Pin luôn là vấn đề người dùng đặc biệt quan tâm trên smartphone. Ngoài những cách tối ưu thời gian sử dụng pin bằng các thiết lập phần mềm, việc sạc pin đúng cách cũng rất quan trọng. Tạp chí Stuff đã tổng hợp 5 điều không đúng khi sạc pin điện thoại.
Sạc nhiều lần, pin càng nhanh hỏng
Thông thường pin smartphone có chu kỳ sạc trên 1.000 lần, đủ cho chiếc điện thoại của bạn có độ bền pin dùng được từ 3 đến 5 năm. |
Nhiều người cho rằng pin trên smartphone có số lần sạc giới hạn nên thường để máy gần hết pin mới nạp và sạc cho đến khi đầy. Điều này không hoàn toàn sai nhưng cần phân biệt số lần cắm sạc và số chu kỳ sạc.
Tuổi thọ pin li-ion được tính bằng số chu kỳ sạc, tức là bạn sạc được 50% cho viên pin dung lượng 2.000 mAh thì viên pin đó mới đạt 1/2 chu kỳ; khi bạn nạp tiếp 50% nữa mới là hoàn thành một chu kỳ sạc. Thông thường pin smartphone có chu kỳ sạc trên 1.000 lần, đủ cho chiếc điện thoại của bạn có độ bền pin dùng được từ 3 đến 5 năm.
Như vậy, người dùng có thể sạc pin bất cứ khi nào cần, thay vì phải chờ máy gần hết pin và nạp đầy 100%. Tuy nhiên, để giữ cho pin được tốt nhất, người dùng cần lưu ý thêm một số vấn đề trình bày ở dưới.
Để hết pin và sạc đầy 100%
Sai lầm về số lần sạc và số chu kỳ sạc pin dẫn đến không ít người dùng thường để smartphone rơi vào tình trạng pin còn vài % mới cắm sạc. Đây là điều bạn đặc biệt nên tránh.
Nếu để pin xuống gần mức 0%, một số cell pin có thể mất khả năng hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến smartphone của bạn sau những ngày dài không dùng có thể không thể hoạt động trở lại, dù cắm sạc. Việc kéo dài thời gian sạc khi pin đã đầy 100% là không nên, mặc dù smartphone có cơ chế tự động ngắt khi đã nạp đủ điện.
Lời khuyên được các nhà phân tích đưa ra là nếu muốn tối ưu hãy để pin điện thoại của bạn luôn ở mức 50% đến 80%. Tuy nhiên, một tháng một lần người dùng nên xả pin (dùng đến khi máy tự tắt) sau đó nạp đầy.
Bảo quản điện thoại chỉ cần tắt máy là đủ
Như đã nói ở trên, nếu để máy hết kiệt pin có thể khiến pin rơi vào trạng thái "hôn mê", có sạc lại cũng không bật lên. Ngược lại, nếu sạc đầy trước khi bảo quản có thể khiến pin giảm công suất, tuổi thọ pin bị giảm.
Trong thời gian dài không sử dụng điện thoại, người dùng nên sạc pin khoảng 50% rồi mới tắt máy và cất trữ. Tháo pin khỏi máy nếu có thể và để nơi khô thoáng, tránh xa nguồn nhiệt. Sau khoảng 6 tháng nên kiểm tra lại và sạc để giữ máy ở mức 50% trước khi bảo quản tiếp.
Nhiệt độ không ảnh hưởng đến pin
Nguồn nhiệt là một trong những nguyên nhân khiến pin sụt nhanh, nguy hiểm hơn, ở nhiệt độ đủ cao pin có thể gây ra tai nạn cháy nổ. |
Nguồn nhiệt là một trong những nguyên nhân khiến pin sụt nhanh, nguy hiểm hơn, ở nhiệt độ đủ cao pin có thể gây ra tai nạn cháy nổ. Đó là lý do mà trên bất kỳ hướng dẫn sử dụng smartphone nào nhà sản xuất cũng đưa ra cảnh báo tránh xa nguồn nhiệt, không tự ý hủy hay bỏ điện thoại vào thủng rác công cộng.
Ngược lại, nhiệt độ xuống quá thấp cũng không phải là môi trường lý tưởng cho hoạt động của smartphone. Dù điều này không ảnh hưởng nhiều đến người dùng tại Việt Nam, nếu bạn có ý định đi du lịch đến các vùng có thời tiết khắc nghiệt thì nên lưu ý.
Theo công bố của Apple, nhiệt độ tối ưu cho hoạt động của iPhone là từ 0 đến 35 độ C.
Điểm cần quan tâm nữa là khi sạc pin, điện thoại thường nóng lên. Do đó, tránh để máy trên giường hay những nơi giữ nhiệt, nơi không thoáng mát. Việc dùng thêm ốp lưng cũng có thể khiến máy nóng hơn.
Smartphone không cần nghỉ ngơi
Đa số người dùng không tắt điện thoại để việc giữ liên lạc được liên tục. Tuy nhiên, smartphone hay bất kỳ thiết bị điện tử nào cũng cần những khoảng thời gian "nghỉ ngơi".
Một tuần bạn nên tắt điện thoại một vài lần, đặc biệt khi bạn ngủ. Lúc này, thiết bị không chỉ được tối ưu về pin mà việc khởi động lại máy còn giúp smartphone hoạt động mượt mà hơn, giải phóng bộ nhớ đệm.
Theo VnExpress
Ý kiến
()