Quyết định này được áp dụng từ ngày 12/4. Tuy nhiên, vẫn còn những thắc mắc quanh việc liệu Instant Articles có thực sự là giải pháp hợp tác tối ưu cho Publisher, hay Publisher - dù biết là bất lợi - vẫn buộc phải chấp nhận nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Kể từ khi ra mắt Instant Articles hồi tháng 5/2015, Facebook đã làm việc trực tiếp với các Publisher đối tác để giới thiệu phương án có thể giúp trang của họ tải nhanh hơn ngay trên ứng dụng Facebook thay vì thông qua trình duyệt web. Hiện nay, Publisher có khả năng chủ động kiểm soát và cấu hình các bài viết để đăng trên Instant Articles nhờ tài liệu hướng dẫn sử dụng Facebook cung cấp.
Facebook sẽ tham gia mạnh mẽ vào quá trình đưa báo chí đến người dùng. Ảnh: Wired. |
Instant Articles là sự kết hợp giữa mong muốn của Facebook về một trải nghiệm người dùng trơn mượt hơn và những lợi ích to lớn nó có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh. Chương trình này sẽ “chặn mọi lối thoát của người dùng khỏi Facebook” một cách hiệu quả. Thay vì buộc người dùng chờ đợi website được tải một cách chậm chạp, khiến họ nản lòng dẫn đến tắt ứng dụng hoặc nhấp chuột vào website khác, Instant Articles giữ chân người dùng trong hệ sinh thái Facebook - nơi họ có thể xem quảng cáo cũng như kết nối với bạn bè.
Có lẽ Facebook giới thiệu tính năng mở rộng cho tất cả Publisher của Instant Articles như một động thái đáp trả với việc Google dự kiến ra mắt một sản phẩm tương tự - nền tảng Accelerated Mobile Pages (AMP) - vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, hai nền tảng này sẽ không trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Publisher có thể sử dụng chương trình AMP của Google để tăng tốc trang web của mình cho tất cả người dùng, cũng như sử dụng Instant Articles để thúc đẩy trải nghiệm tốt hơn cho các lượt truy cập được giới thiệu từ Facebook (referral traffic).
Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi bỏ ngỏ về việc Instant Articles sẽ ảnh hưởng gì đến các Publisher. Facebook đã hạn chế đáng kể số lượng quảng cáo Publisher có thể hiển thị trên Instant Articles. Theo đó, khi mới ra mắt, Publisher chỉ được đăng một quảng cáo cho mỗi 500 từ. Sau đó, con số này giảm xuống còn tối thiểu 350 từ. Nếu bài viết chủ yếu là hình ảnh và các định dạng đa phương tiện, thì cơ sở xác định hạn mức đó là quảng cáo không được vượt quá 15% nội dung. Do đó, một số Publisher sẽ có ít quảng cáo trên ứng dụng Instant Articles hơn so với số lượng bình thường vẫn hiển thị trên trang web truyền thống.
Trong khi đó, một nội dung trên website truyền thống của Publisher có thể bị định dạng lại với thiết kế tối giản hơn khi chạy trên nền tảng Facebook. Do đó, sẽ có nhiều liên kết quan trọng bị gỡ bỏ. Đó là những liên kết giúp thúc đẩy lượt truy cập đến những nội dung khác của Publisher, và khuyến khích độc giả chi tiền để đăng ký thành viên, mua vé tham gia sự kiện, hay đăng ký nhận bản tin...
Báo cáo của The Wall Street Journal cho biết, một số Publisher hiện kiếm được nhiều hơn từ mỗi cú nhấp chuột trên Instant Articles so với trên trang truyền thống. Tuy nhiên, điều này không tính đến khả năng suy giảm của các lượt xem trang kế tiếp.
Quy tắc "350 từ trên 15% nội dung" áp dụng cho cả các quảng cáo thương mại và House Ad của Publisher (quảng cáo cho chính nội dung của Publisher khi tận dụng những không gian quảng cáo còn trống và chưa được bán).
Về cơ bản, Publisher có thể thấy được tỷ lệ người dùng nhấp chuột vào liên kết và thực sự đọc nội dung cao hơn bởi vì trang được tải nhanh hơn. Nhưng Publisher cũng có thể phải chứng kiến số nhấp chuột tiếp theo ít hơn hay khả năng kiếm tiền từ nội dung sụt giảm.
Nhìn chung, Instant Articles có lợi cho Publisher, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Nhưng với việc làm suy yếu mối quan hệ giữa Publisher và độc giả, trong tương lai, Facebook có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phát triển hoạt động kinh doanh của Publisher - hoạt động đang tạo ra những nội dung mà chúng ta thưởng thức.
>> Credit Suisse: ‘Hãy để mắt đến FPT’
ANTS (theo Techcrunch)
Ý kiến
()