Chúng ta

Salesman không thể sống thiếu hợp đồng

Thứ năm, 19/11/2015 | 09:13 GMT+7

Nếu một ngày không thực hiện được hợp đồng nào, Lý Hoàng Minh cảm thấy cuộc sống của mình như thiếu thốn một cái gì đó. Tuy nhiên, những ngày như thế thuộc dạng “hiếm” với anh chàng luôn mang về xấp xỉ 200 hợp đồng mỗi tháng cho Trung tâm kinh doanh Sài Gòn 1 (FPT Telecom).

Vẻ ngoài bẽn lẽn, có chút ngại ngùng của Minh có thể khiến không ít người ngờ vực với công việc mà anh đang làm. Nhưng lầm to, đó chỉ là sự đánh lừa của thị giác. Đằng sau cái bề mặt thư sinh và hiền hiền đó là một cá tính quyết liệt đầy đam mê trong công việc. Đã không làm thì thôi, làm thì phải cho ra ngô ra khoai. Thế mới là Lý Hoàng Minh.

Dù đã 26 tuổi nhưng năm sinh được hiển thị trên chứng minh thư của salesman này là 1991. Trên thực tế thì Minh khá trẻ so với tuổi thật của mình. 4 năm chinh chiến cùng FPT Telecom giúp anh già dặn về kinh nghiệm nghề nghiệp nhưng cũng không làm mất đi vẻ thư sinh vốn dĩ.

Năm 2011, khi còn là sinh viên năm cuối của trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, quỹ thời gian rảnh rỗi vào mỗi buổi sáng thôi thúc Minh phải tìm kiếm một cái gì đó hữu ích lấp vào. Tất nhiên, làm việc là lựa chọn đầu tiên. Vừa có thể kiếm tiền, vừa tích lũy kinh nghiệm, tại sao không? Rồi anh gia nhập FPT Telecom cũng là một cái duyên khi đúng vào thời điểm ấy đơn vị đang tuyển dụng nhân viên kinh doanh.

minh1-8226-1447252047.jpg

Chàng salesman trong chiếc áo đặc trưng của Truyền hình FPT. Ảnh: Yến Nhi.

Nhưng “sốc” là một trong những tính từ diễn tả cảm giác trong những ngày đầu tiên Minh trở thành người của Trung tâm kinh doanh Sài Gòn 1. Công việc không phải là nguyên nhân căn bản mà “sốc” là mới đi làm đến ngày thứ 5 thì bị mất xe máy. Chiếc xe mới “nóng máy” được một thời gian ngắn ngủi bỗng dưng biến mất khiến anh không khỏi hoang mang. Nhưng nhờ sự hỗ trợ và động viên từ đơn vị, Minh đã lấy lại tinh thần để tiếp tục với công việc mới chỉ đang bắt đầu.

Khi được hỏi mất bao nhiêu thời gian để làm quen và thích nghi với công việc, chàng trai gốc Đồng Tháp không ngần ngại khẳng định “5 đến 6 tháng”. Không phải có thể làm được mà là trong thời gian đó Minh đã xây dựng cho mình những chiến lược cụ thể trong việc giới thiệu và bán sản phẩm. Anh thổ lộ, đến nay bản thân nhận thấy mình mạnh nhất ở mảng bán trực tuyến nhưng hầu như tất cả mọi phương thức kinh doanh đều được anh chàng sử dụng triệt để.

“Chỉ cần nơi nào, cách nào có khả năng mang đến hợp đồng là tôi không bao giờ từ chối. Cảm giác của tôi là lúc nào cũng có thể bùng nổ cho công việc”, salesman nói như đinh đóng cột. Mà thật vậy, khi Trung tâm kinh doanh Sài Gòn 1 bắt đầu chiến dịch “door to door” (giới thiệu và chạy thử Pay TV trực tiếp) cách đây mấy tháng, Minh vẫn lặng lẽ bám sát mọi người cho dù số bản hợp đồng online luôn không khó giúp anh “đủ số” hằng tháng.

“Đơn giản là tôi luôn nghĩ mọi cách có thể để tìm khách hàng. Tôi sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi mình hiểu rõ hết thì thôi”, chàng trai nói. Thế nên mọi phương thức từ Facebook, Google hay quảng cáo trên các trang web lớn luôn được salesman nắm bắt và áp dụng cho chính mình. Tất nhiên, thời gian đầu cách đây hai năm, khi bắt đầu tìm đến cách thức kinh doanh qua mạng, anh gặp hàng loạt khó khăn. Cách làm này không mang đến hiệu suất tốt với ít ỏi những bản hợp đồng. Không nản chí, Minh liên tục tìm tòi và học hỏi từ internet và mọi người xung quanh để dần hiểu rõ quy luật. “Bỏ quảng cáo đúng chỗ, đúng nơi” là câu mà anh dùng để đút rút kinh nghiệm của mình 2 năm qua ở mảng online.

Ban đầu, Minh rải đều thông tin đến các trang mạng phổ biến, nhưng dần theo thời gian, anh học được cách “đánh sâu” vào những mục tiêu nhất định. “Tôi luôn hỏi khách hàng là họ có được thông tin từ đâu và tổng hợp lại các ý kiến để tìm ra quy luật cho chính mình”, salesman tiết lộ.

Còn trước đó, anh làm gì để tìm khách hàng? Cũng là những cách truyền thống như treo băng rôn, dán tờ rơi... Thời gian ấy, trong chiếc cặp Minh mang bên mình luôn có chai hồ như một vật bất ly thân. “Lúc đầu vào ai cũng như ai thôi, quan trọng là phải không ngừng học hỏi”, anh bày tỏ.

minh2-9018-1447252047.jpg

Lý Hoàng Minh xác nhận hợp đồng với đồng nghiệp sau khi đã "chốt" với khách hàng. Ảnh: Yến Nhi.

Tìm được khách hàng là một lẽ, chinh phục được họ chọn dịch vụ của mình lại càng quan trọng hơn. Với Minh, điều cốt yếu là phải nắm bắt được tâm lý của họ. “Khách hàng lớn tuổi nói theo lớn tuổi. Khách hàng trẻ nói theo cách khác. Không thể cái nào cũng theo cùng một khuôn mẫu được”, salesman giải thích. Đặc biệt, anh luôn quan sát rất kỹ chiếc TV của khách khi đến ký hợp đồng Internet. Và ngược lại, luôn hỏi thăm về tình trạng mạng khi có dịp ký hay chạy thử Truyền hình FPT. “Không nhất thiết họ phải dùng của mình. Cứ nghiên cứu thử và giới thiệu, biết đâu khách hàng sẽ lựa chọn mình cho những hợp đồng khác”, anh lém lỉnh chia sẻ bí quyết.

Chiếc điện thoại của Minh cũng chính là cái tổng đài di động bất cứ lúc nào khách hàng cũng có thể gọi vào. “Tôi trực 24/24”, salesman cười bảo. Nhận những cuộc gọi vào “giờ thiêng”, tức giữa đêm, không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, anh cho hay, đó là việc của nghề nên không có gì gọi là phiền hà.

Luôn suy nghĩ tích cực, anh truyền được cái nhiệt huyết của mình cho những người xung quanh. Phạm Công Tuấn, đồng nghiệp của salesman “nghiện” hợp đồng, cho biết, ngoài việc luôn vui vẻ, hòa đồng vơi mọi người, Minh cũng thường xuyên hỗ trợ và hướng dẫn nhiệt tình cho anh em trong đơn vị.

“Minh là nhân viên có thâm niên với tư duy rất tích cực. Tôi thường xuyên bắt gặp bạn ấy tự mình mày mò, nghiên cứu những phương thức kinh doanh mới để phục vụ công việc tốt hơn”, anh Trần Đăng Hưởng, Trưởng phòng Kinh doanh, nhận xét.

Một ngày của salesman luôn trôi qua bằng những bản hợp đồng. Dù là các hợp đồng online hay đến tận nhà khách hàng để giới thiệu, đều là sự phấn khích của riêng Minh.  "Nghiện" hợp đồng có lẽ là từ thích hợp nhất để gán cho anh chàng “máu me” này.

>> Nữ giám đốc thích phá vỡ giới hạn

Yến Nhi

Ý kiến

()