2015 là năm thứ ba anh Quang được vinh danh trong Top 100, thành tích hiếm hoi đáng nể của những cá nhân xuất sắc FPT từ trước đến nay. Đặc biệt, ba lần được khen thưởng là mỗi lần anh được trao nhiệm vụ quản lý ở một mảng mới. Năm 2009, anh Quang là Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục thể chất - Đại học FPT. Năm 2012, anh được giao vị trí Trưởng phòng Dịch vụ đời sống sinh viên - Đại học FPT, campus Hòa Lạc. Ba năm sau, anh tiếp tục “nhảy việc” khi được bổ nhiệm quyền Phó Hiệu trưởng trường THPT FPT, phụ trách mảng đời sống và công tác học sinh. Ở mỗi cương vị, công việc được giao đều mang đến cho anh những trải nghiệm mới thú vị nhưng cũng không ít thách thức.
Người thầy không dạy chữ Trần Vũ Quang. Ảnh: Hà Dương. |
Đầu năm 2012 được coi là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của “người thầy không dạy chữ” Trần Vũ Quang khi anh Nguyễn Khắc Thành, Phó Hiệu trưởng Đại học FPT kiêm PTGĐ FPT, giao nhiệm vụ tổ chức và điều hành phòng Dịch vụ đời sống sinh viên. Vì chuyên môn chính của anh là mảng giáo dục thể chất nên khi chuyển sang mảng nghiệp vụ hoàn toàn mới, chưa có kiến thức và kinh nghiệm với thời gian chuẩn bị chỉ 2 tháng, anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là thời điểm ĐH FPT Hòa Lạc dần đi vào hoạt động nên từ việc xây dựng đội ngũ nhân viên, khảo sát thực tế tại Hòa Lạc, phương án an ninh, việc đi lại cho đến công tác nội trú cho sinh viên… đều do anh cùng các cộng sự đảm nhận triển khai.
Mọi nỗ lực của anh đã được đền đáp. Đầu tháng 5/2012, 561 sinh viên khóa 7 đã ổn định sinh hoạt tại Hòa Lạc. Thế nhưng khoảng thời gian sau đó, nhiều việc phát sinh nan giải xảy ra như ký túc xá mất nước, sự cố điện, an ninh, nhà ăn… “Bất chấp thời gian chuẩn bị ngắn ngủi và công việc chằng chịt, bằng sự nỗ lực của 5 nhân sự phòng Dịch vụ Đời sống phối hợp với phòng ban khác, mọi thứ cuối cùng cũng xong xuôi êm đẹp”, anh Quang nhớ lại.
Anh Quang tâm niệm, người quản nhiệm cũng phải thường xuyên tiếp xúc với học sinh bởi các em đang ở độ tuổi mới lớn, muốn tự do, thoát khỏi sự kiểm soát, muốn được tin tưởng, tôn trọng. Ảnh: FE. |
Từ tháng 9/2013, anh tiếp tục kiêm nhiệm công tác quản lý học sinh nội trú tại THPT FPT. Anh chia sẻ, có thể hình dung ở một trường học, vị trí của giáo viên là trên bục giảng thì vị trí của thầy cô quản nhiệm là mọi nơi: hành lang, cửa lớp, phòng ăn, phòng ở, sân trường… Bất cứ đâu có học sinh, ở đó có thầy cô quản nhiệm.
Anh tâm niệm, giáo viên quản nhiệm cần tiếp xúc với phụ huynh học sinh nhiều bởi họ là những người luôn mong muốn có một môi trường an toàn để con em học tập, phát triển, định hướng trưởng thành và tự lập. Bên cạnh đó, người quản nhiệm cũng phải thường xuyên tiếp xúc với học sinh bởi các em đang ở độ tuổi mới lớn, muốn tự do, thoát khỏi sự kiểm soát, muốn được tin tưởng, tôn trọng.
Đồng thời, thầy cô quản nhiệm cũng cần kịp thời có sự phản hồi với giáo viên chủ nhiệm hoặc Ban giám hiệu về tình hình ăn ở nội trú của học sinh trong trường. Do đó, để dung hòa được cả 3 mối quan hệ này không phải nhiệm vụ dễ dàng. Thầy cô quản nhiệm “chặt tay” thì nhà trường và phụ huynh yên tâm, nhưng học sinh sẽ cảm thấy ngột ngạt và phản kháng bằng nhiều cách. Ngược lại, thầy cô quản nhiệm “lỏng tay” thì học sinh thoải mái nhưng sẽ phá hỏng nề nếp cần có của một môi trường nội trú, hay xa hơn là tương lai của cả một thế hệ học sinh.
Giáo viên quản nhiệm tại THPT FPT có những câu chuyện độc đáo mà ít thầy cô giáo đứng bục giảng lâu có được. Ranh giới giữa người thầy trong vai trò chỉ bảo dạy dỗ, và người anh, người chị sống cùng với mình mỗi ngày đôi khi rất mong manh. Nhiều lúc giáo viên quản nhiệm thấy mình “có chút tủi thân nhẹ” khi học sinh thuộc nhóm “nhất quỷ nhì ma”.
Anh Quang kể, có lần phát hiện một em học sinh nam hút thuốc, thầy quản nhiệm mời lên phòng nhắc nhở nhưng em nhất quyết không thừa nhận hành vi, nhất quyết không chịu ký vào biên bản. Cuối cùng, thầy quản nhiệm phải mời một cán bộ thứ ba xác nhận một cách rất thủ công là ngửi mùi thuốc lá trên tay thì em học sinh đó mới chịu nhận lỗi. Lần khác, một học sinh muốn được nói chuyện với thầy quản nhiệm nhưng lại rất thẳng thắn đề nghị ghi âm, ghi hình cuộc trò chuyện. Những lúc như vậy, người quản nhiệm cần rất “tỉnh” vì học sinh cũng “quái” lắm. Nhiều khi các thầy cô bị "chọc" mà không hề biết.
“Trên hết, để làm tốt công việc quản nhiệm, thầy cô cần tâm niệm nhiệm vụ của mình không phải quản lý học sinh, mà là chinh phục các em bằng cách khen chê đúng đắn, không áp đặt, lạm dụng quy chế. Nguyên tắc có thể cứng rắn nhưng phương pháp phải mềm mỏng”, quyền Phó Hiệu trưởng trường THPT FPT đúc kết.
2015 là năm thứ ba anh Quang được vinh danh cán bộ xuất sắc tập đoàn - danh hiệu mà để được ghi nhận đến lần thứ ba là chuyện xưa nay "hiếm" ở FPT. Ảnh: Hà Dương. |
Công việc quản nhiệm, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của học sinh nội trú hết sức vất vả và dường như không bao giờ có điểm kết thúc. Còn trăn trở là còn tình yêu nghề, yêu trò.
Do tính chất công việc, có hôm anh nghe phụ huynh “tâm sự” đến khuya mới về. Thậm chí trong suốt một năm, anh không có ngày cuối tuần vì dồn sức hỗ trợ công việc ở trường cũng như tham gia các công tác tuyển sinh.
“Tình yêu và đam mê trong sự nghiệp của tôi chính là học sinh, sinh viên”, anh Quang bộc bạch. Anh vẫn hay nói đùa với mọi người rằng mình là người thầy không dạy chữ, nhưng được phục vụ và rèn luyện các em chính là niềm vui lớn. Chứng kiến học sinh tự lập và trưởng thành từng ngày, anh cảm thấy đó là niềm hạnh phúc của bản thân và khi phải xử lý các em vi phạm kỷ luật thì lòng cũng buồn miên man.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, anh vui mừng khi mảng việc của mình cơ bản được ổn định, tạo niềm tin, uy tín với đồng nghiệp, đối tác, học sinh và phụ huynh. Tham vọng trong thời gian tới của anh là đưa FPT School trở thành điểm đến của phong cách sống và tri thức, học sinh có bản sắc riêng, có sự sáng tạo, kỹ năng mềm cùng khả năng tự lập, thích nghi, năng lực vượt khó hơn hẳn những học sinh ở môi trường giáo dục khác trong nước.
Trần Vũ Quang Năm sinh: 1981 Đơn vị: Khối Giáo dục FPT Vị trí: Quyền Phó hiệu trưởng FPT School Thời gian vào FPT: 2007 |
Thiên Bình - Nguyễn Bình
Ý kiến
()