Sáng 11/5, Ban tổ chức cuộc thi lập trình xe tự hành Cuộc đua số 2017-2018 đã tổ chức lễ Công bố Vòng chung kết Cuộc đua số tại trụ sở tập đoàn FPT (17 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội).
Tại trận chung kết, các đội thi sẽ phải sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo để cho xe di chuyển với tốc độ cao nhất trên các đường đi có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt…; xác định và tránh được vật cản với hình dạng bất kỳ xuất hiện trên đường; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái, rẽ phải, dừng lại. Các biển báo sẽ tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.
Từ trái qua phải, Anh Lê Hồng Việt (GĐ Công nghệ FPT), anh Lã Quang Vinh (Phó GĐ Công ty phần mềm chiến lược Automotive thuộc FPT Software) và chị Đặng Ánh Tuyết (Phó Ban Truyền thông FPT) đại diện cho Ban tổ chức công bố và giải đáp các thông tin về vòng chung kết Cuộc đua số 2017-2018. |
Theo anh Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng IoT (Ban Công nghệ FPT), bài toán đưa ra cho các đội thi vòng chung kết có nhiều thay đổi tăng độ khó lên rất cao. Đường đua ở vòng thi chung kết sẽ không có vạch kẻ giới hạn đường, thay vào đó phần đường đua sẽ được phân biệt bằng màu sắc hoặc chất liệu khác so với môi trường xung quanh. Đặc biệt đề bài yêu cầu xe dừng trước biển STOP 5 giây rồi mới được di chuyển tiếp sẽ là thử thách lớn đối với các đội thi. Theo anh Tuấn, để thực hiện được yêu cầu này, các đội thi đồng thời phải giải quyết được 3 bài toán: Nhận dạng biển báo; Xác định khoảng cách; Giảm tốc độ và dừng đúng vị trí.
Đại diện các đội chơi cũng cho rằng việc thay đổi nhận dạng đường đua và có thêm biển STOP là thử thách rất “khoai”. Thí sinh Nguyễn Minh Châu của đội UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội) cho biết, thời gian qua cả đội đã phải tập trung để cải tiến công nghệ xử lý ảnh của mình, tính toán kỹ lực gia tốc của xe để đưa ra những giải pháp để giải quyết đề bài đưa ra. “Tuy vẫn còn phải cải thiện và tối ưu công nghệ trong thời gian ngắn trước khi thi nhưng đội UET Fastes tự tin có thể hoàn thành hết đề bài ban tổ chức đưa ra”, Nguyễn Minh Châu khẳng định.
Thí sinh Nguyễn Minh Châu của đội UET Fastest cho biết các thử thách của cuộc thi đã thôi thúc thành viên trong đội tự học hỏi thêm những kiến thức mà trong nhà trường không dạy để nâng cao tri thức của bản thân. |
Ngày 17/5, 8 đội thi đến từ 6 trường đại học trên nước (Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH FPT, ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH CNTT - ĐHQG TPHCM) sẽ bước vào thi đấu trận chung kết cuộc thi lập trình xe tự hành Cuộc đua số 2017 - 2018, tại nhà thi đấu Quận Tây Hồ (Hà Nội). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV2 đồng thời livestream trên Fanpage Cuộc đua số.
Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ thường niên do Tập đoàn FPT tổ chức. Cuộc thi được sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. VTV2 và Báo điện tử Vnexpress là 2 đơn vị bảo trợ truyền thông của cuộc thi. Vietnam Airlines là nhà tài trợ vận chuyển chính thức, công ty Lectron là nhà đồng tài trợ. Cuộc đua số 2017-2018 diễn ra từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018. Đây là cuộc thi lập trình công nghệ xe tự hành dành cho tất cả sinh viên đại học trên cả nước. Cuộc đua số 2017-2018 được tổ chức ở cả 3 khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với tổng giá trị giải thưởng hơn 4 tỷ đồng.
Tham dự Cuộc đua số, các thí sinh đã được FPT cung cấp mô hình xe tự hành có tỷ lệ bằng 1/10 kích thước xe thật, các thuật toán cơ bản giúp xe chạy được trên địa hình đường cong, tránh được vật cản… để các đội tập luyện. Ngoài ra, các thí sinh cũng được các chuyên gia về công nghệ xử lý ảnh, robotic, tự động hóa của FPT đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết. Bắt đầu từ con số 0 về các kiến thức lập trình cho xe tự hành, đến nay các thí sinh của cả 8 đội lọt vào chung kết đều đã có thể lập trình để xe chạy được trong một số cung đường có làn hoặc không làn, tránh chướng ngại vật, nhận diện và đi theo sự chỉ dẫn của biển báo…
Nguyễn Thắng
Ý kiến
()