Ông Christopher Cuong T Nguyen là nhà sáng lập và Chủ tịch Aitomatic, inc. Ông được biết đến là một kỹ sư tận tâm với sứ mệnh tiên phong trong việc phát triển khái niệm "Bộ não Công nghiệp". Với lý lịch là một hacker và một nhà sáng lập/cựu sáng lập thành công, ông Christopher còn là một Giáo sư.
Ông Christopher đã đảm nhiệm các vị trí như Giám đốc điều hành (CEO), Giám đốc công nghệ (CTO), và Phó Chủ tịch Phụ trách Kỹ thuật (VP of Engineering). Ông cũng từng là lãnh đạo chiến lược tại các công ty nổi tiếng như Google và Panasonic và có kiến thức sâu rộng cùng kinh nghiệm thực tế trong quản lý kỹ thuật phần mềm, với khả năng xây dựng và lãnh đạo các đội ngũ lớn.
“Tôi rất lạc quan về Việt Nam”
- Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, những căng thẳng về địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam?
- Phải nói rằng tôi rất lạc quan về Việt Nam. Tôi tin rằng độ tuổi trung bình của người Việt Nam ngày nay là khoảng 29, trẻ hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 39-40 tuổi ở Mỹ và 47 tuổi ở Nhật Bản. Vì vậy, tôi nghĩ chỉ riêng điều đó đã nói lên tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam rất tốt.
Đáng nói là, Việt Nam đang có phần hưởng lợi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu với những căng thẳng địa chính trị ngày nay. Tôi đã từng tính toán rằng nếu 2% quy mô sản xuất của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam thì nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể tăng trưởng gấp đôi. Vì vậy tôi nghĩ những thay đổi hiện nay rất tích cực đối với Việt Nam.
Ông Christopher Cuong T Nguyen (ngoài cùng bên phải) cùng Tiến sỹ Andrew Ng (thứ hai từ bên phải), Chủ tịch Trương Gia Bình (ở giữa) và các lãnh đạo tại sự kiện FPT Techday 2023. |
Như chúng ta đều biết, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đến Hà Nội đã nâng cấp mối quan hệ chiến lược toàn diện của hai bên, mở ra các cuộc thảo luận song phương ở nhiều cấp chính phủ và ngành công nghiệp. Tôi nghĩ Việt Nam đang ở vào vị thế tốt, có thể tận dụng những lợi thế này.
Tại biểu đồ trong bài trình bày của tôi trong phiên họp ở sự kiện FPT Techday 2023 mới đây đã cho thấy mức độ lạc quan đối với công nghệ, đặc biệt là đối với AI. Công nghệ AI thực sự phát huy hiệu quả tốt hơn ở các nước có thu nhập thấp so với ở các nước có thu nhập cao hơn. Điều đó khiến hầu hết những người quan sát rất ngạc nhiên vì có vẻ ngược lại khi nói đến công nghệ. Vì vậy, về cơ bản có điều gì đó rất thú vị với AI nói riêng. Tôi nghĩ phần lớn điều đó liên quan đến cái mà tôi gọi là nền kinh tế vật chất, những nền kinh tế đang sản xuất và xây dựng mọi thứ. Tôi nghĩ những nền kinh tế này sẽ được hưởng lợi từ thế hệ AI hiện tại và đó là một dấu hiệu rất tích cực cho Việt Nam.
- Như ông nói Việt Nam có nhiều thuận lợi trong phát triển công nghệ thông tin nói chung và AI nói riêng. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn lớn và các quốc gia có tiềm lực đang đầu tư vào AI, vậy cơ hội của Việt Nam nằm ở đâu?
- Công nghệ AI là những mô hình lớn đòi hỏi rất nhiều dữ liệu, điều mà có lẽ chỉ một số tổ chức trên thế giới có đủ khả năng đầu tư. Nhưng tôi chắc chắn có cơ hội dành cho Việt Nam.
Công ty của tôi, Aitomatic, tập trung vào những gì chúng tôi gọi một cách thú vị là các mô hình nhỏ chuyên biệt. Chúng nhỏ hơn nhiều, nhỏ hơn cả một ngàn lần so với những mô hình nền tảng lớn. Nhưng những mô hình này không chung chung, mà là những mô hình ngách chuyên biệt. Nền kinh tế sẽ được thúc đẩy hiệu quả bởi hàng triệu tỷ “cái ngách” này.
Lấy ví dụ để dễ hiểu, khi chúng ta làm việc với chiếc máy nén, chúng ta cần một đại lý, hay một mô hình, hiểu rất rõ về máy nén. Trên thực tế, mô hình đó phải hiểu cụ thể về máy nén, nhưng không cần biết Tổng thống Mỹ là ai vào năm 1875. Và điều đó không sao cả.
Vì vậy, có rất nhiều cơ hội cho những mô hình chuyên biệt này. Tôi nghĩ không chỉ Việt Nam, Nhật Bản và ngay cả Mỹ cũng đang nhận ra điều này. Các bạn có thể coi đó là cơ hội. Một bên là những mô hình lớn rất tốn kém mà các tập đoàn lớn và chính phủ quốc gia sẽ đầu tư vào đó. Nhưng đối với 99% ngoài kia, cả về số lượng lẫn giá trị, sẽ dựa trên hàng triệu triệu mô hình chuyên môn nhỏ này. Vì vậy tôi nghĩ cơ hội cho Việt Nam là tập trung vào kiến thức chuyên biệt của mình, điều mà một OpenAI, Microsoft hay Google sẽ không bao giờ biết. Hơn nữa, những mô hình chuyên biệt này quá rời rạc để các công ty lớn đầu tư. Và tôi nghĩ những dữ liệu chuyên biệt đó chính là cơ hội, là tài sản khác biệt của Việt Nam.
Mọi người đều có thể phát huy thế mạnh của mình. Tôi nhớ khi còn là một giáo sư trẻ, tôi ước mơ đưa Thung lũng Silicon trở lại Hong Kong. Sau nhiều năm cố gắng, tôi nhận ra Hong Kong không nên cố gắng bắt chước Thung lũng Silicon. Họ nên tập trung vào thế mạnh Hong Kong là nền kinh tế thương mại lớn. Vậy điểm độc đáo hay lợi thế tương đương của Việt Nam là gì? Ví dụ như trong nông nghiệp, sản xuất, hay bây giờ đang là những lợi thế về bán dẫn, tôi nghĩ có thể ứng dụng hỗ trợ AI, tạo ra dữ liệu chuyên biệt cho AI trong những lĩnh vực này. Đó có thể là đặc thù của mỗi nền kinh tế trong trường hợp của Việt Nam.
Nhân lực AI của Việt Nam sẽ khôgn chỉ phục vụ Việt Nam, mà cả khu vực và toàn cầu
- Năng lực trong lĩnh vực AI của Việt Nam như thế nào khi so với các quốc gia trong khu vực?
- Tôi thực sự nghĩ rằng Việt Nam có lẽ đang ở vị thế tốt nhất khi xét về số liệu thống kê dân số và trình độ học vấn. Tôi đã sống và làm việc ở châu Á trong 13 năm trước khi quay trở lại Mỹ. Tôi hiểu rất rõ về nhân khẩu học của Malaysia, Singapore, v.v. và mỗi nước đều có ưu điểm và nhược điểm. Những lợi thế chỉ có ở Việt Nam liên quan đến việc tận dụng AI, đặc biệt giáo dục là một điểm nhấn rất lớn.
Trên đường từ sân bay về tôi có nói chuyện với anh tài xế, anh cho biết tất cả lương của anh cũng như của vợ anh ấy đều được chi vào quỹ giáo dục cho con cái. Tôi thực sự sốc trước mức độ sẵn sàng đầu tư cho tương lai. Vì vậy, nhấn mạnh vào giáo dục, thực tế là Việt Nam có rất nhiều người trẻ thông minh. Có rất nhiều người đoạt giải Olympic về Toán học…. Tôi nghĩ người dân Việt Nam có điều kiện học tập rất tốt và điều đó đang xảy ra ngay bây giờ.
AI đã chứng minh khả năng của các nhà nghiên cứu Việt Nam trong các hội nghị quốc tế. Vì vậy tôi nghĩ chỉ là vấn đề thời gian. Chẳng hạn những người ở FPT sẽ chứng minh điều đó, không chỉ trong không gian nghiên cứu mà còn trong không gian phát triển kỹ thuật. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi mong đợi được nghe nhiều hơn về AI, về nhân tài AI đến từ Việt Nam, phục vụ không chỉ thị trường Việt Nam, mà còn cả thị trường khu vực và toàn cầu, những nơi như Nhật Bản, Mỹ, nơi có nhu cầu cao về những nhân sự tài năng đó.
Đối với giáo dục và nguồn nhân lực, theo ông nói, tương lai Việt Nam rất có triển vọng. Nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Vậy theo ông, Việt Nam nên làm gì để đáp ứng nhu cầu hiện tại?
Đầu tiên, tôi muốn nhắc lại quan điểm rằng giáo dục cần rất nhiều thời gian. Tôi nhớ khi tôi còn là giám đốc điều hành tại Google, chúng tôi đã ra mắt Google Apps. Giờ đây mọi người đã quen với Gmail, với lịch trên Google. Nhưng lúc đó là vào khoảng năm 2007. Chúng tôi không thể thu hút được bất kỳ tập đoàn nào vì tất cả họ đều đang làm trên nền tảng Microsoft. Và vì vậy tại Google, chúng tôi quyết định đầu tư vào các trường cao đẳng, cung cấp Google Apps cho các trường đại học miễn phí hoặc với chi phí rất thấp. Bốn năm sau, thế hệ trẻ đó tốt nghiệp, lớn lên và vào làm việc tại các công ty, nói rằng: “Tôi muốn sử dụng Google Apps” và họ trở thành những người quản lý, đưa ra các quyết định sử dụng Google Apps cho toàn công ty.
Ông Christopher Nguyen (ở giữa) trong phiên thảo luận "Trí tuệ nhân tạo trong công nghiệp: Khai phá tương lai và phát triển nhân lực". |
Vì vậy, một lần nữa, tôi nghĩ giáo dục là giải pháp hiệu quả. Hiện nay Việt Nam có nhiều trường đại học hiện đại. Nền giáo dục hướng tới mục đích đào tạo những nhà lãnh đạo tiếp theo của xã hội, của doanh nghiệp. Ngay cả chương trình giảng dạy cũng có nền tảng vững chắc về khoa học vật lý và máy tính. Tôi kỳ vọng rằng nguồn tài năng đó sẽ sớm xuất hiện. Và nhu cầu về nhân lực có thể đang vượt xa nguồn cung, nhưng đó cũng là một điều tốt.
- Vâng thưa ông, nhưng đó vẫn là câu chuyện của tương lai. Vậy với tình thế hiện tại, ông có gợi ý giải pháp gì cho sự thiếu hụt hiện tại?
- Đúng thế. Hiện tại tôi biết có những tổ chức đang tập trung vào giải pháp học nghề. Tôi biết tổ chức VietAI có những chương trình dạy nghề sẽ dạy đủ kiến thức để người học có thể thực hiện công việc. Chương trình giảng dạy này không đủ kiến thức để thực hiện các công trình nghiên cứu, nhưng điều đó không cần thiết. Và các chương trình đó khá thành công, có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp đã nhanh chóng bắt nhịp và có thể làm việc. Hợp tác với các tổ chức khác trong nước và quốc tế, quy mô chương trình đào tạo nghề đang tăng lên và tôi kỳ vọng trong vòng một năm con số 1.000 đó có thể nhân lên thành 5.000, rồi năm sau là 20.000, v.v.
Điều tôi muốn nói là, các bạn cần tất cả những thứ này, để sắp xếp những mảnh ghép khác nhau trong hiện tại. Việt Nam cũng có cơ hội cho một số loại hình hợp tác công tư, kiểu mô hình đầu tư mới giữa các tập đoàn và giữa tư nhân, các tổ chức tư nhân và có lẽ được sự hỗ trợ từ các chính sách thông minh của chính phủ. Vì vậy, tôi cũng nghĩ vấn đề trọng tâm là chính sách. Cần có sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ để giải quyết câu hỏi mà chúng ta đang nói đến.
AI không chỉ là một công nghệ, mà là một loại công nghệ đặc biệt
- Theo ý kiến của ông, lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam là gì? Các DN Việt Nam cần phải cải thiện, tập trung vào những điểm nào để có thể duy trì lợi thế cạnh tranh đó?
- Việt Nam nằm trong các nền kinh tế mới nổi. Những năm gần đây, chúng ta hay dùng từ “nhảy vọt” khi nói về nền kinh tế Việt Nam. Với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đã đi tắt đón đầu trên nhiều mặt. Lấy làn sóng AI hiện tại làm ví dụ. Mọi người đều công nhận rằng đây là một công nghệ rất chiến lược, rất quan trọng.
Việt Nam đang đầu tư mạnh vào AI, và giới trẻ Việt Nam, cũng rất quan tâm đến công nghệ này. Những bạn trẻ Việt Nam, tốt nghiệp đại học, đặc biệt Việt Nam có những tổ chức giáo dục lớn đầu tư mạnh cho công nghệ AI như FPT, VinAI, VietAI… Tôi nghĩ rất nhiều người trẻ lần đầu tiên bước chân vào lĩnh vực này, và có rất nhiều tài năng có thể làm việc trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ đó là một điều rất lạc quan, chúng ta có thể đi tắt đón đầu rất nhiều công nghệ và chỉ cần đầu tư vào những gì đang cần hiện nay.
- Các công ty Việt Nam đang thực sự hào hứng với làn sóng AI. Nhiều công ty lớn đã đầu tư phát triển dự án AI. Tuy nhiên, các công ty vừa và nhỏ, họ cũng muốn ứng dụng AI vào mô hình kinh doanh nhưng vẫn cảm thấy khá bối rối và chưa biết phải làm như thế nào. Ông có đề xuất gì dành cho các công ty vừa và nhỏ?
- Phải nói như thế này, bất cứ khi nào tôi đối mặt với điều gì đó mới mẻ và khó hiểu, tôi sẽ phải tìm hiểu kỹ về nó. Tôi gọi đó là phương pháp SOLID. Trong đó, S là quy mô (size), quy mô có thể rất lớn, hoặc nhỏ hoặc đặc biệt. Nghĩa là, sẽ có những quy mô dành cho các doanh nghiệp lớn, cũng có những mô hình dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lưu ý là mô hình nhỏ sẽ nhanh và linh hoạt hơn nhiều.
O là viết tắt của Quyền sở hữu (ownership) mô hình AI. Có hai lựa chọn sở hữu, một là sở hữu mô hình riêng và hai là thuê mô hình từ nhà cung cấp. Sở hữu riêng sẽ cần thiết nếu mô hình AI chứa tài sản trí tuệ độc quyền của công ty hoặc kiến thức về lĩnh vực cạnh tranh. Thuê mô hình sẽ phù hợp hơn nếu doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một mô hình kiến thức chung và không muốn mất chi phí vốn để tạo ra hoặc chi phí vận hành mô hình.
L là cấp độ (Level) và I là tầm quan trọng (Importance). Cuối cùng, D là tính chuyên biệt (Domain). Một lần nữa, doanh nghiệp muốn một mô hình tập trung, như một chuyên gia, hiểu về lĩnh vực cụ thể.
Rõ ràng, không có một mô hình AI nào phù hợp cho tất cả mọi người. Đó chính là một nguyên tắc, khuôn khổ mà tôi muốn mọi người nghĩ tới khi xem xét đầu tư vào AI.
- Theo ông, chính phủ nên làm gì, đưa ra những chính sách nào để hỗ trợ cho các DN phát triển trí tuệ nhân tạo cũng như thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực tại Việt Nam?
- Nếu theo dõi, chúng ta sẽ thấy các quốc gia như Nhật Bản, Singapore hay Ấn Độ, họ xem làn sóng công nghệ này vừa là cơ hội vừa là mối đe dọa. Đúng là có những mối đe dọa, rủi ro tiềm ẩn với AI. Khi nói đến AI, nhiều quốc gia coi đó là vấn đề an ninh kinh tế quốc gia theo đúng nghĩa đen. Điều tôi muốn nói là các quốc gia xem đó là mối đe dọa tiềm tàng của việc phụ thuộc quá mức vào các quốc gia khác. Hiện nay nhiều người còn nhắc đến thuật ngữ “chủ quyền AI”.
Thực tế là AI nguồn đóng đang bị thống trị bởi một số công ty. Hiện tại chúng tôi có các mô hình lớn, nguồn mở khá cạnh tranh hoạt động và hiệu suất tốt. Tôi nghĩ Việt Nam nên tăng tốc và có các chính sách quốc gia về AI, coi đó không chỉ như một công nghệ mà còn là một loại công nghệ đặc biệt, chính sách cần giải quyết cơ hội và cả những mối rủi ro.
Diễn đàn Công nghệ Quốc tế FPT (FPT Techday 2023) tổ chức vào hai ngày (24-25/10) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với chủ đề “Kiến tạo hạnh phúc” đã thực sự mang đến bữa đại tiệc công nghệ chiêu đãi đa giác quan cho gần 10.000 lượt khách tham dự. Sự kiện thu hút không chỉ cộng đồng công nghệ, cộng đồng kinh doanh, mà cả những bạn trẻ đến để cảm nhận vẻ đẹp của công nghệ, cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay... Trong 35 năm qua, FPT luôn tận lực nghiên cứu, phát triển các nền tảng, sản phẩm, giải pháp công nghệ phụng sự cuộc sống của con người, vì sự phát triển của quốc gia, doanh nghiệp, cộng đồng. Sự kiện FPT Techday 2023 là cách FPT khẳng định cam kết của mình trong việc đóng góp, kiến tạo tương lai mà ở đó công nghệ mang tới hạnh phúc cho con người. Đồng thời, sự kiện cũng thể hiện sự tự hào và tầm nhìn của FPT trong việc xây dựng một cộng đồng công nghệ toàn cầu cho các doanh nghiệp và chuyên gia trí tuệ nhân tạo trao đổi kiến thức, tìm kiếm cơ hội và thúc đẩy đổi mới. |
VnEconomy
Ý kiến
()