Chúng ta

Anh Trương Gia Bình: ‘Cuộc đua số năm nay sôi động, hấp dẫn hơn’

Thứ sáu, 18/5/2018 | 18:37 GMT+7

“Cuộc đua số rất hồi hộp, kịch tính và đầy bất ngờ. Tôi thấy chương trình năm nay sôi động, hấp dẫn hơn, lên sóng trực tiếp trên VTV2 rất hoàn chỉnh, không có sơ xuất gì xảy ra. Đó là một sự thành công”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định.

Sau 8 tháng với các vòng thi đầy kịch tính ở cả 2 miền Bắc và Nam, trận Chung kết Cuộc đua số 2017-2018 đã diễn ra tại nhà thi đấu quận Tây Hồ, Hà Nội vào lúc 20h30 ngày 17/5 và được phát sóng trực tiếp trên VTV2. 8 đội xuất sắc đến từ 6 trường đại học trên cả nước đã hội ngộ tranh tài để giành tấm vé đi Nhật cùng các phần thưởng với tổng giá trị là 450 triệu đồng.

32845634-1315615425249270-5546-9856-7671

Hệ thống mô hình được đầu tư thay mới hoàn toàn sau cuộc thi Bán kết. Ảnh: Trần Hà.

Tham dự chương trình có sự hiện diện của ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; anh Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT; anh Bùi Quang Ngọc, TGĐ FPT; ông Vũ Minh Bảo, Phó trưởng ban Khoa giáo đài THVN cùng các đại diện các trường đại học có đội dự thi. Khán đài nhà thi đấu quận Tây Hồ được phủ kín bởi hơn 1.000 khán giả là phụ huynh, sinh viên đến cổ vũ cho các 8 đội. 

Phát biểu tại chương trình, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh tập đoàn FPT đã có sáng kiến tổ chức Cuộc đua số. Đây cũng là hành động để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt qua Chỉ thị 16 về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”.

So với năm ngoái, chương trình năm nay được chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư lớn hơn về cả hình thức và nội dung. Theo TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, Cuộc đua số năm nay ''hay hơn 10 lần năm ngoái''. Người đứng đầu FPT đánh giá cao chất lượng đội thi cũng như khâu chuẩn bị chuyên nghiệp từ vòng loại. 

32706667-1315614605249352-6379-6299-8808

Các thành viên ban Công nghệ FPT nhiều đêm không ngủ để hoàn thiện mô hình, đảm bảo kỹ thuật trước giờ lên sóng trực tiếp. Ảnh: Trần Hà.

Để có được 90 phút Chung kết Cuộc đua số 2018 lên sóng trực tiếp hoàn chỉnh trên VTV2 là sự nỗ lực chuẩn bị của ekip thực hiện chương trình gồm Ban Công nghệ và Ban Truyền thông FPT phối hợp cùng ban Khoa giáo đài Truyền hình Việt Nam trong hơn một tháng ngay sau trận Bán kết diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua.

“Lần đầu tiên lên sóng trực tiếp nên BTC khá áp lực bởi chương trình đòi hỏi mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ càng đến từng chi tiết. Chương trình phải được diễn ra trơn chu từng giây, từng phút để không bị hụt sóng khi chưa kết thúc. Mục tiêu của chương trình là làm sao để người theo dõi có thể hiểu được các công nghệ của chương trình và cảm thấy hấp dẫn, lôi cuốn như một gameshow thực sự”, chị Đặng Ánh Tuyết, Phó Trưởng ban Truyền thông, thành viên BTC, cho biết.

“BTC quá căng thẳng bởi các luật chơi rất phức tạp. Đội ngũ kỹ thuật đã cố gắng hết sức để tạo ra được một hệ thống chấm điểm chính xác. Sau Bán kết, trong vòng hơn một tháng, Ban Công nghệ đã quyết định làm lại toàn bộ hệ thống để đảm bảo trận Chung kết không xảy ra bất cứ sai sót nào về hệ thống kỹ thuật. Bởi thế mà có đồng chí đã 5 đêm không ngủ”, anh Lê Hồng Việt, Trưởng ban Công nghệ FPT, chia sẻ.

32746455-10155904859398736-807-6168-8194

Đội ngũ kỹ thuật viên của ban Khoa giáo Đài THVN cũng dồn hết tấm sức cho chương trình diễn ra hoàn chỉnh nhất. Ảnh: FB Đặng Ánh Tuyết.

Cũng thức trắng nhiều đêm để cùng hoàn thiện hệ thống sa hình cho cuộc đua cùng các đồng đội, anh Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng IoT ban Công nghệ FPT bày tỏ: “Anh em đội IoT cũng ‘chạy đua’ cùng các đội từ việc sửa xe, hướng dẫn các đội thi trước giờ thi đấu. Đội IoT đã làm việc với 200% công suất để có một đêm chung kết tốt”.

Mùa đầu tiên, Cuộc đua số thu hút 145 đội tham gia với hơn 500 sinh viên đến từ 10 trường đại học trên cả nước. Năm nay, mùa thứ 2 của chương trình số đội đăng ký tham gia đã tăng lên là 260 đội với gần 800 sinh viên đến từ 32 trường đại học toàn quốc. 

“Năm nay, các đội dự thi đông hơn mùa đầu, khâu tổ chức cũng sẽ thêm phần cầu kỳ hơn. Hơn nữa, đề bài cho các đội dự thi năm nay cũng đòi hỏi cao hơn năm trước. Mùa 2018, BTC ra đề nhận diện biển báo và thêm cỏ xanh lấp vạch kẻ đường nên tạo ra nhiều thử thách hơn cho các đội thi. Điều đó cũng đã làm chương trình năm nay hấp dẫn và kịch tính hơn rất nhiều”, chị Lê Thị Thanh Huyền, cán bộ ban Truyền thông, thành viên BTC, bộc bạch. 

32684916-10155904859383736-775-3839-8877

Các thành viên BTC chương trình Cuộc đua số mùa thứ 2. Ảnh: FB Đặng Ánh Tuyết.

Kết thúc vòng loại từ 8 đội ban đầu, 4 đội khu vực phía Bắc là UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội); Winwin Spiral và Prototype (ĐH FPT); MTA_Race4Fun (Học viện Kỹ thuật Quân sự) tiến vào vòng đấu loại trực tiếp qua 3 vòng với 3 sa hình tăng độ khó qua từng vòng. 

Trải qua hơn 1 tiếng thi đấu đầy kịch tính, giải nhất đã thuộc về đội UET Fastest - ĐH Công nghệ ĐH Quốc gia Hà Nội, giải nhì là đội Winwin Spiral - ĐH FPT. Hai đội đồng giải ba là Prototype (ĐH FPT) và MTA Race4Fun (Học viện Kỹ thuật Quân sự). 

Đội Vô địch nhận phần thưởng có tổng giá trị là 450 triệu đồng, trong đó có chuyến tham quan và trải nghiệm trong vòng một tuần tại Nhật Bản và được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn.

Với việc tổ chức cuộc thi công nghệ thường niên “Cuộc đua số” bắt đầu từ năm 2016-2017, FPT hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn lực công nghệ mới cho Việt Nam; đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tiếp cận, thực hành, nghiên cứu công nghệ mới của thế giới như Autonomous, Robotics, AI, IoT… thông qua việc giải quyết các bài toán với độ khó ngày càng cao hơn của cuộc thi; đồng thời xây dựng năng lực công nghệ cho Việt Nam để sau khoảng 5 năm sẽ có thiết bị tự hành “Made in Vietnam” chạy trong môi trường thật.

Diệu Anh

Ý kiến

()