Chúng ta

FPT đồng hành dấu ấn của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam

Thứ tư, 2/12/2020 | 08:47 GMT+7

FPT đã tài trợ giải pháp hội nghị truyền hình Webex và đường truyền leased line (kênh thuê riêng) cùng đội ngũ kỹ thuật cho Carnival Doanh nhân trẻ ASEAN 2020 lần đầu tổ chức trực tuyến. Đồng thời, CEO nhà F Nguyễn Văn Khoa đóng vai trò điều phối cho một phiên thảo luận thú vị tại sự kiện này.

Ngày 30/11 tại Hà Nội, đã diễn ra Carnival Doanh nhân trẻ ASEAN lần thứ V do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, với vai trò là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Doanh nhân trẻ ASEAN 2020. Diễn đàn năm nay có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng hơn 300 đại biểu đến từ Việt Nam và các nước ASEAN.  

Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp tại Việt Nam và trực tuyến với hội doanh nhân trẻ các nước ASEAN, kết nối Hà Nội và 10 điểm cầu ASEAN, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Đóng góp vào thành công và dấu ấn của carnival, FPT đã tài trợ giải pháp hội nghị truyền hình Webex Meeting và đường truyền leased line, kèm theo đội ngũ kỹ thuật gồm 6 nhân sự triển khai, vận hành, giám sát giải pháp này.

rsz-935a6604-2120-1606839487.jpg

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại carnival. Trên màn hình sự kiện là đại biểu tham dự từ điểm cầu tại các nước ASEAN được kết nối qua nền tảng Webex do FPT tài trợ.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nồng nhiệt chào mừng các doanh nhân trẻ ASEAN và đại biểu tham dự Carnival, đồng thời khẳng định: “Diễn đàn là minh chứng cho sự chủ động thích ứng, thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’ của thế giới và khu vực, góp phần thực hiện vai trò kép của ASEAN trong việc vừa bảo đảm đà xây dựng cộng đồng, vừa ứng phó với đại dịch Covid-19 và hướng tới phục hồi bền vững”.

Mang chủ đề "Together - We are making differences" (Doanh nhân trẻ ASEAN - Cùng nhau tạo những khác biệt), Carnival xoay quanh hai nội dung chính "Hệ sinh thái và liên minh trong Doanh nhân trẻ ASEAN" và "Hành trình tới tương lai số", với mục đích hướng tới một cộng đồng doanh nhân trẻ ASEAN cùng chia sẻ, đưa ra sáng kiến thiết thực, tạo sự kết nối cùng phát triển trong một thế giới số đang có nhiều cơ hội, thách thức. Các diễn giả đều là những chuyên gia có tiếng trong giới kinh doanh của Việt Nam và khu vực.

Tham dự sự kiện, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa đóng vai trò dẫn dắt, điều phối trong phiên thảo luận “Hành trình tới tương lai số”. Cùng các khách mời Nguyễn Francis Tuấn Anh - Cố vấn Công nghệ và giải pháp VMED Group, Nguyễn Đặng Quỳnh Anh - CEO Yeah 1, Trần Ngọc Thái Sơn - CEO Tiki, Nguyễn Tuấn Quỳnh - CEO Saigon Books và Hans Lukiman - quyền Chủ tịch Tập đoàn Ascend, đại diện Doanh nhân trẻ Indonesia, anh Khoa đi tìm câu trả lời cho tương lai số thực chất và con đường đúng đắn để đi đến một tương lai số tối ưu hóa.

rsz-17s5a6921-1571-1606839487.jpg

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa điều phối phiên thảo luận "Hành trình tới tương lai số".

“Không thể chuyển đổi số trong 1-2 năm, đây là câu chuyện dài kỳ”, CEO FPT khẳng định ở phần mở đầu cuộc trao đổi. Anh Khoa nhấn mạnh, tư duy lãnh đạo và dữ liệu mà doanh nghiệp có trong tay là tối quan trọng đối với chuyển đổi số.

Chia sẻ quan điểm này, CEO Yeah 1 Nguyễn Đặng Quỳnh Anh cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, vì khi tư duy thay đổi, hành động sẽ thay đổi. “Covid như một bài test lớn. ‘Thức thời’ là từ phải nằm lòng. Chuyển đổi số phải có nền tảng, cơ sở dữ liệu và quan trọng là tư duy của những người lãnh đạo”, bà Quỳnh Anh chia sẻ. 

Cũng theo đại diện CEO Yeah 1, điều quyết định để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công là xác định được mô hình kinh doanh. “Bản thân người đứng đầu phải xác định được chuyển đổi số có ảnh hưởng thế nào và mô hình kinh doanh có đáp ứng được không. Quan trọng nhất, chúng ta hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất”, bà Quỳnh Anh nói, không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cho biết, trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, Tiki đã thay đổi chiến lược, phải có giá tốt hơn, hàng hóa có chất lượng hơn. “Chúng tôi cố gắng hợp tác, hỗ trợ nhà cung cấp, miễn phí vận chuyển, hoa hồng và % cho họ. Thấy nhu yếu phẩm rất cần thiết thời điểm đó, chúng tôi ra mắt dịch vụ Tiki Ngon vào tháng 4, sớm 8 tháng so với dự kiến giúp hàng trăm điểm tạp hóa, siêu thị, khách hàng”, ông Sơn tự hào nói.

CEO nền tảng mua sắm online với khoảng 70 triệu lượt truy cập mỗi tháng cho rằng, Tiki không quá quan tâm cạnh tranh, chỉ chú trọng việc đem lại giá trị cho khách hàng, cho nhà cung cấp thì sẽ tự tăng trưởng, và thực tế doanh nghiệp này đã tăng trưởng gấp đôi trong mùa Covid.

rsz-img-9443-7216-1606839487.jpg

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Đồng ý kiến về chiến lược phát triển doanh nghiệp đặt khách hàng là trái tim, CEO Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh nhận định doanh nghiệp cũng cần lấy trải nghiệm của nhân viên làm trung tâm trong quản trị, điều hành. 

“Doanh nghiệp phải làm thế nào để tiếp cận, phục vụ khách hàng dễ dàng, cá nhân hóa nhu cầu. Song song đó, cần đặt mục tiêu 90% nhân viên làm việc ở nhà mà hiệu quả kinh doanh vẫn không thay đổi, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nhiều nhất những thông tin mà doanh nghiệp đang có”, ông Quỳnh chia sẻ câu chuyện thành công của chính Saigon Books.

Đào sâu ý kiến trên, Cố vấn Công nghệ và giải pháp VMED Group Nguyễn Francis Tuấn Anh nhấn mạnh, công nghệ không phải chìa khóa cho chuyển đổi số, mà là con người. “Nếu muốn tạo doanh nghiệp hạng A, ta phải tìm đúng người để mời lên xe và mời những người không phù hợp xuống xe”.

Từ kinh nghiệm làm việc với rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Francis Tuấn Anh khẳng định con người cần hiểu về công nghệ, nhưng quan trọng hơn, họ phải hiểu rõ nghiệp vụ công ty mới có thể đưa doanh nghiệp đến thành công.

rsz-7s5a7021-4991-1606839487.jpg

Các diễn giả và khách mời điều phối nhận hoa từ Ban tổ chức.

Đúc kết phiên thảo luận, TGĐ nhà F Nguyễn Văn Khoa đưa lời khuyên cho các doanh nghiệp trẻ: “Cần cân nhắc về việc lựa chọn những người làm công nghệ để chuyển đổi số, họ phải đi ra từ công tác nghiệp vụ. Đó chính là những nhân tố sẽ đưa ra bài toán và lời giải cho doanh nghiệp”.

Anh lưu ý, ở những tập đoàn đã chuyển đổi số thành công, hầu hết lãnh đạo tương lai đều “đi ra từ phòng chuyển đổi số”. Điều doanh nghiệp cần thực hiện, đó là làm sao để cán bộ nhân viên yêu thích chuyển đổi số, có như vậy, công cuộc này ở doanh nghiệp mới diễn ra suôn sẻ.

Carnival Doanh nhân trẻ ASEAN là diễn đàn thường niên kết nối và truyền cảm hứng tới doanh nhân trẻ ASEAN và các đối tác đối thoại ASEAN. Chương trình được tổ chức luân phiên tại các nước ASEAN từ năm 2016, qua 4 kỳ với các chủ đề thảo luận đa dạng và đầy tính thời sự. Sự kiện là cơ hội lớn đối với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong việc khẳng định vị thế và vai trò của doanh nhân trẻ, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. 

Hoa Hạ

Ảnh: BTC

Ý kiến

()