Chúng ta

CEO Trần Hải Linh: ‘Làm thương mại di dộng cần chậm rãi’

Thứ hai, 17/8/2015 | 18:53 GMT+7

Tại hội thảo “Ứng dụng thương mại điện tử trên di động: Future Now”, TGĐ Sendo Trần Hải Linh nhấn mạnh, thương mại di động đang trở thành xu thế tất yếu nhưng các doanh nghiệp cần tỉnh táo để có những bước đi thận trọng, chậm rãi nhưng chắc chắn trong làn sóng này.

Thương mại điện tử đã xuất hiện tại Việt Nam khá lâu nhưng chưa phải là ở thời kỳ đỉnh cao. Nếu chỉ tính riêng số liệu của Việt Nam, năm 2011 tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 0,25% thị trường, đạt 154 triệu USD. Đến cuối năm 2016, dự kiến tỷ trọng này tăng gấp 3 lần, đạt 0,71% với giá trị vốn hóa tăng gấp 6 lần đạt trên 900 triệu USD (tương đương 18.000 tỷ đồng). Theo anh Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), trong 5 năm tới nữa ngành này mới thực sự phát triển. “Điều đó hoàn toàn phù hợp với thực tế thị trường hiện nay. Trong thời gian này doanh nghiệp phải đổi mới phương thức kinh doanh để tiếp cận khách hàng”, anh Linh chia sẻ.

Đồng thuận với chia sẻ của Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, TGĐ Grabtaxi Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ: “Thương mại điện tử giờ đây không còn là lý thuyết nữa”. Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Khương, CEO GNC Pay đánh giá: “Việc để xã hội tiếp nhận thương mại điện tử là văn hóa. Người ta sẽ cảm nhận dần đến lúc tin tưởng được thì thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh”.

“Ở đây có ai dùng điện thoại không thể truy cập internet?”, TGĐ Sendo Trần Hải Linh đặt câu hỏi với các thính giả. Cả hội trường lớn không một cánh tay nào giơ lên thể hiện sự hiện diện rộng khắp của điện thoại thông minh. Giờ đây hầu như ai cũng có trong tay một thiết bị có thể kết nối internet mọi lúc mọi nơi. “Máy tính sẽ không tăng trưởng nữa mà tất cả mọi tăng trưởng trên internet đều xuất phát từ thiết bị di động”, anh Linh nhấn mạnh.

tmdd-5542-1439792572.jpg

TGĐ Sendo Trần Hải Linh (bìa trái) cùng các đại diện từ Zalora, Grabtaxi, GNC PAy trao đổi trong tọa đàm tại hội thảo "Ứng dụng thương mại điện tử trên di động: Future Now". Ảnh: Yến Nhi

Số liệu từ Google cho thấy, 69% người VN tìm kiếm thông tin trực tuyến về sản phẩm ít nhất 1 lần/tháng. Tỷ lệ sử dụng internet hằng ngày cho các mục đích cá nhân là 59% với máy tính để bàn, 61% với máy tính bảng và con số này là 76% ở điện thoại di động.

Ngay từ cuối năm 2013, Sendo đã quan tâm đến thương mại di động mà cụ thể là đã xây dựng chiến lược triển khai giao diện thân thiện với điện thoại (mobile friendly). Tháng 7 vừa qua, Sendo cũng đã chính thức ra mắt ứng dụng mua sắm dành cho các thiết bị di động chạy hệ điều hành iOS và Android. Sendo App có tính năng tìm kiếm sản phẩm bằng giọng nói và QR code. Người dùng còn có thể chat trực tiếp với người bán để được tư vấn sản phẩm ngay lập tức. Trạng thái đơn hàng khi vận chuyển và giao nhận cũng được cập nhật chi tiết. Một điểm quan trọng là Sendo có khả năng bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân của khách hàng khi là sàn thương mại điện tử duy nhất ở Việt Nam được cấp chứng chỉ bảo mật PCI DSS, chứng chỉ cao nhất về bảo mật thông tin.

Anh Linh cho biết, khi quyết định đầu tư vào di động, đội ngũ Sendo đã nghĩ đến việc có nên làm ứng dụng hay không. Tuy nhiên, điều đầu tiên mà tất cả quan tâm là phải giải quyết bài toán người dùng. Bởi không nhất thiết phải có ứng dụng thì người dùng mới có thể truy cập Sendo. “Nếu không có lý do khiến mỗi tuần người mua đều truy cập ứng dụng một lần thì không nên làm”, TGĐ Sendo quả quyết.

Lý do được đưa ra là bởi vì đầu tư ứng dụng rất tốn công. Vì thế, chỉ cần làm một phiên bản thân thiện với mobile và biết chú trọng SEO đúng mức là có thể thu về những tín hiệu khả quan với ưu điểm là chi phí thấp. “Bước đầu nên đầu tư vào đây bởi nó sẽ giúp doanh nghiệp của bạn giữ thứ hạng tốt tại Google Play mà không tốn quá nhiều tiền bởi chuyên gia từ Google cho hay, họ đánh giá rất cao những website có giao diện friendly mobile”, anh Linh tiết lộ.

Nếu đã làm xong bước này, bước tiếp theo là nghĩ đến mobile (nghĩ đến cách vận hàng, quảng cáo). Trong khi đó, giá quảng cáo ở Google, Facebook... cho gói mobile rẻ hơn trên máy tính rất nhiều. “Và khi nghĩ đến việc có thể tiến xa, phát triển thêm thì hãy bắt đầu với ứng dụng vì đây là việc rất mất thời gian, nên làm sau cùng”, TGĐ Sendo chia sẻ.

linh-3462-1439792573.jpg

Anh Trần Hải Linh phát biểu tại họp báo công bố chiến lược thương mại điện tử trên di động của Sendo vào cuối tháng 7. Ảnh: Yến Nhi

Rất nhiều doanh nghiệp đã hỏi Sendo lời khuyên nên làm mobile trên nền tảng nào. Anh Linh cho biết không thể đưa ra câu trả lời chính xác bởi điều đó phụ thuộc vào tập khách hàng và dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, anh lưu ý là nếu tập trung vào phân khúc thấp thì nên làm Android trước, phân khúc cao thì iOS trước. “Nếu có tiền thì đương nhiên là nên làm cả hai”, nhà điều hành Sendo bày tỏ.  

“Thương mại điện tử trên web hay di động thì sự chuyên biệt hay đa dạng là tốt hơn cho một đơn vị mới gia nhập thị trường?”, một câu hỏi được đặt ra cho TGĐ sàn thương mại điện tử số 2 Việt Nam. Câu trả lời là mỗi mô hình kinh doanh có điểm mạnh và điểm yếu phụ thuộc vào thế mạnh kinh doanh của từng doanh nghiệp nên không thể nói cái nào là tốt hơn.

Trong xu thế thương mại di động, ngoài việc cho ra mắt ứng dụng thông minh, Sendo cũng khuyến khích bằng nhiều hình thức đối với các shop có sự quan tâm đến vấn đề này. Những shop có chương trình giảm giá cho ứng dụng di động sẽ được ưu tiên đẩy hàng ở những vị trí thuận lợi, tăng cường hoạt động quảng bá nhiều hơn bởi “phần lớn đơn hàng của Sendo do thiết bị di động quyết định”.

Theo kết quả thống kê của Zalora, lượng truy cập ứng dụng thông minh của trang thương mại điện tử này chỉ chiếm 15% so với 45% của máy tính để bàn và 40% của trang di động nhưng doanh thu từ đây là gấp đôi với lượng truy cập. Thương mại di động đang thực sự là một tiềm năng mà không ai muốn bỏ lỡ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tỉnh táo để nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ một chiến lược cụ thể nào bởi nếu không biết cách sẽ dễ tự đẩy mình vào thế khó.

>> Thương mại di động: Bước tiến mới của Sendo

Yến Nhi

Ý kiến

()