Chị Vân Anh tươi tắn trước mỗi hành trình thiện nguyện. Ảnh: NVCC. |
Chị Dương Vân Anh, Trưởng phòng Tổng hợp của FPT IS FPS, thuộc FPT IS, là “má mì” của những chuyến đi như thế. Lúc còn đi học, chưa kiếm được tiền, hình ảnh những người lao động ì ạch đẩy xe than qua cầu Long Biên (Hà Nội) dưới trời mưa tầm tã khiến chị bị ám ảnh không thôi. Chị nuôi mong ước được giúp đỡ thật nhiều cho những con người khổ hạnh, trầy trật giữa cuộc đời như thế.
Con gái tuổi Thìn thường thông minh, sắc sảo lại nhạy cảm, tinh tế. Có lẽ vì thế mà dù ngập trong hàng tá công việc ở công ty với đủ thứ lằng ngoằng, với việc nhà một nách ba con, nhưng lòng trắc ẩn đối với những mảnh đời bất hạnh đã thôi thúc chị thu xếp lên đường.
Ba năm trở lại đây, cứ cuối năm chị lại đứng ra tổ chức một chuyến đi cho anh em FPT IS PFS (nay là FPT IS FPS). Chuyến đi đầu tiên của đoàn tới một vùng sâu, vùng xa của Yên Bái. Mảnh đất Xuân Long với 47 hộ dân, hơn 140 con người, không biết đến ánh sáng điện, vẫn chịu lạnh rét trong những ngày đông, không biết đến hạt cơm thơm dẻo mà quanh năm suốt tháng chỉ khoai sắn. Chưa có tiền lệ ở công ty, chị lo không biết lấy đâu kinh phí để đến nơi này. Cũng may, sau khi được sếp chốt: “Cứ đi đi, thiếu đâu anh bù”, chị mới thở phào. Lên kế hoạch xong, chị kêu gọi anh em quyên góp, đi cùng. Không ngờ mọi người lại nhiệt tình ủng hộ, số tiền và quần áo quyên góp được lớn hơn cả mong đợi. Những trải nghiệm của đoàn người lần đầu chứng kiến cuộc sống của người dân nghèo vùng cao đầy xúc động và đáng nhớ.
Cứ thế, chuyến đi thứ hai tới Bắc Kạn, anh em lại tranh nhau đăng ký. Đường xá xa xôi, lại thêm nhiều đồ đạc, quà cáp nên số người đi bị giới hạn khoảng 16 người. Anh Tá Anh phụ trách “tuyển người” tha hồ “làm mình làm mẩy”, anh em lại “chạy chọt” những mong kiếm được một chân. Những món quà Tết như bánh chưng, giò, gạo, đỗ, mứt và chiếc chăn ấm, vốn là những thứ bình thường ở miền xuôi thì với những người dân nghèo nơi đây, chúng trở thành xa xỉ phẩm. Một chút Tết phố về với bà con dân tộc khiến họ thêm ấm áp, ngỡ ngàng.
Chị Vân Anh cùng các đồng nghiệp đến trao quà cho các học sinh trường Tiểu học Nà Mấu, Cao Bằng. Ảnh: FIS |
Chuyến thiện nguyện thứ ba khi kinh phí đã dồi dào hơn do anh em đóng góp tiền phạt đi làm muộn, chị đã chuyển hướng tới trường học. Đoàn đến thăm 300 cháu học sinh của trường Tiểu học Nà Mấu, Cao Bằng, với những món quà nhỏ mà ý nghĩa. Những ánh mắt thơ ngây, những niềm vui của con trẻ khi lần đầu được khoác cặp sách, được mặc áo ấm khiến bất kỳ ai chứng kiến đều không khỏi nghẹn lòng.
Đó là những chuyến đi cùng đồng nghiệp. Chị Vân Anh còn tất bật với nhiều chuyến đi khác cùng anh chị em trong tổ chức “Chia sẻ tình thương”. Vì đã sinh hoạt ở hội từ rất lâu nên chị có nhiều kinh nghiệm. Trước mỗi chuyến đi, chị đều chọn địa điểm theo tiêu chí nơi thực sự khó khăn, hẻo lánh và chưa có ai làm từ thiện. Thu xếp thời gian, chị đi tiền trạm, làm việc với chính quyền địa phương để xin phép. Về, chị lên kế hoạch chi tiết cho đoàn, kêu gọi cán bộ ủng hộ tiền, sách vở, quần áo và cùng tham gia. Làm hành chính lâu năm, ý thức rõ việc dùng tiền của mọi người cần phải rõ ràng, minh bạch nên không ai thấy làm lạ khi chị mặc cả tới từng ngàn đồng với nhà cung ứng, và gửi e-mail thu chi sau mỗi chuyến đi tới từng người.
Tuần trước, chị cũng vừa tranh thủ vào viện để đóng viện phí cho một bé gái người Dao ở Hà Giang mổ tim lần ba. Lần mổ tim thứ ba của em mong manh khi tim đã to, chèn vào xương, các bác sĩ phải cưa xương và tim có thể vỡ bất cứ lúc nào. Hôm nay gặp, chị vui mừng báo em bé đã qua cơn hoạn nạn. Chị cười đầy viên mãn.
Người đàn bà ấy nói rằng chị rất sợ già, bởi như thế chị không đi được nhiều nữa, cuộc sống sẽ không thú vị và ý nghĩa. Chị sẽ luôn sẵn sàng cho những chuyến đi, cho đến khi không còn hơi sức. Với chị, làm việc thiện xuất phát từ tâm chứ chẳng thể nào ép buộc, và cảm giác hạnh phúc nhất là khi mọi người cùng nhau nhân rộng tấm lòng nhân ái, đồng hành với chị trên mọi hành trình.
Nguyễn Mơ
Ý kiến
()Hãy là người đầu tiên
bình luận