổ chức trò chơi teambuilding.
Kết quả, FPT Telecom đã có sự đồng nhất từ các minigame trên fanpage, các chương trình kỷ niệm diễn ra trên nhiều tỉnh thành. Trước đây, dịp 8/3 hay ngày toàn gậy, các chi nhánh chỉ đơn giản là một hoạt động công đoàn, mỗi người đến nhận một phần quà thì nay được tổ chức thành chương trình với hoạt động văn hóa, văn nghệ cho CBNV tham gia.
Dự kiến mỗi năm chương trình sẽ có một khóa đào tạo offline và từ 5-7 khóa online rèn luyện kỹ năng cho cán bộ nằm vùng.
YouTube Getlink Tool giúp đẩy nhanh quá trình backup các video cần thiết cho giảng dạy tại FUNiX. |
Cứ 3 đến 6 tháng, FUNiX lại cập nhật 1.500 video bài giảng trên Youtube cho 30 khóa học. Việc backup video được thực hiện bằng tay và phải thuê người phân tích từng file xml.
Mỗi lần tải tệp tổng hợp đường link chứa video một khóa học (khoảng 50 video), người thực hiện chỉ nhận được một tệp tin đã mã hóa có đuôi “.XML”. Sau đó, phải dùng thuật toán phân tích tệp tin để tìm ra địa chỉ đường link YouTube.
Là người phụ trách công việc back-up nội dung video cho FUNiX, anh Nguyễn Thanh Hiếu, ĐH trực tuyến FUNiX, quyết định tự lập trình ra Youtube Getlink Tool để phục vụ công việc của mình.
Youtube Getlink Tool được lập trình trên nền tảng Android. Với mỗi tập hợp file “.XML” được chọn, ứng dụng sẽ tự động sử dụng hàm xmlparser để tách các ID mã hóa. Sau đó, dùng thuật toán để ghép ID và các phần còn lại thành một đường link YouTube hoàn chỉnh. Kết quả của quá trình sẽ được xuất ra tệp Excel, người dùng chỉ cần copy link đó và tải video về.
Với Tool này, thay vì phải phân tích và copy từng đường dẫn, người dùng sẽ chỉ cần bật ứng dụng lên, chọn tệp tin có đuôi “.XML” đã tải về và nhấn “Getlink”. Sau 3-5 giây sẽ nhận được kết quả mong muốn. Youtube Getlink Tool là ứng dụng đầu tiên cho phép người dùng thực hiện công việc này.
Theo cách làm thủ công, anh Hiếu cùng cộng sự mất 30-45 phút để phân tích link cho một khóa học và một ngày chỉ tải được 2 khóa học video hoàn chỉnh về máy. Dùng YouTube Getlink Tool, nhóm có thể tải 10 khóa học mỗi ngày, đẩy nhanh quá trình backup các video cần thiết cho giảng dạy tại FUNiX.
Trước đó, Mở két của Truyền hình FPT đã giành giải Vàng cuộc thi Sáng tạo FPT - iKhiến số 5 (tháng 8).
Giải đặc biệt của "iKhiến" - Sáng tạo của năm - có trị giá 70 triệu đồng. Đây là phần thưởng cao nhất tính đến nay dành cho ý tưởng sáng tạo được triển khai thực tế. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định cũng trao hai giải là Nhân vật sáng tạo của năm (cá nhân có nhiều sáng tạo được áp dụng nhất) và Đơn vị nhiều sáng tạo nhất, cùng trị giá 5 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên FPT tổ chức giải thưởng quy mô lớn dành cho sáng tạo với niềm tin mỗi người nhà F đều chứa đựng những khả năng sáng tạo vô hạn. Cuộc thi dự kiến được triển khai thường niên trong 3 năm (2017-2019), do Ban Truyền thông, Ban Đảm bảo chất lượng FPT và trang tin nội bộ Chungta.vn phối hợp tổ chức.
Đăng ký sáng tạo tại đây.
Thanh Tùng
Ý kiến
()