Theo anh Lê Mạnh Tùng, GĐ nghiên cứu bảo mật CyRadar, loại virus mới này có cùng cách thức lây lan với dòng virus huyền thoại WannaCry. Chúng lợi dụng một lỗ hổng trên hệ điều hành Windows (lỗ hổng MS17-010 đã được công bố vào tháng 3/2017) để phát tán rộng trong mạng nội bộ (LAN).
Bằng cách sử dụng kèm theo các tệp tin can thiệp sâu vào hệ thống (rootkit) để che giấu, loại virus này dễ dàng thoát khỏi sự phát hiện của các công cụ rà soát thông thường. Ngay khi được người dùng báo về hiện tượng lạ trên máy như mất bộ gõ tiếng Việt, CyRadar đã tiến hành kiểm tra và phát hiện ra loại virus này. Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ bản đồ mã độc, đội kĩ thuật CyRadar nhanh chóng tìm ra máy chủ phát tán dòng virus này cũng như thu thập những địa chỉ IP có liên quan, từ đó ngăn chặn việc nó lây lan rộng hay tác động xấu tới doanh nghiệp và người dùng.
“Vẫn còn nhiều công ty sử dụng các máy tính Windows không cập nhật bản vá lỗ hổng, đồng thời cũng không có giải pháp nào để khóa cổng dịch vụ SMB (Người viết: dịch vụ tồn tại lỗ hổng đang nói đến), đó là những hệ thống lý tưởng để virus này có thể xâm nhập và phát tán. Hiện tại, ngoài khách hàng của CyRadar đã được sớm phát hiện mã độc và xử lý, thì đâu đó ở nhiều nơi khác có thể có nhiều cá nhân, tổ chức đang gặp phải rắc rối với mã độc này”, anh Tùng cho biết.
Ngoài thành phần lây lan, dòng virus này còn gồm nhiều tập tin khác đi cùng nhau, trong đó mỗi tệp có những vai trò khác nhau nhưng tổng quan chung, chúng có nhiệm vụ che giấu bảo vệ nhau trước các công cụ phòng chống mã độc truyền thống, đồng thời liên tục kết nối ra máy chủ điều khiển để cập nhật file thực thi, và luôn duy trì một tiến trình chạy đào tiền ảo trên máy.
Mặc dù các tác vụ nói trên đều được thực hiện ngầm, virus này còn có một hành vi đặc biệt khiến người dùng dễ nhận ra vấn đề, đó là việc nó liên tục kiểm tra để tắt tiến trình và xóa tệp tin của các bộ gõ tiếng Việt (Unikey, Vietkey). Phải chăng dòng virus này nhắm riêng đến Việt Nam?
Để bảo vệ mình trước dòng mã độc này và những “người anh em” của nó, người dùng Windows nên nhanh chóng cập nhật các bản vá lỗ hổng (khuyến cáo bật chế độ Auto Update), hoặc tối thiểu thực hiện tải và cài riêng bản vá MS17-010. Ở quy mô của tổ chức, doanh nghiệp, thì việc sử dụng thêm các giải pháp giám sát mạng cũng sẽ mang lại nhiều hiệu quả bảo vệ. Và hơn hết, mỗi người dùng cần trau dồi nhận thức an ninh mạng, nâng cao cảnh giác trong việc sử dụng email, mở file lạ hay truy cập đường link lạ.
WannaCry là một loại mã độc khi thâm nhập vào thiết bị máy tính của người dùng hoặc hệ thống doanh nghiệp sẽ tự động mã hóa hàng loạt các tâp tin theo những định dạng mục tiêu như văn bản, hình ảnh… Một khi lây nhiễm vào máy tính nạn nhân, nó sẽ mã hóa các tập tin và lây lan sang các máy tính khác. Các nạn nhân sẽ nhận được yêu cầu thanh toán 300 đôla qua hệ thống Bitcoin để lấy lại quyền truy cập.
Theo Tech Insight
Ý kiến
()