Bốn khởi nghiệp theo các hướng đi mới mẻ về y tế, thẩm mỹ, robot công nghiệp, từ thiện và quản lý nhân viên. |
Đó là máy phát tia plasma lạnh phối hợp điều trị vết thương "Made in Vietnam" của Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng và Nguyễn Thế Anh. Nhờ đó, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh điều trị trong y tế và thẩm mỹ.
Với ông chủ Robotics 3T, đam mê phát triển hệ thống robot công nghiệp lấn át cả việc học thạc sĩ ở Hàn Quốc. Anh Trương Trọng Toại bỏ du học Hàn Quốc về Việt Nam mở công ty chế tạo robot công nghiệp, bởi nhu cầu trên thị trường rất lớn nhưng chưa có sản phẩm “made in Vietnam” nào.
Ứng dụng tài trợ Dobody của anh Phan Bá Mạnh chỉ ra các vùng khó khăn trên cả nước đang thiếu những gì để nhà hảo tâm đáp ứng đúng nhu cầu của người dân địa phương đó.
Hay ứng dụng Perkfec gắn kết nhân viên, giữ người tài của chàng trai 9x Nguyễn Văn Toản là nơi mọi người tìm thấy giá trị của mình khi làm việc giữa tập thể và vui vẻ cống hiến.
Những ứng dụng của start-up Việt thu hút cả người dùng nước ngoài |
Khởi nghiệp từ tay trắng, Vũ Quang Trung từng bước lập nên Websosanh có dữ liệu giá cả, thông số kỹ thuật của trên 10 triệu sản phẩm từ hơn 12.000 website. Ông chủ trẻ tuổi ấp ủ dự định tiến ra thế giới, trước mắt là Nam Mỹ. Quang Trung cho hay, bản thân anh cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, bắt đầu từ số 0, nhưng nếu có niềm tin, sự bản lĩnh và quyết tâm làm đến cùng sẽ đủ sức vượt qua tất cả.
Monkey Junior - ứng dụng dạy trẻ 0-10 tuổi học và hiểu ngôn ngữ của anh Đào Xuân Hoàng hiện có 1,5 triệu người dùng trên thế giới sau hơn 10 tháng ra mắt, Trong đó, 30% người dùng đến từ Mỹ, chỉ 10-20% là người Việt, còn lại là các nước khác. Đây là chương trình học đọc phổ biến nhất trên App Store và Google Play tại Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, phần mềm quản lý chi tiêu cá nhân Money Lover của Ngô Xuân Huy có 35 ngôn ngữ khác nhau, là ứng dụng trên Google Play và App Store hiếm hoi do người Việt phát triển.
Ở phân khúc ẩm thực, ra mắt vào năm 2014, công ty dịch vụ đặt món Offpeak của Christian Nguyễn - Việt kiều Pháp đã mở rộng thị trường vào Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia. Đơn vị này vừa được quỹ đầu tư Yahoo Nhật Bản đầu tư hàng triệu USD.
Anh Trương Thanh Hoài, người sáng lập MediThank (trái) và anh Lê Đăng Khoa, người sáng lập Zita. |
Lê Đăng Khoa vốn là một cử nhân tâm lý, lại thành công với ứng dụng website tìm kiếm mọi thông tin liên quan đến mua bán, giao dịch bất động sản - Zita.
Anh tâm niệm, khởi nghiệp không dễ dàng, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Song, chính những thất bại sẽ giúp mình nhìn rõ năng lực bản thân. Hoạt động khoảng 7 tháng, hiện lượng truy cập mỗi tháng của trang web này 700.000 lượt, một ngày trên 2.000 tin đăng giao dịch.
Tương tự, ông chủ của ứng dụng lưu trữ dữ liệu y khoa online mediThank không làm trong ngành y, lập trình hay am hiểu thiết kế giao diện.
"Tôi dùng kinh nghiệm tích lũy cùng kỹ năng có được trong 10 năm làm marketing, tư vấn, giảng dạy mà phác thảo tổng thể sản phẩm ứng dụng trong y khoa", vị CEO chia sẻ.
Sau 3 tháng chính thức đi vào hoạt động, mediThank có hơn 300 tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ. Anh kỳ vọng thu hút người dùng tại các quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Và tất cả trẻ em khi sinh ra đều sẽ có một mã số y khoa online cho đến suốt cuộc đời.
5 trong số 18 startup này sẽ được lựa chọn thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng chuyên môn để giành danh hiệu Startup Việt 2016.
Các Startup Việt hoạt động đa lĩnh vực như y tế, giáo dục, bán lẻ, bất động sản, nông nghiệp, tiêu dùng... Ảnh minh họa.
Chương trình bình chọn Startup Việt 2016 khởi động từ đầu tháng 11, thu hút hơn 300 hồ sơ đăng ký tham dự. Trên 9.000 lượt độc giả đã tham gia với 32.000 lượt bình chọn để tìm ra những startup nổi bật.
Top 18 Startup tiêu biểu năm 2016 do VnExpress bình chọn sẽ được vinh danh trong buổi lễ diễn ra ngày 9/1/2017 tại TP HCM. Từ Top 18, Ban tổ chức sẽ chọn ra 5 startup xuất sắc nhất tham gia thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng Chuyên môn để giành danh hiệu Startup Việt 2016.
Các đơn vị trong Top 18 sẽ nhận Danh hiệu và chứng nhận “Top 18 Startup Việt - Sải bước thành công”, với giải thưởng là gói truyền thông miễn phí trị giá 100 triệu đồng trên hệ thống các trang Báo điện tử VnExpress hoặc Ngoisao, thời hạn sử dụng trong năm 2017. Giải thưởng dành cho một Startup Việt 2016 là gói truyền thông miễn phí trị giá 500 triệu đồng trên hệ thống các trang Báo điện tử VnExpress hoặc Ngoisao, thời hạn sử dụng trong năm 2017.
Một chiếc điện thoại iPhone 7 Plus 128Gb dành cho độc giả may mắn tham gia chương trình bình chọn, lựa chọn cho ít nhất một trong số 18 startup lọt vào vòng chung kết.
Theo VnExpress
Ý kiến
()