Chúng ta

Giảng viên KPoly bỏ mức lương nghìn đô chọn sự nghiệp 'trồng' người

Thứ bảy, 13/10/2018 | 09:00 GMT+7

Mê nghệ thuật, thời trang và tự do là những từ khoá mọi người nói về Lê Ngọc Anh – giảng viên ngành Chăm sóc Da và Spa của Poly K-Beauty (FPT Polytechnic), nhưng ít ai biết, anh từng là cậu sinh viên nghịch ngợm.

Bước sang tuổi 24, anh Lê Ngọc Anh trở thành người đầu tiên tại miền Bắc nhận tấm bằng Đại học chính quy ngành làm đẹp do Bộ Giáo dục Hàn Quốc cấp. Trước khi từ Hàn Quốc trở về, anh Ngọc Anh nhận được rất nhiều lời mời từ các khách sạn, trung tâm thẩm mỹ và spa cao cấp về làm quản lý với mức lương lên đến 1.000 USD.

Với một cậu sinh viên mới chân ướt, chân ráo ra trường, mức lương ấy là hấp dẫn, tuy nhiên anh Ngọc Anh mong muốn được làm việc tại Hà Nội để gần gũi gia đình thay vì phải di chuyển vào TP HCM. Thời điểm đó, ngành làm đẹp tại Việt Nam chưa phát triển, trừ Sài Gòn. Trước nhiều bất lợi về thị trường, anh Ngọc Anh dựa vào kinh nghiệm tích lũy trong 5 năm ở Hàn Quốc, mối quan hệ, để phát triển cửa hàng mỹ phẩm xách tay và trung tâm chăm sóc sắc đẹp.

Tại thời điểm năm 2016, anh được xem là một trong những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành làm đẹp về nước thành công nhất, với thu nhập hàng tháng 1.500 USD - 2.000 USD.

Với sự nghiệp thành công về làm đẹp, ít người biết rằng, trước đó anh Ngọc Anh từng là sinh viên chuyên ngành Hóa dược tại ĐH Công nghiệp Việt Trì và là du học sinh Hàn Quốc ngành Môi trường – một chuyên ngành không ăn nhập với công việc hiện tại.

Phá rào cản, theo đuổi đam mê

Trong hồi ức, anh Ngọc Anh có những tháng ngày tuổi thơ vô cùng bình yên và êm ả tại vùng ngoại thành Hà Nội. Suốt những năm tháng đó, anh mơ ước trở thành một dancer, một người thiết kế thời trang, bán thời trang… Với anh, các công việc thiên về nghệ thuật, tự do đều là đam mê và sở thích. Tuy nhiên, kết thúc chương trình phổ thông, đáp ứng mong muốn của gia đình, chàng trai trẻ theo học chuyên ngành Hoá dược tại Đại học Công nghiệp Việt Trì. Khi đang theo học năm nhất, trường liên kết với ĐH Dongshin Hàn Quốc, tuyển sinh viên đi du học nước ngoài. Tuổi trẻ thích đi nhiều nơi, khám phá những điều mới mẻ khiến Ngọc Anh nảy sinh ý định xuất ngoại. Được gia đình đồng ý, anh chọn ngành Môi trường tại Đại học Dongshin.

32776574-817092455141076-54421-2207-2631

Thầy Lê Ngọc Anh rất tỉ mỉ trong việc giảng dạy cho sinh viên tại lớp học trang điểm. Ảnh: NVCC.

Miệt mài học tiếng suốt 1 năm, cuối cùng chàng trai gần 20 tuổi cũng qua được vòng phỏng vấn của Đại sứ quán, thậm chí được nhận học bổng 30%. Thêm một năm học tiếng ở Hàn Quốc, Ngọc Anh chính thức bước vào chương trình học chuyên ngành Môi trường dài 4 năm.

Tại Hàn Quốc, Môi trường là một ngành đặc thù, nhiều cơ hội công việc nên khối lượng kiến thức lớn, quá trình học hành thi cử cũng nghiêm ngặt hơn những ngành khác rất nhiều. Lúc đầu, anh định học nghề này rồi sẽ về Việt Nam làm du lịch hoặc xin vào một doanh nghiệp nhà nước. Vậy nhưng mọi kế hoạch đều thay đổi sau một cuộc gặp định mệnh.

“Vô tình nhìn thấy mẩu tin tìm người mẫu để thực hành trang điểm, vì tò mò nên tôi quyết định trải nghiệm thử. Sau khi được hóa trang thành các nhân vật khác nhau tại lớp học, vốn tính đam mê nghệ thuật nên lớp học nhanh chóng thu hút mọi sự quan tâm của tôi”, anh chia sẻ. Trở về từ “lớp học định mệnh”, tâm trí anh liên tục nghĩ về việc chuyển ngành. Từ các mối quan hệ với thầy cô, bạn học người Hàn và Việt, anh tìm hiểu ngọn ngành về khoa “Làm đẹp” trong trường.

33038135-949675898534512-68550-3120-8349

Thầy Ngọc Anh trong ngày tốt nghiệp của sinh viên. Ảnh: NVCC.

“Mọi thứ thật sự mới mẻ nhưng đầy phấn khích. Làm đẹp ở Hàn Quốc được đào tạo như một ngành bình thường, bao gồm: nail, da, thẩm mỹ, tóc… chứ không đơn thuần như trong chính suy nghĩ của tôi. Quyết tâm chuyển ngành thôi thúc và quẩn quanh trong tâm trí tôi suốt thời gian dài”, Ngọc Anh bộc bạch.

Rào cản quá lớn từ phía bạn bè và người thân bắt đầu dồn dập. “Con trai lại đi học trang điểm”, “Học làm gì nghề đó rồi không có tương lai”, thậm chí còn có những câu châm biếm nặng nề “Học trang điểm rồi về Việt Nam làm cho gà, lợn…” – anh đối mặt với hàng trăm câu nói mỉa mai từ  những người xung quanh. Cách đây 8 năm, nghề này còn khá xa lạ ở Việt Nam. Trong thâm tâm họ, thẩm mỹ – làm đẹp gắn với hình ảnh của những quán cắt tóc, gội đầu, mát-xa không mấy thiện cảm trong đời sống xã hội những năm đầu thập niên.

Trong khoảng thời gian chơi vơi nhất, mẹ là người tôn trọng và ủng hộ anh bước tiếp trên con đường đã chọn. Đấng sinh thành là phụ nữ nông thôn nhưng có suy nghĩ cởi mở và hiện đại. Do vậy, khi nhớ về khoảng thời gian đó, anh không bao giờ quên câu nói của mẹ: “Đã đến lúc, tương lai của con, con tự quyết đình và phải có trách nhiệm với nó. Mẹ sẽ ở đây và ủng hộ con”. Lời ủng hộ của mẹ khiến anh không lưỡng lự. Chàng trai bắt đầu theo đuổi đam mê.

Bắt đầu mọi thứ từ đâu, bỡ ngỡ là chuyện tất nhiên phải đương đầu. Từ ngữ chuyên ngành về mat-xa, trang điểm, Đông y khiến anh nhiều đêm thức trăng ghi nhớ. Đặc biệt, khó khăn lơn là học phí đắt đỏ, cao hơn các ngành khác 20% - 30%. Không muốn gia đình lo lắng, ngoài thời gian học trên lớp, anh đi làm thêm như bốc vác, chạy bàn quán ăn, rửa chén, thu ngân… để có tiền học tập.

2 năm đầu là khoảng thời gian khủng hoảng từ học tập đến chi phí. Mọi thứ chỉ ổn định khi anh bắt đầu nhận tư vấn mỹ phẩm cho cả người Hàn và Việt. “Tôi dành tiền kinh doanh cửa hàng mỹ phẩm xách tay về Việt Nam. Kiến thức trên lớp giúp tôi rất nhiều trong công việc này, lại mang lại thu nhập để tôi tiếp tục học tập”, anh Ngọc Anh cho biết. Vượt qua khó khăn, anh mới thấy mọi việc đều có thể làm được nếu như kiên định và cầu tiến.

Từ bỏ để bắt đầu

Sau 4 năm dạn dày tại xứ sở kim chi, với tấm bằng đại học chính quy ngành làm đẹp do Bộ Giáo dục Hàn Quốc cấp, Ngọc Anh nhanh chóng được các doanh nghiệp, spa, khách sạn cao cấp săn đón, mời về làm việc. Bỏ qua bao hấp dẫn, chàng trai trẻ quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp.

Thời điểm về nước, anh đã là chủ cửa hàng mỹ phẩm xách tay uy tín có tiếng cộng với việc làm phiên dịch cho một số doanh nghiệp Hàn Quốc nên cuộc sống rất thoải mái. Không dừng lại, với mong muốn trở thành một nhà quản lý về trang điểm, làm đẹp, anh tiếp tục thành lập trung tâm chăm sóc da. Cơ sở được xây dựng với 200% nhiệt tình và tâm huyết của chàng trai trẻ. Năm đầu tiên, mọi thứ đều suôn sẻ, ông chủ trẻ đón nhận nhiều sự tín nhiệm của khách hàng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm quản lý còn non trẻ, Ngọc Anh phải chấp nhận tạm ngưng hoạt động sau một thời gian.

“Sau thất bại, tôi xem đó là bài học, kinh nghiệm sống để tự dành cho mình khoảng thời gian sống chậm hơn”, anh bày tỏ.

Cơ duyên đến với nghề giáo khá tình cờ. “Trong một lần được nhờ biên dịch tài liệu và phiên dịch cho người Hàn, bổng nhiên một hôm vị giảng viên này bị ốm nên tôi đành đứng lớp truyền đạt các nội dung trong tài liệu. Không ngờ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên nên trường cao đẳng nọ quyết định giữ tôi lại, bồi dưỡng thêm để trở thành giảng viên”, anh bật mí.

Lĩnh vực giáo dục như một mảnh đất mới mẻ và đầy thử thách nhưng luôn cuốn hút, hấp dẫn, thôi thúc thầy giáo trẻ tự hoàn thiện bản thân mình để “truyền lửa” cho các bạn trẻ muốn theo nghề làm đẹp. Với thế mạnh ngoại ngữ và được đào tạo bài bản tại Hàn Quốc trong thời gian dài, chỉ sau 1 năm thầy Ngọc Anh đã trở thành giảng viên uy tín của ngành làm đẹp, là chuyên gia trẻ nhất tham gia ra đề và huấn luyện thí sinh dự thi tay nghề quốc gia và cấp khu vực ASEAN năm 2016. Ngoài ra, anh còn giữ vị trí Trưởng ban chăm sóc da, uỷ viên hiệp hội đào tạo phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, là giảng viên của nhiều trường trung cấp, cao đẳng, các trung tâm dạy nghề tại Hà Nội và TP HCM.

39396448-895322633984724-28247-1504-9829

Thầy Lê Ngọc Anh được sinh viên lớp chăm sóc da tại Poly yêu thích và ngưỡng mộ. Ảnh: NVCC.

Rồi một ngày, vị thầy giáo trẻ này nhận được lời mời về làm giảng viên cho Hệ thống đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc Poly K-Beauty của Tổ chức Giáo dục FPT. Nghe về FPT đã lâu, từ trong tiềm thức người giảng viên trẻ, tập đoàn này vốn gắn liền với công nghệ chứ không hề nghĩ lại liên quan đến ngành thẩm mỹ – làm đẹp. Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng và trải nghiệm, Ngọc Anh bị thu hút bởi văn hóa người FPT “dân chủ và hạnh phúc” nên quyết định chung một nhà với Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic.

Chia sẻ về trường và FPT, anh cho biết: “Cho đến nay, điều tôi ấn tượng và hài lòng nhất có lẽ là sự đầu tư bài bản, nghiêm túc cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng đào tạo, giảng dạy, tuyển chọn giảng viên. Hiếm có nơi nào chấp nhận “mạnh tay” nhằm giúp học viên có môi trường học chuyên nghiệp, hiện đại, mỹ phẩm thực hành chất lượng, đảm bảo, chất lượng đầu ra đạt chuẩn quốc tế như vậy”.

Công việc giảng dạy ở FPT khiến anh hạnh phúc và muốn cống hiến từng ngày. Mặc dù, sau khi công việc làm chủ không như ý muốn, nhiều công ty, trung tâm thẩm mỹ mời anh làm quản lý với mức lương cao hơn rất nhiều nhưng “trót yêu nghề dạy rồi nên tôi không ‘dứt’ ra được”, anh chia sẻ.

Là người làm trong ngành thẩm mỹ làm đẹp, ngày ngày tiếp xúc, truyền lửa cho các học viên, điều thầy Ngọc Anh mong mỏi nhất là học trò của mình sớm trưởng thành, nắm vững nghề nghiệp, tạo bước đà thuận lợi cho sự nghiệp trong tương lai, từ đó góp phần đưa ngành thẩm mỹ – làm đẹp Việt Nam ngày một phát triển.

>> Lương tối thiểu 25 triệu cho giảng viên, nghiên cứu viên tại FPT Education

Hà Trần

Ý kiến

()