Chúng ta

Anh Phan Thanh Sơn: 'Công nghệ giúp phân tích các dữ liệu thành kiến thức'

Thứ sáu, 3/3/2023 | 15:11 GMT+7

Công nghệ giúp việc xây dựng, vận hành… thành phố trở nên thông minh hơn, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, cân đối lại một số chỉ trích về ảnh hưởng đến khí hậu - anh Phan Thanh Sơn đưa ra quan điểm tại Diễn đàn châu Á Thái Bình Dương của cơ quan tư vấn ngoại thương Pháp (CCE). 

Diễn đàn châu Á Thái Bình Dương của cơ quan tư vấn ngoại thương Pháp (CCE) được tổ chức tại TP HCM ngày 1-3/3 với chủ đề chủ đề “Châu Á 4.0 trong một thế giới đang thay đổi cho sự tăng trưởng mới”. Sự kiện quy tụ gần 500 nhà điều hành cấp cao, tham gia các hội nghị và hội thảo xoay quanh 4 chủ đề chính: sự hiện diện của Pháp ở châu Á Thái Bình Dương, các vấn đề khí hậu và thành phố thông minh, cách thức tiêu dùng mới, cũng như thỏa thuận toàn cầu mới mà đã nổi lên vào năm 2022 và những tác động của nó ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Anh Phan Thanh Sơn - Giám đốc Phát triển kinh doanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chuyển đổi số/BCIS, FPT IS - đã tham gia với tư cách diễn giả phiên thảo luận “Các vấn đề khí hậu - Thành phố thông minh”.

-6425-1677817939.jpg

Phiên thảo luận có anh Phan Thanh Sơn cùng các diễn giả Francois Amman - Đồng chủ tịch và đồng sáng lập Aden Group; Thierry Blandinieres - CEO InVivo Group;  Maïa Maniglier (cơ quan tư vấn ngoại thương Pháp tại Nhật Bản); Denis Depoux - Giám đốc điều hành toàn cầu Roland Berger, dưới sự điều phối của ông Gilles Bonnenfant - Chủ tịch Eurogroup.

Đưa ra nhận định về giá trị mang lại của công nghệ tới thành phố thông minh, anh Sơn cho rằng, đầu tiên công nghệ mang lại đồng thời khả năng lĩnh hội tri thức (intelligence) và khả năng ứng dụng tri thức trong các tình huống cụ thể, như ứng dụng vào giao thông, y tế… (smart). Ứng dụng cho thành phố, công nghệ có thể giúp các chu kỳ của thành phố gồm quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành, tối ưu hoá trở nên thông minh hơn, như xây dựng giao thông thông minh, cầu cống thông minh, xây dựng cơ sở hạ tầng số của đô thị, giúp tăng kết nối…

Hơn nữa, công nghệ giúp phân tích các dữ liệu thành kiến thức, cho phép tầng ứng dụng tạo nên trải nghiệm mới. Chẳng hạn, người dân có thể dùng dịch vụ công trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng… mọi lúc mọi nơi tiện dụng, không cần đến các cơ sở hành chính hay ngân hàng…

Đặc biệt, các giá trị công nghệ mang lại càng cao nếu có cái nhìn tổng thể (holistic) thay vì riêng lẻ các lĩnh vực như giáo dục, giao thông, chính phủ số… và kết hợp mô hình chính quyền quản lý và doanh nghiệp quản lý, người dân tham gia, giúp thành phố thông minh thành công, hiệu quả cao hơn.

Cạnh đó, liên quan đến chỉ trích về việc công nghệ tiêu tốn năng lượng cho việc ứng dụng thành phố thông minh, anh Phan Thanh Sơn công nhận một mặt, số hoá làm phát sinh nhiều dữ liệu và những nhu cầu khác như tính toán lưu trữ, băng thông… tương đương chi phí sản xuất các thiết bị ngày càng tăng; chi phí lắp đặt, trung tâm dữ liệu, người sử dụng tạo sự tiêu thụ năng lượng lớn, nhất là khi các ứng dụng ngày càng cao cấp. 

Chưa kể, khi công nghệ phát triển, chu kỳ sử dụng các sản phẩm công nghệ ngắn lại, gia tăng rác điện tử. Khoảng cách công nghệ cũng tồn tại khi không phải việc tiếp cận đến công nghệ là như nhau, tức giá trị công nghệ mang lại trong nhiều trường hợp chỉ tồn tại trong một số lượng dân cư nhất định. Trong khi nếu khoảng cách này được thu hẹp, bình quân năng lượng sử dụng trên đầu người cho công nghệ sẽ giảm xuống.

Tuy nhiên, thành phố thông minh, toà nhà thông minh cũng giúp tiết kiệm năng lượng. Để đánh giá chính xác, cần nhìn tổng thể việc chuyển đổi số tiết kiệm bao nhiêu trong quá trình lên kế hoạch, chi phí đầu tư, chi phí vận hành, tạo mô hình kinh doanh mới… Trên thực tế, giá trị này cao hơn chỉ số năng lượng phải tiêu thụ. Vì vậy, công nghệ và những phát minh, sự trưởng thành của công nghệ cân đối lại những chỉ trích mà người ta nghĩ về vấn đề tiêu thụ năng lượng.

-9517-1677817939.jpg

Diễn đàn của cơ quan tư vấn ngoại thương Pháp mang chủ đề “Châu Á 4.0 trong một thế giới đang thay đổi cho sự tăng trưởng mới” quy tụ gần 500 nhà điều hành cấp cao

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các diễn giả khác cũng đã đưa ra các góc nhìn về thành phố thông minh ở Nhật Bản với đặc trưng đề cao chiều kích liên quan con người, hạnh phúc, sự thỏa mãn…; toà nhà thông minh giúp tăng hiệu quả, giảm tiêu thụ năng lượng như thế nào; ảnh hưởng của đô thị hoá ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp và ứng dụng nông nghiệp trong bài toán thành phố thông minh; bài toán tối ưu hoá sử dụng năng lượng thông minh trong thành phố thông minh…

Đây là lần thứ 13 Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương của cơ quan tư vấn ngoại thương Pháp (CCE) được tổ chức và là lần đầu tiên kể từ đại dịch Covid, sau sự kiện được tổ chức ở Bali năm 2017. Việc lựa chọn của Việt Nam cho lần tổ chức này được cho là vì sự tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam để trở thành một trong những nước mạnh nhất ASEAN, cũng như sự hiện diện lâu đời của Pháp tại Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam tìm kiếm và mở rộng hợp tác.  

Theo anh Phan Thanh Sơn, lịch sử quan hệ lâu dài, nhiều chương trình cam kết ở mức chính phủ, đặc biệt là sự tài trợ của Pháp cho chương trình chuyển đổi số quốc gia và chính phủ số của Việt Nam tạo tiền đề, cơ hội cho việc mở rộng quan hệ giữa FPT với Pháp. 

Hà An

Ý kiến

()