Chúng ta

Facebook vời ‘ông lớn’ IT Ấn Độ chặn tin giả

Thứ ba, 1/1/2019 | 09:12 GMT+7

Mạng xã hội lớn nhất thế giới thuê HCL Technologies, Wipro và Tech Mahindra thực hiện các quy trình kiểm duyệt nội dung, ngăn chặn tin giả trên nền tảng mạng xã hội, theo Economic Times.

Ba ‘đại gia’ CNTT Ấn Độ được Facebook ký hợp đồng dạng thuê ngoài (Outsourcing) nhằm theo dõi, phân tích và kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội lớn nhất thế giới. Economic Times cho hay, Facebook cũng đang đàm phán để mở rộng đối tác tham gia hoạt động kiểm duyệt nội dung với hai tên tuổi ngành CNTT khác của Ấn Độ là Accdvisor và Genpact.

facebook-fakenews-5534-1546308710.jpg

Kỹ sư CNTT của HCL - một trong các đối tác của Facebook. Ảnh: Bloomberg.

Tổng giá trị các hợp đồng mà Facebook đang trả cho các đối tác Ấn Độ có thể lên tới 400 triệu USD và có khả năng tăng lên.

Facebook trước đó đã áp dụng chiến lược tự động hóa kiểm duyệt nội dung và loại bỏ yếu tố con người khỏi bộ phận này của họ.

Tháng 8/2018, nền tảng nhắn tin tức thời do Facebook sở hữu là WhatsApp đã bị đặt dưới sự giám sát của Chính phủ Ấn Độ vì tình trạng lan tràn tin tức giả mạo. Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu ứng dụng thường được sử dụng để chạy các chiến dịch và quảng cáo này phải ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả. Động thái này được đưa ra sau một loạt vụ bạo lực nghiêm trọng xuất phát từ các tin nhắn giả mạo xuất hiện trên WhatsApp trong mấy tháng qua tại Ấn Độ.

Ấn Độ là thị trường lớn nhất của WhatsApp với hơn 200 triệu người dùng và là nơi mọi người chuyển tiếp tin nhắn, ảnh và video qua dịch vụ nhắn tin này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Các quan chức Ấn Độ cho biết dịch vụ nhắn tin WhatsApp trong hệ sinh thái của Facebook đã cam kết sẽ phát triển các công cụ chống lại các tin nhắn giả mạo, tin đồn thất thiệt vốn gây ra những vụ việc gây bất ổn xã hội ở đất nước đông dân thứ hai thế giới thời gian qua.

Facebook đang đối mặt với các vô số áp lực phải ra tay ngăn chặn tin tức giả mạo. Mạng xã hội Facebook đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 do vấn nạn tin giả tràn lan. Tuy nhiên từ đó tới nay, Facebook đang tập trung tìm giải pháp "tiêu diệt" nạn tin giả. 

Hồi tháng 10/2018, cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi của Brazil bị hủy hoại bởi những tin tức giả mạo ngoài tầm kiểm soát và thông tin sai lệch lan truyền trên WhatsApp và Facebook.

Năm 2018, mạng xã hội này không lãng phí bất kỳ thời gian nào để cố gắng đưa mọi thứ trở lại đúng hướng, điển hình là cải tiến thuật toán News Feed được thiết kế để ưu tiên “các tương tác xã hội có ý nghĩa”, qua đó hạn chế nội dung giật gân và tin tức giả mạo.

Facebook đã xóa bỏ khoảng 1,5 tỉ tài khoản giả mạo từ tháng 4-9/2018, điều này cho thấy các hoạt động lừa đảo đang ngày càng nở rộ trên mạng xã hội.

Để phát hiện các tài khoản giả mạo, công ty đã sử dụng thuật toán đặc biệt và cả AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm tăng khả năng phát hiện. Theo đó, Facebook đã xóa bỏ 800 triệu tài khoản giả mạo trong quý II-2018 và 754 triệu tài khoản trong quý III. Những con số này cho thấy hoạt động lừa đảo, spam tin nhắn, tin giả… đang ngày càng nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội.

>> CEO CyRadar: ‘Tấn công an ninh mạng bằng AI nguy hiểm khôn lường'

Hải Ninh

Ý kiến

()