Chúng ta

Từ giáo viên trở thành salesman xuất sắc

Thứ ba, 24/5/2016 | 11:25 GMT+7

"Khó khăn lớn nhất khi đến với nghề là tư tưởng. Vì là giáo viên nên tôi cảm thấy ngại khi phải đi làm thị trường, phát tờ rơi, treo biển bạt, gõ cửa từng nhà để giới thiệu dịch vụ. Đôi khi khách hàng nói khó nghe cũng phải tỏ ra thân thiện và tươi cười", anh Trịnh Duy Sơn, salesman FPT Telecom Bắc Ninh, chia sẻ.

Trước khi gia nhập FPT, anh Trịnh Duy Sơn sống tại Hà Nội, là giáo viên dạy thể dục cho một trường trung cấp và dạy thêm cho một vài trường đại học. Anh giảng dạy tại đây từ năm 2008, cho đến tháng 4/2015 vì lý do công việc và cuộc sống không đảm bảo nên đã quyết định về Bắc Ninh. Về được gần một tháng, anh trai anh giới thiệu FPT Telecom đang tuyển cán bộ kinh doanh và hỏi xem anh có làm được không.

"Lúc đấy tôi không biết trả lời thế nào vì là giáo viên nên không thích kinh doanh. Cả đêm hôm đó tôi trằn trọc không ngủ được, suy nghĩ rất nhiều về công việc và tương lai. Rồi tôi đã đi đến quyết định sẽ thử sức với nghề kinh doanh - cái nghề mà lúc đó bản thân không hề thích thú và từng nghĩ không hợp, không làm được", anh tâm sự.

a-s3.jpg

Anh Sơn là salesman tiêu biểu của chi nhánh Bắc Ninh.

Trịnh Duy Sơn
Năm sinh: 1982
Ngày gia nhập FPT: 6/2015
Thành tích: Cá nhân xuất sắc chi nhánh Bắc Ninh 2015
Sở thích: Thể thao, kinh doanh.
Năng khiếu: Chơi cầu lông

Châm ngôn yêu thích: "Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể còn đạt được một cái gì đó còn tốt hơn".

Sau đó, anh nộp hồ sơ và bắt đầu thử việc từ tháng 6/2015. Lúc đầu, anh rất lo lắng, không biết làm gì, làm như thế nào, bắt đầu từ đâu. Rồi sau một tháng, anh cũng quen dần và bắt đầu tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công việc.

Làm được vài tháng, anh gặp khó khăn khi ký hợp đồng với một khách hàng ở Thị Cầu, TP Bắc Ninh. Đầu tiên khách hàng lắp Internet cho một nhà, sau đó lại lắp thêm cả Internet và Truyền hình cho ngôi nhà thứ hai mà vợ chồng cậu con trai đang ở. Do khách hàng rất kỹ tính nên anh đã để box truyền hình cho khách hàng xem thử hai ngày rồi mới ký hợp đồng chính thức.

Sau khi lắp đặt đường truyền thứ hai, ngày nào khách hàng cũng gọi điện ít nhất 3 lần để phàn nàn không thích dịch vụ truyền hình rồi lên quầy giao dịch đòi lại tiền. Lúc đó, anh đã đến tận nhà để nói chuyện nhưng khách hàng không hợp tác, đổ lỗi cho anh tư vấn sai. Ba ngày sau, anh hẹn gặp cả hai vợ chồng ở nhà để nói chuyện lại. Anh cam kết đã tư vấn đúng cho khách hàng về tất cả tính năng, giá cả, giới thiệu lại những ưu điểm vượt trội của Truyền hình FPT, sẵn sàng trả phí phát sinh để giúp khách hàng nâng cấp lên gói Premium HD nếu cần. Đồng thời nhấn mạnh bất cứ khi nào khách hàng cần, anh sẽ lập tức có mặt để hỗ trợ.

"Hôm sau tôi không thấy khách hàng lên quầy và gọi điện phàn nàn nữa. Tôi gọi lại thì anh chị bảo sẽ quyết định sử dụng tiếp dịch vụ, chỉ cần tôi nhớ việc cam kết hỗ trợ ngay khi cần. Nghe xong, tôi thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng khách hàng cũng hiểu và tin tưởng", anh kể lại.

Một dịp khác, anh Sơn đi khai thác thị trường mới cách văn phòng 18 km. Hôm đó, anh đã lên kế hoạch survey trực tiếp từng nhà do nhận định khu vực này tiềm năng nhưng rất khó tiếp cận. Sau khi chuẩn bị đủ mọi công cụ từ tờ rơi, báo giá, danh thiếp, sổ ghi chép, anh bắt đầu đi từng nhà để giới thiệu dịch vụ. Nhìn thấy một khách hàng trung tuổi, anh Sơn đi đến chào hỏi, giới thiệu súc tích về dịch vụ và đưa cho cô tờ rơi, báo giá. Khách hàng cầm, liếc nhìn qua tờ rơi, gật đầu rồi quay qua hướng khác cùng lúc vo viên tờ giấy trên tay, ném xuống đất.

Trước thái độ như vậy, anh vẫn niềm nở nhặt tờ rơi dưới đất lên, vuốt lại thật phẳng, giữ gương mặt thân thiện nhất, cầm hai tay đưa lại phía khách hàng và nói: "Dạ thưa cô, chắc lúc này cô chưa cần đến dịch vụ của chúng cháu có thể là do nhà mình đã dùng Internet rồi. Tuy nhiên, trên tờ giấy này có lưu số điện thoại của cháu, nếu cô và gia đình cần hỗ trợ bất cứ vấn đề gì về đường truyền Internet hiện tại cô cứ điện thoại cho cháu. Nếu không đủ khả năng xử lý cháu sẽ tìm cách báo với nhà cung cấp dịch vụ của cô. Vì trong nghề nên cháu biết, không dễ để gọi các anh kỹ thuật đến sửa khi họ không để lại số liên hệ cho cô. Cô cất giúp cháu nhé!".

Lúc đó, vị khách hàng trở nên bối rối và bất ngờ trước sự thân thiện của anh nên mỉm cười và cất tờ rơi vào ngăn túi. Vài ngày sau tại khu phố đó, anh Sơn đã có những khách hàng đầu tiên và họ đều được cô hôm trước giới thiệu với một câu nói: "Bên mạng mới này nhân viên họ nhiệt tình lắm, chắc chắn chất lượng cũng sẽ tốt". Vậy là anh Sơn đã có thêm những hợp đồng mới nhờ sự tận tâm và thân thiện của mình. 

a-son_1463643559.jpg

Anh Sơn (giữa) nhận giải cá nhân xuất sắc chi nhánh năm 2015. "Thời gian tới, tôi mong muốn sẽ thành công và phát triển hơn nữa trong công việc. Con số phát triển thuê bao luôn đạt từ 60 hợp đồng mỗi tháng", anh Sơn cười và cho hay.

Với sự nỗ lực không ngừng như vậy, anh Sơn trở thành salesman đạt nhiều thành tích ấn tượng của chi nhánh Bắc Ninh với số phát triển thuê bao cao gấp đôi các đồng nghiệp vào cùng thời điểm và vượt hầu như toàn bộ nhân viên cũ thâm niên khoảng 3 năm trở lại. 

Nhớ lại quãng thời gian đi làm gần một năm qua, anh cho rằng, khó khăn lớn nhất ban đầu là tư tưởng. Vì là giáo viên, trước đây chỉ biết có giờ thì đi dạy, học sinh có sẵn, công việc không bị áp lực gì nên khi chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, tư tưởng rất dao động. Anh cảm thấy ngại vì phải đi làm thị trường, phát tờ rơi, treo biển bạt, gõ cửa từng nhà để giới thiệu dịch vụ. Đôi khi khách hàng nói khó nghe cũng vẫn phải tỏ ra thân thiện và tươi cười.

Để vượt qua được những thử thách đó là cả một quá trình hằng đêm đi làm về đấu tranh tâm lý mãnh liệt. Và rồi anh nhận ra, anh đã yêu thích công việc này tự bao giờ. Nó đã giúp anh có cuộc sống ổn định hơn, không phải suy nghĩ nhiều về tiền. Con đường duy nhất phía trước anh cần đi đó là nghĩ cách phát triển được nhiều khách hàng. "Tôi quyết tâm luôn làm khách hàng cảm thấy tin tưởng và hài lòng. Đi phát tờ rơi, gõ cửa từng nhà chẳng có gì phải ngại cả vì công việc của tôi đòi hỏi phải như thế rồi dần dần cũng quen, khi đã quen rồi lại thấy rất yêu thích", anh nói.

Trước đây, ngoài giảng dạy, anh cũng thường xuyên giao tiếp với phụ huynh học sinh và thường cùng đoàn thanh niên đi các tỉnh làm công tác tuyển sinh nên đã giúp ích rất nhiều cho công việc mới khi tư vấn khách hàng. Dù nói chuyện trực tiếp hay nói qua điện thoại, anh cũng nắm bắt được tâm lý người nghe, hiểu được nhu cầu của họ, từ đó việc ký kết nhanh hơn và đi làm thị trường cũng không còn bỡ ngỡ. 

"Sau một thời gian, tôi nghiệm ra, để làm tốt công việc salesman thì yếu tố sức khoẻ, sự kiên trì, chịu khó là rất quan trọng. Tôi chỉ có một bí quyết đó là luôn trau rồi kiến thức của bản thân và luôn luôn thân thiện phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng", anh nói.

Ngoài công việc, anh cũng luôn dành cho mình những khoảng thời gian riêng với môn thể thao yêu thích nhất - cầu lông. Hằng tuần, anh đều chơi một buổi để nâng cao sức khoẻ, giảm căng thẳng mệt mỏi và hiện tại anh đang sinh hoạt trong một câu lạc bộ cầu lông ở TP Bắc Ninh. Có lần anh tham gia đánh cầu lông ở một khu phố, vì đánh hay quá nên mọi người ai cũng thích. Do đó, khi anh mời dùng dịch vụ, hầu như mọi người đều đồng ý ký hợp đồng.

Anh đã có một gia đình hạnh phúc với cô con gái nhỏ 4 tuổi. Vợ anh cũng làm kinh doanh nên rất hiểu và luôn biết cách chia sẻ những khó khăn, áp lực trong công việc của chồng. "Có thể nói tôi là một người đàn ông vì gia đình và gia đình là động lực chính để tôi vượt qua mọi khó khăn", anh nói.

Không chỉ tận tâm với công việc, anh còn là người quyết liệt với mọi vấn đề. Cũng nhờ va vấp nhiều nên anh Sơn rất linh hoạt trong cách ứng xử với anh em đồng nghiệp. Ban đầu do không hiểu nhau nên mọi người còn giữ khoảng cách nhưng càng về sau anh em lại càng thân thiết như người cùng nhà. Chị Vương Thị Thanh Huyền, Phòng Dịch vụ khách hàng (CUS), chia sẻ: "Sale và CUS là bộ phận tiếp xúc, tương tác với nhau hằng ngày nên không tránh khỏi mâu thuẫn trong công việc. Thế nhưng mọi người ở bộ phận của tôi đều đánh giá cao anh Sơn vì tính tình rất cẩn thận, cầu toàn. Hợp đồng của anh luôn đầy đủ thông tin, không bao giờ để CUS phải nhắc nhở. Mỗi khi có khách hàng muốn hủy dịch vụ, anh rất sát sao, thuyết phục cho đến khi khách đồng ý sử dụng tiếp mới thôi".

"Lần đầu gặp và phỏng vấn anh Sơn, tôi cứ lăn tăn không biết anh ấy có thể bắt nhịp được không vì công việc mới khác hoàn toàn với việc trước đó anh ấy từng làm. Nhưng mọi hoài nghi đều bị xoá bỏ ở tháng thử việc thứ hai của anh Những con số kinh doanh ấn tượng và tinh thần làm việc không phải sale nào cũng làm được. Tôi thấy anh Sơn gặp FPT như "cá gặp nước", giúp anh phát huy được sở trường cũng như thế mạnh của mình. Có thể nói anh là "sale già" nhưng phong độ thì không già chút nào", chị Đỗ Thọ Quế, cán bộ Hành chính nhân sự chi nhánh, bày tỏ.

>> Trở thành Phó Giám đốc nhờ tuổi thơ nghèo khó

Tử Quyên

Ý kiến

()