Sunil Bharti Mittal, sáng lập và Chủ tịch Bharti Airtel - nhà mạng di động lớn thứ 3 Ấn Độ, vừa tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở New Delhi. Ông Mittal cho rằng Huawei nên tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của Ấn Độ, theo CNN. “Quan điểm của tôi là họ [Huawei] nên tham gia, tôi thực sự cảm thấy họ cần phải tham gia”, Chủ tịch Bharti Airtel nói trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu triển khai mạng 5G quốc gia vào năm tới.
Sunil Bharti Mittal, sáng lập và Chủ tịch Bharti Airtel - nhà mạng di động lớn thứ 3 Ấn Độ, chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở New Delhi. Ảnh: CNN |
Huawei được công nhận là công ty đứng đầu thế giới về công nghệ 5G. Tuy nhiên, vai trò của họ trong việc triển khai mạng 5G trên toàn thế giới đã gặp phải thách thức khi bị Washington tuýt còi và ngăn cản. Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Huawei gian lận thương mại, vi phạm lệnh trừng phạt chống lại Iran, và đây có thể được coi là công cụ tình báo của chính phủ Trung Quốc, làm dấy lên mối quan ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, Huawei chưa từng thừa nhận cáo buộc này. Cính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào “Entity List” (danh sách các tổ chức, cá nhân được tin là có liên quan hay tham gia vào các hoạt động đi ngược với an ninh quốc gia hay lợi ích đối ngoại của Mỹ) nhằm ngăn chặn các công ty của Mỹ hợp tác với Huawei mà không có giấy phép. Cạnh đó, Mỹ cũng tạo áp lực ngoại giao lên các nước đồng minh nhằm ngăn chặn Huawei tham gia vào cơ sở hạ tầng viễn thông thế hệ mới của họ.
Anh dự kiến sẽ công bố quyết định cuối cùng về việc Huawei có thể tham gia triển khai cơ 5G trong mùa thu này. Các nhà mạng di động tại Anh và nhiều nơi khác đã chuyển sang sử dụng phần cứng của Nokia và Ericsson do dự đoán có thể có lệnh cấm đối với Huawei, mặc dù đã có mối lo ngại rằng 2 hãng này không có công nghệ tiên tiến như của Huawei.
Chủ tịch Bharti Airtel nhận định: “Trong suốt 10 hoặc 12 năm qua, [Huawei] đã phát triển sản phẩm tốt đến mức tôi có thể chắc chắn rằng sản phẩm của họ vượt trội hơn hẳn so với Ericssion và Nokia”. Airtel đã sử dụng các thiết bị của Huawei, Nokia và Ericsson cho hạ tầng 3G và 4G của mình.
Mittal thông tin thêm rằng Ấn Độ nên làm việc với Huawei một phần để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào các công ty công nghệ phương Tây, khiến chính phủ Ấn Độ có rất ít “đòn bẩy” trên trường quốc tế, và các công ty địa phương có thể hưởng lợi từ việc hợp tác với Huawei.
Là một trong 6 công ty đã gửi đề xuất tham gia thử nghiệm 5G, CEO của Huawei Ấn Độ - ông Jay Chen từng tuyên bố công ty không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề nào với chính phủ Ấn Độ.
Đánh giá của Mittal được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Wilbur Ross, Bộ trưởng thương mại Mỹ nhắc lại rằng Huawei đã thực sự tạo ra một mối đe dọa an ninh và chính phủ Ấn Độ cần có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này: “Cuối cùng, Ấn Độ cũng sẽ phải đưa ra quyết định của mình, thế nhưng điều chúng tôi quan tâm là an ninh chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ”, ông Ross nói.
Nhưng Chủ tịch Mittal lại chỉ trích Ross: “Chúng tôi ghi nhận lời khuyên từ phía Mỹ, nhưng Ấn Độ sẽ phải tự quyết định, dựa trên mối quan hệ với Trung Quốc trong một bối cảnh rộng lớn hơn”.
Danh sách đen của Mỹ đã lấn át sự ra mắt của dòng điện thoại thông minh hàng đầu mới nhất của Huawei là Mate 30. Dòng điện thoại này sử dụng phiên bản Android cơ bản, nguồn mở và không chứa các ứng dụng mặc định của Google như Maps, YouTube hoặc Photos.
Mới nhất, ngày 10/10, tờ New York Times cho hay chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ sớm cho phép một số công ty Mỹ bán hàng cho Huawei. Bước đi của chính quyền Mỹ được New York Times nhận xét là có thể xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo nguồn tin, trong cuộc họp tuần trước, Tổng thống Trump đã “bật đèn xanh” để bắt đầu quy trình phê duyệt giấy phép, chọn lựa một số doanh nghiệp bán hàng cho Huawei.
>> Gartner: 5G giúp cứu vãn doanh số điện thoại thông minh
Mai Anh
Ý kiến
()